Xây dựng đô thị xanh Tam Kỳ cần sự đồng lòng của chính quyền và người dân
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Quảng Nam: Tháo gỡ vướng mắc cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD của VinaCapital
Là thành phố thủ phủ của Quảng Nam, Tam Kỳ với vị trí địa chiến lược quan trọng đang phát huy vai trò động lực hỗ trợ cho sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thời gian qua, quá trình đô thị hóa ở Tam Kỳ đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhiều dự án đầu tư khu nhà ở thương mại, đô thị đã và đang được triển khai, từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, tạo nguồn thu ngân sách lớn cho thành phố.
Tam Kỳ sẽ phát triển không gian đô thị về phía Tây thành phố.
Những năm qua, thành phố Tam Kỳ đã tích cực đầu tư về mọi mặt và trở thành trung tâm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam. Trên cơ sở những thành tựu đạt được, thành phố Tam Kỳ đặt ra mục tiêu tập trung phấn đấu trở thành đô thị loại 1 cấp tỉnh vào năm 2025.
Đặc biệt, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 của Công ty Niken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản) thực hiện vừa đạt giải tác phẩm xuất sắc tại Việt Nam của kiến trúc sư nước ngoài trong cuộc thi Giải thưởng Kiến trúc quốc gia Việt Nam năm 2014.
Đây là Đồ án được đánh giá mang tính chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn theo hướng khai thác gắn liền với gìn giữ môi trường, cảnh quan tự nhiên, giải quyết tốt các bài toán xung đột trong phát triển vì các lợi ích trước mắt.
Đồ án quy hoạch cũng đưa ra quan điểm, để phát triển thành phố Tam Kỳ theo hướng bền vững và hấp dẫn, không chỉ phát triển để mở rộng đô thị mà còn nâng cao sức hấp dẫn, sự nhộn nhịp trong khu trung tâm hiện hữu. Do đó, cần quy hoạch hình thành khu đô thị trung tâm tích hợp các chức năng đa dạng xứng tầm thủ phủ gồm hành chính, tiền tệ, thương mại, y tế, giáo dục.
Bên cạnh đó, chính quyền Tam Kỳ xác định sẽ xây dựng thành phố theo hướng đô thị xanh. Cảnh quan thiên nhiên sẽ được bảo tồn tối đa để tạo nên vóc dáng của đô thị Tam Kỳ hiện đại trong tương lai. Thiên nhiên ưu đãi cho thành phố có cả sông, núi, hồ, đầm, các ưu thế này sẽ được bảo tồn và phát triển, trở thành một phần quan trọng trong không gian đô thị của địa phương.
Quảng trường 24 tháng 3 của thành phố Tam Kỳ nhìn từ trên cao.
Cần sự đồng lòng, chung tay của chính quyền và người dân
Tam Kỳ hiện có 12 quy hoạch phân khu, trong đó có phân khu vùng Tây, cụ thể là tại phường Trường Xuân đã được phê duyệt, đủ cơ sở quản lý phát triển, thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên phát triển đô thị, dịch vụ. Hiện nay, quỹ đất tại khu vực này còn rộng, giá thành chưa tăng cao, đủ đáp ứng cho nhu cầu thương mại, văn phòng, dịch vụ của thành phố và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai các dự án tại khu vực này còn gặp nhiều khó khăn khi một số hộ dân thuộc đường Nguyễn Tấn Trung, phường Trường Xuân không đồng ý bàn giao đất. Chính quyền thành phố cùng chủ đầu tư đã rất nỗ lực vận động, giải thích với mong muốn người dân cùng đồng lòng trong quá trình phát triển thành phố.
Người dân chưa am hiểu về luật đất đai và quy định áp giá đền bù, đơn cử như đất hoa màu thì chỉ được đền bù tiền và hỗ trợ thay đổi ngành nghề, không được hỗ trợ tái định, chỗ này là những vướng mắc lớn nhất khi đã kiểm kê và họp đến những lần cuối cùng vẫn chưa nhận được sự đồng tình.
Nhìn về địa phương láng giềng, sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã nổi lên như là một “hiện tượng” về phát triển đô thị. Từ một đô thị nhỏ bé, không gian đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tương ứng với diện tích khoảng 5.600 ha, đến nay đô thị Đà Nẵng đã mở rộng lên tới khoảng 20.000 ha, gấp hơn 3 lần ranh giới cũ trong vòng 15 năm.
Phối cảnh dự án "Tam Ky Central City" – “Trái tim mới” của thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Để đạt được thành công đó, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù đất bị thu hồi thì không thể không nhắc tới sự đồng thuận của người dân toàn thành phố Đà Nẵng trong quá trình phát triển. Rất nhiều người sẵn sàng hiến đất, đổi đất để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị địa phương
Anh Lê Xuân Cảnh – Luật sư Đại diện Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tại Miền Trung chia sẻ: “Thời gian vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư đã đến với Quảng Nam, tuy nhiên chính họ lại đang bị mắc kẹt tại đây khi đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa thể bàn giao quỹ đất sạch để các chủ đầu tư phát triển các khu đô thị như quy hoạch ban đầu.
Đây sẽ là một rào cản không nhỏ, bởi theo tôi được biết một số chủ đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính mạnh cũng đang rất quan tâm tới thành phố Tam Kỳ và mong muốn được góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng các đô thị hiện đại nhằm thay đổi bộ mặt đô thị nơi đây. Thiết nghĩ, chính quyền thành phố cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án đã phê duyệt để bàn giao đất cho các chủ đầu tư triển khai dự án, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.”
Theo dự thảo Đề án phát triển thành phố Tam Kỳ trở thành đô thị loại I cấp tỉnh, địa phương này sẽ phải thực thi các giải pháp đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội, từ đó sẽ tác động lan tỏa, nâng cao vai trò của đô thị, thu hút dân cư, phát triển hạ tầng và kinh tế đô thị. Ngoài những nỗ lực của chính quyền địa phương thì rất cần sự chung tay, đồng lòng của người dân đối với định hướng phát triển thành phố. Bởi khi bộ mặt đô thị được thay đổi mạnh mẽ thì chất lượng cuộc sống người dân cũng sẽ được nâng lên nhờ những tiện ích từ các khu đô thị văn minh đem lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo