Hà Giang cấp nước sạch và nước uống trực tiếp: Hiệu quả từ một dự án nhỏ
Chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững: Tân Long đồng hành cùng bà con nông dân / Laicity khởi động dự án “Đường vào vương quốc các Vua Hùng”
Đại diện Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang, nhà tài trợ (PHAD) và trường PTCS Yên Cường (huyện Bắc Mê) ký biên bản bàn giao sáng 25/3.
Một trong những nỗ lực đó, là sự kết nối của các tổ chức địa phương, tiêu biểu là Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang gắn kết các nhà khoa học trong tỉnh với các tổ chức khoa học, phát triển cộng đồng trong và ngoài nước tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa hình, nguồn nước và năng lực tự quản của địa phương.
Theo đó, một dự án được đề xuất bởi sáng kiến của Liên hiệp hội: “Tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) cho trường học và người dân tỉnh Hà Giang”, nhằm tìm kiếm giải pháp xây dựng mô hình hình cấp nước sạch và nước uống trực tiếp, làm thí điểm nhân rộng trong các loại hình cộng đồng, trường học. Dự án nhanh chóng được sự chấp thuận hợp tác và tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua một dự dự án tổng thể “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường - Local Works” đang triển khai tại Việt Nam do Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) chủ trì (giai đoạn 1 từ năm 2018-2022).
Với phương châm giúp đỡ các tổ chức địa phương “làm để học” trên nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự hưởng lợi, các mô hình được triển khai với quy mô nhỏ, bán công nghiệp, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với khả năng ứng dụng của địa phương. Trong giai đoạn xây dựng mô hình, nhà tài trợ cấp khoảng 80% tổng mức kinh phí đầu tư, chủ yếu tập trung vào kỹ thuật, một phần công nghệ, đào tạo, hướng dẫn truyền thông, hướng dẫn quản lý và vận hành hệ thống. Vốn đối ứng của đơn vụ tham gia khoảng 20% và hướng đến tự chủ hoàn toàn trong giai đoạn nhân rộng mô hình, nhằm nâng cao tính bền vững của dự án.
Quy mô công suất (bộ xử lý nước đầu nguồn và hệ thống lọc nước tinh khiết) cũng được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện nguồn nước đầu vào, địa hình, năng lực đầu tư và nhu cầu sử dụng nước của mỗi đơn vị. Cụ thể 5 mô hình là: Tại trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Yên Cường (huyện Bắc Mê) và trường Mầm non xã Sủng Là (huyện Đồng Văn), công suất bộ xử lý nước đầu nguồn là 5m3/ngày; hệ thống máy lọc nước tinh khiết RO, quy mô bán công nghiệp, công suất 120 lít/giờ; tương tự, tại trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Bắc Mê (huyện Bắc Mê) và trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn) là: 10m3/ngày và 120 lít/giờ; tại trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang là 30m3/ngày và 300 lít/giờ, đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt và nước uống trực tiếp cho nhu cầu người dùng của mỗi trường.
Cùng với lắp đặt thiết bị, các địa phương thành lập Ban Quản lý và ban hành Quy chế quản lý, vận hành hệ thống nhằm phát huy vai trò tự quản trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước đầu vào, đầu ra. Ban Chủ nhiệm dự án phối hợp với nhà thầu (công ty Tekcom) tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nòng cốt về quản lý sử dụng, theo dõi, giám sát; đồng thời, hướng dẫn giám sát, viết báo cáo giám sát vận hành và chất lượng nước đầu ra; xây dựng bộ tài liệu truyền thông và cuốn sổ tay hướng dẫn vận hành, sổ nhật ký báo cáo giám sát vận hành...
Sau 5 tháng khảo sát, thiết kế, lắp đặt và gần 3 tháng vận hành thử nghiệm, các báo cáo giám sát kỹ thuật và chất lượng nguồn nước của hệ thống cho thấy, tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật đều đảm bảo, chất lượng nguồn nước đầu ra đạt Quy chuẩn Quốc gia về nước sinh hoạt, nước uống trực tiếp, không có các chỉ tiêu dưới mức Quy chuẩn. Nguồn nước đáp ứng nhu cầu sử dụng cho trên 3.240 học sinh, cán bộ, thầy cô giáo của 5 nhà trường tham gia dự án. Mức độ hài lòng của người sử dụng trên cả 5 hệ thống đạt từ 97 đến 99%.
Ông Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp hội, Chủ nhiệm Dự án, giới thiệu hệ thống lọc nước tinh khiết tại trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang.
Tại các buổi lễ bàn giao vào cuối tháng 3 vừa qua, Ban Chủ nhiệm đã nhận được nhiều đánh giá xác đáng về hiệu quả và tính bền vững của dự án. Dự án tuy nhỏ, chi phí thấp (chỉ trên 702 triệu đồng cho cả 5 công trình) nhưng hiệu quả lớn, mang lại nhiều giá trị thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe cho cộng đồng.
Qua thực tế vận hành, các nhà trường đều có chung nhận xét: Hệ thống có nhiều tiện ích nổi trội, thiết kế kiểu dáng công nghiệp hiện đại, dễ lắp đặt, độ bền cao, chi phí vật tư thay thế vừa phải, tiết kiệm điện năng (1m3 nước sạch và 100 lít nước uống tinh khiết đầu ra tiêu thụ khoảng 1kW điện), tiết kiệm nguồn nước đầu vào, phù hợp với điều kiện ở vùng khan hiếm nước; đáp ứng mô hình tự quản là đơn vị trường học, cụm dân cư miền núi.
Đặc biệt, công nghệ lọc RO với nhiều ưu điểm vượt trội nâng cao hiệu suất hoạt động và tiết kiểm tối đa nguồn nước đầu vào. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, khó có thể xây dựng được các trạm nước tập trung hoặc nước uống trực tiếp đại trà cho những trường học đông học sinh, sinh viên, thì đây là một giải pháp tích cực chưa từng có tại tỉnh Hà Giang, đặc biệt phù hợp với các huyện vùng cao nguyên đá.
RO (Reverse Ossmosis) là công nghệ lọc nước tiên tiến, hiện đại, loại bỏ kim loại nặng, khử độ cứng và làm mền nước, kết hợp với khử trùng bằng Cloramin B. Công nghệ lọc nước với màng lọc RO - thẩm thấu ngược, kết hợp sử dụng lõi lọc Nano bạc và đèn UV, loại bỏ hầu hết các chất cặn bẩn, độc tố, kim loại nặng như Chì (Pb), thủy ngân (Hg), Asen, chất phóng xạ, hóa chất nguy hại, thuốc trừ sâu, tiêu diệt và loại bỏ toàn bộ các loại vi rút, vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh và tạo ra nước tinh khiết, vô trùng đáp ứng nước uống trực tiếp theo tiêu chuẩn QCVN 6-1:2010/BYT (quy chuẩn quốc gai cao nhất dành cho nước uống trực tiếp).
Kết quả dự án đã khắc phục được tình trạng thiếu nước sinh hoạt, NUHĐ. Học sinh không phải mang nước uống từ nhà đến trường, nhà trường không còn phải mua nước uống với giá cao mà chất lượng vẫn không đảm bảo; nhà trường không chỉ chủ động được nguồn nước sạch trong sinh hoạt và nước uống trực tiếp, mà mỗi còn tiết kiệm từ 4- 5 triệu đồng mua nước uống, riêng trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tiết kiệm trên 20 triệu đồng mỗi năm. Sức khỏe thể chất và tinh thần của thầy trò được nâng lên, hạn chế rõ rệt một số bệnh về tiêu hóa, mắt, ngoài da và những bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo đó, công tác truyền thông về nâng cao năng lực tiếp cận nước sạch và VSMT, bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, dân cư.
Đại diện Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang, nhà tài trợ (PHAD) và trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn) ký biên bản tại lễ bàn giao sáng 23/3.
Theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ quá trình triển khai xây dựng mô hình trên địa bàn, lãnh đạo chính quyền địa phương các huyện tham gia dự án đều có những đánh giá thận trọng, xác đáng về hiệu quả, tiện ích, tiện lợi của các hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp đã được triển khai lắp đặt và vận hành thông suốt trên địa bàn, phù hợp với quy mô trường học và cụm dân cư.
Bác sĩ Nguyễn Trung Chiến, Giám đốc kỹ thuật (bên phải) giới thiệu về nước uống trực tiếp tại trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn).
Tại hội thảo khoa học vận động chính sách: Nhân rộng mô hình “Nhà tiêu sinh học” và “Hệ thống cấp nước sạch, nước uống học đường” trên địa bàn tỉnh Hà Giang, tổ chức ngày 24/3 trong chuỗi bàn giao các các mô hình cho địa phương, ông Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh những kết quả đạt được của Dự án; đồng thời, chỉ đạo Liên hiệp hội và các sở, ngành của tỉnh tiếp tục đánh giá, tổng hợp kết quả, xây dựng thành chương trình, kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét, ban hành một số chính sách cụ thể làm cơ sở hỗ trợ nhân rộng mô hình trong các trường học và cụm dân cư; phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích, hiệu quả của các mô hình, gắn với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của nước sạch, VSMT trong đời sống, sinh hoạt, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ an ninh nguồn nước; phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp như trước đây, tạo nên sự phát triển bền vững vì cộng đồng của dự án.
End of content
Không có tin nào tiếp theo