Chi phí tuân thủ TTHC năm 2020: Lĩnh vực môi trường "ngốn" nhiều tiền nhất của DN
DNVN - Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020), thủ tục hành chính (TTHC) về môi trường “ngốn” nhiều chi phí của doanh nghiệp nhất với trên 63.317 nghìn đồng, trong khi đó lĩnh vực thuế thấp nhất với 267 nghìn đồng.
8 ứng viên trúng tuyển Phó Giám đốc và tương đương đơn vị cấp 3 thuộc EVNCPC / Những thương hiệu ôtô lâu đời nhất thế giới
Sáng 17/3, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Họp báo công bố Báo cáo chỉ số APCI 2020. Chỉ số APCI 2020 của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ là báo cáo đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC trên cả nước theo quy định hiện hành.
APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC quan trọng gồm: Đầu tư; Giao dịch thương mại qua biên giới; Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh; Môi trường; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đất đai; Xây dựng; Thuế và Kiểm tra chuyên ngành.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu, thuế và kiểm tra chuyên ngành là nhóm có điểm số cải thiện tốt. Trong khi đó, đất đai, đầu tư, xây dựng, giao dịch thương mại qua biên giới là nhóm có điểm APCI 2020 tốt so với các nhóm khác, nhưng lại giảm điểm so với chính mình khi so sánh với năm trước.
Họp báo công bố Báo cáo APCI 2020 (Ảnh: VGP).
So sánh các chi phí thành phần APCI, môi trường là nhóm có chi phí thời gian trung bình tăng gấp đôi so với năm trước; điều kiện kinh doanh có chi phí trực tiếp trung bình tăng gấp 2,8 lần.
Về chi phí tuân thủ, thuế tiếp tục là nhóm dẫn đầu với điểm số cao và mức chi phí tuân thủ thấp. Trong khi đó, môi trường là nhóm có chi phí tuân thủ cao nhất.
Cụ thể, đứng đầu về chi phí tuân thủ TTHC (APCI) 2020 của nhóm TTHC là lĩnh vực môi trường với trên 63.317 nghìn đồng; thứ 2 là lĩnh vực xây dựng với 25.276 nghìn đồng; thứ 3 là lĩnh vực đầu tư với 9.146 nghìn đồng, APCI thấp nhất trong 9 nhóm TTHC được khảo sát là lĩnh vực Thuế với 267 nghìn đồng.
Để thực hiện TTHC trong nhóm Môi trường, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ; chi phí trực tiếp là 3,1 triệu đồng. Theo khảo sát APCI 2020, cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các TTHC liên quan đến môi trường, đặc biệt là cho thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đối với nhóm TTHC Thuế, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 11/2019, có 99,9% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,6% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 93,6% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử trên toàn quốc. Ngành thuế đã từng bước hoàn thiện mô hình thủ tục thuế điện tử và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.
Khảo sát APCI 2020 cho thấy để thực hiện các TTHC trong nhóm Thuế, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/TTHC.
Theo các chuyên gia, số liệu này phản ánh thực tế trải nghiệm của các doanh nghiệp đối với kết quả cải cách TTHC của Chính phủ và các địa phương trên toàn quốc nói chung để giảm chi phí tuân thủ trong thời gian qua.
Đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC Thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019. Đứng thứ ba về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Môi trường, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,5 điểm so với năm 2019. Đứng thứ tư về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC Điều kiện kinh doanh, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019.
Trong khi đó, các nhóm TTHC Khởi sự doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Đất đai và Giao dịch thương mại qua biên giới là 5 nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Mặc dù đây vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so với các nhóm khác nhưng lại giảm điểm so với chính nhóm đó ở năm 2019.
Nhóm nghiên cứu cho biết: So sánh kết quả APCI 3 năm (2018, 2019 và 2020) cho thấy kết quả APCI 2020 nhìn chung tốt hơn hai năm trước, phần lớn các nhóm TTHC đều có điểm số tốt hơn. Trong số chín nhóm TTHC được đánh giá, nhóm TTHC về Thuế vẫn tiếp tục là nhóm TTHC dẫn đầu với điểm số cao, và mức phí tuân thủ thấp.
Kết quả điểm APCI 2020 tốt hơn APCI 2018 và 2019 do phần lớn các nhóm TTHC nhờ vào nhiều biện pháp, hành động của các cơ quan nhà nước ở trung ương đến địa phương, trong đó bao gồm việc sử dụng các thước đo dựa trên các chỉ số độc lập của thế giới và Việt Nam, hay nói cách khác là sử dụng ý kiến của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả làm việc theo chuỗi Nghị quyết 19 trước đây và các Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ trong năm 2019 và 2020.
Các nhóm TTHC về Thuế và Khởi sự doanh nghiệp, hai nhóm dẫn đầu trong APCI 2018, APCI 2019 và 2020 với mức chi phí tuân thủ thấp, là những chỉ dấu tốt thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá, APCI 2020 cho thấy một bức tranh chân thực và sinh động về chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành. Từ đó, phản ánh khách quan mức độ cải cách, cải thiện các TTHC, quy định của pháp luật về môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi pháp luật, chính sách của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và doanh nghiệp cũng đặt ra rất nhiều thách thức lẫn cơ hội, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết và khách quan vào tình hình doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện mọi việc, qua đó giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch và đối mặt các vấn đề phát sinh từ đại dịch COVID-19.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo