Nhượng quyền thương hiệu phát triển nhanh tại Việt Nam
Bán vốn nhà nước tại các Genco: Hàng khủng không dễ kiếm đại gia / NutiFood tham gia phân khúc cà phê hòa tan
Các khách hàng đang tìm hiểu cơ hội chuyển nhượng thương hiệu từ nước ngoài.
Với 11 nhãn hàng từ các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Italia và Mỹ thuộc ngành dịch vụ ăn uống, (F&B) đang được Công ty VF Franchise Consulting môi giới đến các nhà đầu tư Việt Nam là một minh chứng cho thấy đó chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm.
Ông Sean T.Ngo - TGĐ Công ty Franchise Consulting đánh giá: Thị trường franchise của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Hiện nay, có khoảng 200 thương hiệu được chuyển nhượng tại thị trường này. Nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn rất nhỏ. Thái Lan có 800 thương hiệu và Philippines có 2.000 thương hiệu, Singapore có 800 thương hiệu. Nhưng tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam đang được đánh giá có mức tăng trưởng cao nên đây cũng là thị trường hấp dẫn để các công ty nước ngoài tìm đến. Do vậy, Hội nghị nhượng quyền tổ chức tại TP.HCM các nhà đầu tư tại Việt Nam sẽ có cơ hội sở hữu các thương hiệu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, giáo dục - đào tạo và dịch vụ với mức nhượng quyền tối thiểu từ 500 nghìn đến 5 triệu USD.
Ông cho biết thêm: Ở hội nghị nhượng quyền thương hiệu lần này có 9/11 nhãn hàng kinh doanh F&B như: trà sữa, pizza, mỳ lạnh, kem, hải sản kiểu Mỹ và bánh bao, bánh cam Hồng Kông được chúng tôi chọn giới thiệu đến các nhà đầu tư Việt Nam. Chúng tôi đánh giá Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, tầng lớp dân số trẻ, thích nghi và du nhập nhanh văn hóa thế giới, nhất là ẩm thực luôn được các bạn trẻ đón nhận.
Các nhãn hàng này trước khi muốn nhượng quyền ra thế giới họ đã phải chuẩn mực hệ thống, xây dựng các tiêu chuẩn, luật hóa, dễ sao chép. Và quan trọng là họ có tỷ lệ doanh thu rất tốt.
Ông dẫn chứng cụ thể: Little Caesars là chuỗi pizza lớn thứ ba trên thế giới với thương hiệu pizza “take-away” hàng đầu. Thương hiệu này đã có mặt tại 8 thành phố lớn ở Canada, hơn 50 bang tại Mỹ và 22 khu vực quốc gia trên thế giới, trong số 148 chuỗi nhà hàng pizza và thức ăn nhanh. Thương hiệu này có vốn tối thiểu đầu tư ban đầu 3 triệu USD.
Cold Stone Creamery thương hiệu kem được khách hàng ưa thích đồ ngọt trên toàn thế giới yêu thích. Dòng kem cao cấp của Cold Stone Creamery® được làm tươi tại hơn 1000 địa điểm khắp nước Mỹ và hàng trăm cửa hàng trên thế giới. Thương hiệu này có vốn tối thiểu đầu tư ban đầu 1 triệu USD.
Machida Shoten là thương hiệu mỳ Ramen lớn thứ hai tại Nhật Bản, với gần 400 nhà hàng trên khắp nước Nhật và hai nhà hàng tại Mỹ và Singapore. Machida Shoten® được biết đến với tên E.A.K Ramen trên thị trường quốc tế. Thương hiệu này có vốn tối thiểu đầu tư ban đầu 500 nghìn USD.
Cha Ji Tang - một nhãn hàng trà sữa mới xuất hiện tại thị trường Đài Loan được 5 năm nhưng chọn lối đi khác biệt, chọn lọc thực phẩm tự nhiên mang đến sự an toàn cho sức khỏe con người
Ông Andy Hsu, Tổng giám đốc Công ty Rend Feng International Food cho biết, ông mong muốn tìm được đối tác nhượng quyền cho thương hiệu Cha Ji Tang tại thị trường Việt Nam với mục tiêu trong 5 năm tới sẽ mở 20 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh. Với chi phí đầu tư khoảng 200.000 USD cho mỗi cửa hàng.
Trước việc đổ bộ của các thương hiệu nước ngoài vào ngành F&B, mới đây Công ty Tân Hiệp Phát đã có chiến lược đưa ra sản phẩm trà sữa và kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn kinh doanh theo mô hình nhượng quyền.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính từ năm 2007 đến nay đã có 206 doanh nghiệp với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam. Với nhiều mô hình đa dạng như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn uống, sản xuất dược phẩm, cửa hàng cho thuê xe, mô hình giáo dục trẻ em, kinh doanh quần áo, giày dép thời trang.
Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, thị trường nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng bình quân tăng 15 - 20%/năm, cùng với sự gia nhập của các thương hiệu quốc tế lớn mạnh và các thương hiệu đến từ khu vực ASEAN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo