Đà Nẵng: Các chuyên gia nói gì về đề xuất xây đập ngăn mặn kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân?
Tối nay (25/11) công bố chương trình du lịch “Ba địa phương – Một điểm đến, nhiều trải nghiệm” / Đà Nẵng: Yêu cầu đảm bảo an toàn các công trình xây dựng đang “nước rút” trước Tết Nguyên đán 2021
Ngày 11/11/2020, lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã có Công văn 877/CTCN-KHKT gửi Chủ tịch HĐND TP và UBND TP Đà Nẵng đề nghị bổ sung công trình ngăn mặn vào Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Dawaco đề xuất phương án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân cách cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ khoảng 4.500m (về phía hạ lưu) để đảm bảo nguồn cấp nước thô ổn định cho Đà Nẵng, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư.
Thạc sĩ Huỳnh Vạn Thắng (chuyên gia thủy lợi, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng).
Để rộng đường dư luận, Doanh nghiệp Việt Nam lần lượt đăng tải ý kiến phản biện của các chuyên gia đối với đề xuất xây dựng đập ngăn mặn kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân trên sông Cẩm Lệ. Và tiếp theo sẽ là thông tin giải trình của Dawaco. Qua đây, mong nhận được thêm nhiều ý kiến của đông đảo bạn đọc gần xa đóng góp cho một vấn đề hết sức quan trọng đối với Đà Nẵng: An ninh nguồn nước của TP cho hiện tại và tương lai lâu dài.
Thạc sĩ Huỳnh Vạn Thắng (chuyên gia thủy lợi, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng):
Nên nhớ nước mặn không bao giờ vượt qua được đập ngăn mặn An Trạch. Ai xây dựng đập ngăn mặn ở Hòa Xuân thì hãy uống nước ô nhiễm ấy, còn người Đà Nẵng sẽ sử dụng nguồn nước Thu Bồn lấy tại Đại Hòa (Đại Lộc, Quảng Nam) trong tương lai, luôn đảm bảo chất và lượng. Dawaco không làm thì sẽ có doanh nghiệp khác làm, vì quy luật cạnh tranh mà.
Hãy hình dung đô thị Tây Nam của Đà Nẵng sắp hình thành và xả thải vào sông Cầu Đỏ. Các KCN Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Phong, Hòa Cầm cũng xả thải vào sông Cầu Đỏ, Cẩm Lệ. Rồi 2 sân golf Bà Nà, Hòa Phú - Hòa Phong sử dụng rất nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật cuối cùng cũng xả về sông Cầu Đỏ. Nếu không quản lý tốt thì sông Túy Loan, sông Cầu Đỏ sẽ giống như sông Phú Lộc hiện nay. Các bác làm thì hãy uống lấy nước ấy.
Sông Cẩm Lệ nằm ở trung tâm đô thị loại 1 cấp quốc gia. Không ai lấy nước ở đó làm nước sinh hoạt cả. Hà Nội không lấy nước sông Hồng tại Hà Nội mà lấy tận sông Đà cách xa hơn 50km, TP.HCM lấy nước ở hồ thủy lợi Dầu Tiếng tận Tây Ninh và Đồng Nai.
Vấn đề xây đập ngăn mặn mà Dawaco đề xuất thì Sở NN-PTNT Đà Nẵng đã phản đối từ lâu rồi. Nên nhớ là từ Đại Hòa về An Trạch chỉ 12km. TP Đà Nẵng cần quy hoạch sớm nguồn nước này chứ đừng loay hoay nữa.
TS Lê Hùng (Khoa Xây dựng Thủy điện – Thủy lợi, Đại học Bách khoa Đà Nẵng):
1.Khu vực thượng lưu sông Cẩm Lệ hiện rất khó khăn trong vấn đề thoát lũ. Minh chứng các trận lũ trong năm 2020, mặc dù mực nước Cẩm lệ mới trên báo động 1 nhưng các khu vực Hoà Tiến cũng đã ngập rộng lớn, (lũ báo động 1 là 1m tại Cẩm Lệ).
Phối cảnh đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp với mở rộng cầu Hòa Xuân do Dawaco đề xuất.
2. Theo đồ án quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 – 2045, tầm nhìn 2050 thì khu vực Cẩm Lệ và các xã Hoà Vang phía thượng lưu sông trong tương lai sẽ hình thành đô thị. Khi xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ thì vấn đề thoát nước đô thị, cũng như kiểm soát vấn đề nguồn xả thải khu vực này như thế nào để đảm bảo được nguồn nước không bị ô nhiễm?
3. Trong đồ án quy hoạch nguồn nước của TP Đà Nẵng đã đề xuất xây dựng nhà máy nước tại đập An Trạch và đập Bàu Nít - Hà Thanh kết hợp với nhà máy nước Hoà Liên thì cũng đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước giai đoạn 2030 - 2045. Do đó việc xây dựng đập ngăn mặn cần nghiên cứu lỹ có thật cần thiết hay không?
4. Khi xây đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ thì dòng chảy thượng lưu đập sẽ không còn chảy với tốc độ như trước đây mà sẽ sinh ra những khu vực, những vùng nước tù. Lúc đó, các chất thải rắn và nguồn nhiễm thải từ thượng lưu sông sẽ không thể chảy xuống hạ lưu do vận tốc lưu chảy thượng lưu đập bé, như thế sẽ gây thêm ô nhiễm nguồn nước.
5. Các công trình đập Thảo Long (Thừa Thiên Huế), Trà Khúc (Quảng Ngãi) đang xây dựng hiện có rất nhiều vấn đề tồn tại mặc dù 2 con sông này lớn và vấn đề ảnh hưởng thoát lũ không lớn. Trong khi đó, hiện tại vấn đề thoát lũ khu vực Hoà Vang phía thượng lưu sông Cẩm Lệ đang là vấn đề quá khó.
6. Chi phí giải quyết môi trường cũng như sửa chữa đập hiện nay của đập Thảo Long rất lớn. Ngoài ra, vấn đề sửa chữa đập rất khó khăn vì cửa van ngâm đồng thời trong nước mặn và ngọt nên dễ hư hỏng. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế không có kinh phí thay thế cửa van đập Thảo Long dù đã xuống cấp rồi. Đập Trà Khúc ở Quảng Ngãi cũng đang gặp vấn đề thoát nước và xử lý nước thải khu vực thượng lưu đập.
Về nguyên tắc, nếu thực sự cần thiết phải làm đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ ở Hòa Xuân thì vẫn phải làm, nhưng với những lý do như nêu trên nên cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ và kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực để không phải hối hận về sau!
PGS.TS Vũ Thành Ca (Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên – Môi trường Hà Nội):
Đập ngăn mặn kết hợp cầu Hòa Xuân mà Dawaco đề xuất chắc chắn sẽ làm giảm khả năng thoát lũ và ngăn chặn cá tôm bơi ngược dòng. Với lại bề rộng sông Cẩm Lệ chỉ còn 200m thì công nghệ đập có tốt mấy cũng gây khó khăn cho khả năng thoát lũ. Vì vậy cần phải nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định!
(Mời độc giả đón xem Bài 2: “Đà Nẵng: Giải trình của Dawaco đối với phản biện của các chuyên gia về xây đập ngăn mặn ở Hòa Xuân”)
End of content
Không có tin nào tiếp theo