Ladophar thay Tổng Giám đốc, dừng phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Nguyễn Kim được chấp thuận nâng sở hữu tại Ladophar lên 51% / Ladophar hợp tác mở rộng vùng dược liệu tại Lào
Thay tướng, dừng phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar - mã chứng khoán: LDP) vừa thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của công ty, đối với ông Nguyễn Mai Long.
Ông Nguyễn Mai Long không còn là Tổng Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của Ladophar.
Ông Nguyễn Mai Long được Ladophar bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc – người đại diện theo pháp luật vào tháng 12/2021. Ông này đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Louis Holding cùng nhiều vị trí cao cấp trong các công ty thành viên.
Người được Ladophar bổ nhiệm vào chức danh Tổng Giám đốc - người đại diện theo pháp luật, thay thế ông Nguyễn Mai Long là bà Lê Thị Minh Thuỳ (SN 1985, HKTT tại TP Hồ Chí Minh).
Bà Lê Thị Minh Thuỳ là Cử nhân kế toán, từng là Trưởng bộ phận kế toán Tập Đoàn Vingroup, Kế toán trưởng, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Tài chính - Công ty Cổ phần Louis Holdings…
Theo tại liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 19/8, HĐQT Ladophar sẽ đề nghị thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với các ông bà: Nguyễn Mai Long, Nguyễn Đức Minh, Ngọ Văn Trị, Huỳnh Lê Thục Cơ. Đồng thời giới thiệu 4 ứng viên để bầu bổ sung thành viên HĐQT, gồm các ông bà: Hồ Đăng Dân, Phạm Trung Kiên, Trần Thanh Sang và Lê Thị Minh Thuỳ.
HĐQT Ladophar cũng đề nghị Đại hội đồng cổ đông xem xét phê duyệt tờ trình về kế hoạch đầu tư và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo đó, dự kiến doanh thu thuần của Ladophar trong năm 2022 sẽ tăng 40% so với năm 2021. Trong đó, hàng thương mại tăng 22%, hàng sản xuất tăng 63%, dịch vụ tăng 25%. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận trước thuế giảm 154% so với năm 2021.
Đồng thời, HĐQT Ladophar cũng đề nghị Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua việc dừng phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được phê duyệt trước đó, vì nhận thấy phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ không còn phù hợp với tình hình hiện tại.
Dựng lại tượng đài ngành dược
Với mục tiêu “dựng lại tượng đài ngành dược”, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, diễn ra hồi đầu tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Ladophar cho biết đã lên kế hoạch phát triển thương hiệu tại thị trường Việt Nam và từng bước mở rộng, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường quốc tế.
Ladophar đặt mục tiêu "dựng lại tượng đài ngành dược".
Trong năm 2022, Ladophar giới thiệu các dòng sản phẩm hướng tới phân khúc khách hàng là trẻ em, người làm việc có cường độ cao và người lớn tuổi với nước uống thảo dược bổ sung vitamin, nước detox thanh lọc cơ thể, sâm tăng cường sinh lực… Các sản phẩm y tế, mỹ phẩm từ dược liệu: Nước súc miệng thảo mộc, khẩu trang thảo dược, gel rửa tay, kem chống nắng thảo dược, mỹ phẩm từ Atisô… cũng được phát triển theo tiêu chí xanh, chất lượng và bền vững.
Bên cạnh các sản phẩm dược liệu chất lượng cao đã được công nhận, công ty sẽ phát triển các dòng sản phẩm mới gần gũi, tiện dụng hơn, thích hợp cho việc bồi bổ sức khoẻ hàng ngày như nước đóng lon, kẹo, thạch… Tập trung phát triển mạnh thương hiệu Ladophar Care và dòng sản phẩm nước giải khát tiến tới cung cấp ra thị trường sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược mang tính đột phá và cạnh tranh cao.
Nhằm cụ thể hóa chiến lược đa dạng danh mục sản phẩm, Ladopar sẽ ra mắt trung tâm bảo tồn dược liệu và nghiên cứu trồng các dược liệu sạch, đáp ứng mọi tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế. Đặc biệt, Trung tâm bảo tồn Cankina tại Xuân Thọ (Đà Lạt) với vai trò lưu trữ nguồn gen quý sẽ được triển khai xây dựng.
Để đáp ứng việc tăng sản lượng tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, Ladophar sẽ di dời nhà máy sản xuất trên đường Ngô Quyền (Đà Lạt) về Khu công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng) để thuận tiện cho việc tập trung sản xuất theo dây chuyền. Công ty tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng thêm một trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm Ladophar tại TP Hồ Chí Minh để nhân rộng sản phẩm có chất lượng trên toàn quốc. Đồng thời, xúc tiến xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn Japan – GMP nhằm sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, mở rộng cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia, thị trường khó tính khác.
Bên cạnh thị trường đã khai thác tại Hàn Quốc, Ladophar sẽ tiếp cận các thị trường mới tại châu Âu và châu Mỹ. Các hoạt động marketing, truyền thông nhằm gia tăng nhận biết thương hiệu, sản phẩm thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; bán hàng tại các gian hàng trực tuyến, website thương mại điện tử,.. sẽ được tích cực thực hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo