Thấy gì qua 3 năm Đà Nẵng thí điểm mô hình một đầu mối triển khai “bảo đảm bữa ăn sạch, an toàn hơn cho người dân”?
Tối nay (25/11) công bố chương trình du lịch “Ba địa phương – Một điểm đến, nhiều trải nghiệm” / “Hoa khôi Du lịch – Miss Tourism Da Nang 2021”: Cuộc thi tìm kiếm Đại sứ cho ngành du lịch Đà Nẵng
UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP Đà Nẵng theo Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời công bố Quyết định số 1319/QĐ-TTg (ngày 28/8/2020) của Thủ tướng Chính phủ về kéo dài thời gian thí điểm hoạt động BQL ATTP TP Đà Nẵng thêm 3 năm, kể từ ngày 26/8/2020.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP TP Đà Nẵng.
Qua 3 năm Đà Nẵng triển khai mô hình BQL ATTP theo phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, ông nhận thấy có những ưu điểm gì trong việc khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản đối với hoạt động phối hợp liên ngành giải quyết những bức xúc của vấn đề mất vệ sinh ATTP ở địa phương?
Ông Nguyễn Tấn Hải: Mô hình BQL ATTP ra đời đã khắc phục được các hạn chế về phối hợp giữa các sở, ngành; cho phép tập trung đầu mối quản lý ATTP đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Do công tác nắm bắt tình hình thực tiễn được bao quát hơn nên việc tham mưu và giải quyết các vấn đề về mất ATTP được kịp thời. Đồng thời việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin nhanh chóng hơn do giảm được thời gian phát hành văn bản qua lại giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo mô hình quản lý trước đây thì công tác bảo đảm ATTP được phân công cho 03 Sở là Y tế, Công Thương và NN-PTNT, nhưng các Sở này là cơ quan chuyên môn giúp UBND TP quản lý ngành nên công tác quản lý ATTP được phân công cho cơ quan trực thuộc Sở, hoặc Phòng thuộc Sở dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành quản lý ATTP ở địa phương. Vì vậy, việc triển khai mô hình Ban Quản lý ATTP là cơ quan chuyên môn tương đương cấp sở giúp UBND TP quản lý về ATTP đã cụ thể hóa được chủ trương của nhà nước ta và khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Cụ thể thì với sự ra đời BQL ATTP, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm từ thu mua, sơ chế, chế biến, sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, thương mại và cung cấp dịch vụ; quản lý các tổ chức, cá nhân tham gia trong chuỗi cung cấp thực phẩm trên địa bàn TP Đà Nẵng có những thay đổi như thế nào?
BQL ATTP TP Đà Nẵng là đầu mối giải quyết các chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT về công tác ATTP trên địa bàn; là đầu mối triển khai thực hiện các chỉ đạo của địa phương từ Thành ủy, HĐND, UBND TP. Do đó, việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của các cơ quan ở Trung ương và địa phương được thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt và hiệu quả hơn so với việc thực hiện ở từng ngành, từng cơ quan, đơn vị riêng biệt.
Cụ thể, việc tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATTP được tập trung về một đấu mối nên thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc hai ngành quản lý. Công tác thông tin truyền thông được thực hiện thường xuyên, việc tổ chức tiếp nhận, trả lời thông tin phản ánh kịp thời, chính xác, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP.
Công tác lấy mẫu giám sát nguy cơ ô nhiễm được thực hiện toàn diện trên tất cả các nhóm sản phẩm thực phẩm và lấy từ nhiều đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung cấp dịch vụ nên việc phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn được bao quát hơn so với việc thực hiện công tác này ở mô hình quản lý trước đây.
Cũng cần nói thêm là, theo mô hình quản lý trước đây thì Chi cục Vệ sinh ATTP tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm thực phẩm thuộc ngành y tế quản lý; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp quản lý; Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường – Sở Công Thương lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và sản phẩm thực phẩm thuộc ngành công thương quản lý.
So với trước đây, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn như thu hồi, chuyển mục đích sử dụng, tiêu hủy cũng được thực hiện xuyên suốt, toàn diện hơn trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Ví dụ, trước đây, trường hợp kiểm tra cơ sở nhà hàng (thuộc ngành y tế kiểm tra) phát hiện sản phẩm chả nhiễm chất cấm hàn the được mua từ cơ sở sản xuất A (thuộc ngành nông nghiệp kiểm tra) thì đoàn kiểm tra ngành y tế phải có văn bản chuyển đến ngành nông nghiệp thực hiện kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử lý.
Theo mô hình quản lý giai đoạn 2017 trở về trước thì công tác thanh tra được thực hiện ở 03 ngành: Kiểm tra ATTP trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc ngành y tế; kiểm tra ATTP trong lĩnh vực sản xuất, phân phối thực phẩm thuộc ngành công thương; kiểm tra ATTP trong lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản thuộc ngành nông nghiệp.
Do đó, trong quá trình kiểm tra có phát hiện vi phạm về chất lượng hàng hóa sẽ gặp khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông, phân phối, kinh doanh trên thị trường, vì phải tiến hành phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành.
Nay với sự ra đời BQL ATTP đã thống nhất được đầu mối giải quyết công việc, dẫn đến tập trung nguồn lực và sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn so với phân tán nguồn lực ở nhiều đơn vị. Các vấn đề phát sinh trong thực tế được tổng hợp báo cáo kịp thời.
Qua 3 năm Đà Nẵng triển khai thí điểm BQL ATTP, ông nhận thấy còn có những khó khăn, vướng mắc, hạn chế nào cần được tháo gỡ để mô hình này phát huy hiệu quả tốt hơn nữa?
Theo Quyết định của Thủ tướng, BQL ATTP TP Đà Nẵng được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, tuy nhiên trong hệ thống các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật, các Nghị định về xử phạt hành chính thì lại chưa có tên BQL ATTP, do vậy việc thực thi pháp luật xử phạt vi phạm hành chính bị hạn chế.
Thời gian qua, BQL ATTP TP Đà Nẵng đã phải vận dụng thẩm quyền của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành để xử phạt vi phạm hành chính (Khoản 5 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Bên cạnh đó, mô hình tập trung đầu mối về quản lý ATTP mới triển khai ở cấp TP, còn cấp quận/huyện vẫn đang phân công quản lý ATTP theo 3 ngành với nguồn nhân lực mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, đồng thời số cơ sở quản lý lớn (bình quân 2.900 cơ sở/ quận) nên việc kết nối quản lý theo hệ thống từ TP đến quận huyện và xã phường còn hạn chế.
Do vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất mô hình quản lý thực phẩm phù hợp với tình hình của nước ta và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc áp dụng mô hình một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm quản lý bảo đảm ATTP sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp, gia tăng hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP, giảm thiểu các rào cản trong công tác phối hợp, và giảm chồng chéo về trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; bớt gây phiền hà cho các tổ chức và công dân hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm.
Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành hữu quan xem xét, nghiêm cứu tham mưu Chính phủ bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực ATTP cho chức danh Trưởng ban BQL ATTP, Đội trưởng Đội Quản lý ATTP tại TP Đà Nẵng và các địa phương triển khai thí điểm mô hình BQL ATTP.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo