Doanh nhân làm nghị sỹ: Làm sao tròn cả hai vai?
Doanh nhân - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường trong một phiên thảo luận ở nghị trường - Ảnh: Nguyên Thảo.
Báo Vietnamnet cho biết, bà đã bị khách hàng gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng vì công ty đầu tư nhà đất do bà làm chủ tịch đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng với số tiền từ 30-40% giá trị căn hộ của một dự án nhưng không triển khai.
Trách nhiệm của bà (nếu có) vẫn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra, nhưng cảm giác không vui xen chút thất vọng của cử tri là điều không tránh khỏi. Bởi, yêu cầu với một vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất đương nhiên là rất khắt khe.
Đầu nhiệm kỳ này, sự kiện 38 doanh nhân, trong đó có 4 vị tự ứng cử trúng cử, đã được một số tờ báo gọi là “làn sóng” doanh nhân vào Quốc hội. Vì đây là con số nhiều hơn hẳn nhiệm kỳ trước. Và ngay khi đó, câu hỏi mừng hay lo cũng đã được đặt ra.
Mừng, khi ở nghị trường khóa 12, một số vị đại biểu - doanh nhân cũng đã để lại ấn tượng đẹp với cử tri, qua phát ngôn và hành xử. Mừng khi kỳ vọng họ đầy trải nghiệm thực tiễn để tham gia xây dựng chính sách. Nhưng lo cũng rất nhiều, bởi tầm của một chính khách là điều không phải ai muốn cũng có thể vươn tới.
Ngay kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 13, người viết bài này đã nghe một vị doanh nhân từ chối khéo trả lời báo chí là vì “chỉ đại diện cho cử tri tỉnh nhà”. Rồi sau đó, một số vụ lùm xùm trên công luận có vai chính là doanh nhân - đại biểu, và một trong số họ cũng đã phải rời nghị trường đã gây không ít thất vọng cho cử tri.
Nhưng, cũng không quá hiếm các vị đại biểu “hai vai” đã lên tiếng là thẳng thắn. Một trong số đó là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I Mai Hữu Tín.
Cuối năm 2011, ông Tín từng nói với VnEconomy, từ năm 1988, ông chưa bao giờ thấy tình hình của các doanh nghiệp xấu như lúc đó. Còn trên diễn đàn Quốc hội, ông nêu thực tế, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết. Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, thì có thể phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế.
Vị doanh nhân có vẻ bề ngoài khá trầm lặng này cũng không ngần ngại đề cập thực trạng nhiều doanh nhân Việt còn định dẹp bớt cơ ngơi ở Việt Nam và chuẩn bị cho họ một quốc tịch khác…
Đến giữa năm nay, khi thực tế đã khẳng định sự chính xác trong nhận định nói trên, quan điểm của ông Tín là, “trong tương lai nên tính đến chuyện không để doanh nhân làm đại biểu Quốc hội. 100% đại biểu chuyên trách là tốt nhất”.
Nhưng không phải doanh nhân nào cũng đồng ý với quan điểm đó.
Cũng liền hai khóa có số ghế ở nghị trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng rất cần sự có mặt của các doanh nhân ở Quốc hội.
Ví dụ rất thời sự được nữ nghị sỹ này đề cập có liên quan đến một số quy định về đất đai ở cả dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sửa đổi và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhấn mạnh đến quan điểm của một số vị đại biểu - doanh nhân về quy định thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế xã hội, bà Hường luận giải, nếu vì lợi ích quốc gia thì nên giữ quy định này.
Đây không phải lợi ích của khối doanh nhân mà vì lợi ích của cả nền kinh tế, khi tham gia Quốc hội thì không thể vì cái tôi mà vì cái chung, bà Hường chia sẻ.
Phản ánh với bà sự thất vọng của một số cử tri về đóng góp còn khá khiêm tốn của các vị đại biểu - doanh nhân, bà Hường cho rằng Quốc hội là một diễn đàn rất lớn. Và mỗi doanh nhân sẽ tham gia từ góc độ nào mà họ giỏi nhất.
Quốc hội không phải lúc nào cũng dành thời lượng cho kinh tế, nếu kỳ vọng là doanh nghiệp phải phát biểu tất cả lĩnh vực thì không đúng, nữ nghị sỹ nói.
Thừa nhận thực tế là số lượng và chất lượng đôi lúc không đi cùng với nhau được, song theo nhận định của nữ nghị sỹ thì anh chị em doanh nhân trong Quốc hội khóa này cũng đã hết sức nỗ lực với tinh thần trách nhiệm khá cao.
"Có người đại diện khối doanh nghiệp nhà nước, có người ở khối doanh nghiệp tư nhân, ý kiến của họ tương đối đa dạng chỉ có điều truyền thông đưa đến đâu và cử tri cũng không thể xem hết. Nhưng các đại biểu hay quan tâm đến nhau, sự tham gia của khối doanh nhân rất ấn tượng", bà Hường nhận xét.
Hỏi bà làm thế nào để tròn cả hai vai, nữ nghị sỹ chia sẻ, theo quy định thì đại biểu kiêm nhiệm dành khoảng 30% cho hoạt động Quốc hội, nhưng cá nhân bà thường dành nhiều thời gian hơn.
"Các hội nghị, hội thảo lớn về kinh tế tôi đều có mặt và thảo luận rất nghiêm túc, nhất là các ý kiến của chuyên gia độc lập, bởi là đại biểu thì không thể chỉ nghe xuôi chiều được", bà nói.
Thừa nhận cái khó của doanh nhân khi tham gia Quốc hội, nữ CEO này cho rằng để tròn vai thì mỗi người đều phải chịu ít nhất là hai áp lực. Bởi có kinh doanh tốt thì tiếng nói của doanh nhân - đại biểu trong cộng đồng doanh nghiệp mới có giá trị. Nhưng vẫn phải tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội.
Kinh nghiệm của bà, là hãy chọn góc nào đó mình am hiểu nhất và được hỗ trợ từ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất để hoàn thành vai trò đại biểu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo