Nữ doanh nhân

Founder “Cô gái BH.Nong”: Đứng đâu không quan trọng, quan trọng là phải tỏa sáng

DNVN - “Vì đời ta đam mê, ra biển rộng rồi sẽ quay về”, Minh Nga, cô gái dân tộc BH.Nong tốt nghiệp Khoa báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn đã đưa các đặc sản dân tộc BH’Nong tới khắp mọi miền đất nước, và bắt đầu có những đơn hàng ra nước ngoài.. Trà gạo lứt của Minh Nga đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong thời gian ngắn.

Bà chủ hiệu bánh Sơn Long Đồng Khánh: 20 năm lưu giữ và phát triển hương vị bánh Trung thu truyền thống / M.C Doanh nhân Thanh Thảo: Tiết lộ bí kíp gắn kết giữa cha mẹ và con cái vào các lớp dạy kỹ năng mềm cho trẻ nhỏ

Minh Nga. bà chủ của thương hiệu đặc sản sạch Cô gái Bhnong.

Minh Nga bà chủ của thương hiệu đặc sản sạch Cô gái Bhnong.

Và trong khi các doanh nghiệp điêu đứng vì Covid, Minh Nga đã cùng đồng đội của mình vượt qua khủng hoảng thật ngoạn mục. Câu chuyện của Minh Nga chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam cho thấy cô gái giàu nghị lực dám dấn thân, vượt qua cái đói để đi học đại học, rồi đang làm báo, vượt qua bao khó khăn để khởi nghiệp sang kinh doanh nông sản sạch.

Không cam chịu đói nghèo

Nếu nói về kinh tế gia đình Nga cách đây 30 năm thì không phải thuộc dạng hộ nghèo. Mà là...hộ đói. Đói tới khoai sắn không có ăn, chiếu chăn không có đắp, quần áo không có mặc. Nói chung không có văn chương nào diễn tả nổi. Nếu có thì may ra có hoàn cảnh của Chị Dậu trong tiểu thuyết "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố. Suốt những năm đi học, Nga cái gì cũng giành giải nhất. Gầy nhất, lùn nhất, đen nhất, xấu nhất và tất nhiên là đói nhất. Nga thấy vậy vẫn còn thiếu nên gắng giành thêm cái...học giỏi nhất.

Người nông dân quê Nga sống một đời cam chịu. Như ông bà Nga, ba Nga, má Nga bao đời nay vậy. Họ thường an ủi với nhau rằng “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Rồi sống qua ngày đoạn tháng, trông chờ phép màu tới. Nhưng mấy hồi Nga lên huyện, thấy nhà ông Bảy Nhứt giàu tới năm, sáu đời. Ngó lại xóm dưới nhà dì Tám cũng khó tới chín, mười đời đó thôi.

Dì Tám mỗi lần gặp Nga lại nói một câu quen quen: “giàu nghèo chi miễn vui là được”. Dì nói vậy chứ Nga thấy nghèo có vui gì đâu. Hoặc cũng vui mà theo kiểu "có trăm lần vui có vạn lần buồn". Nga hồi ấy cứ bạn bè tới nhà chơi là trốn vô buồng của má, thò đầu ra nhòm. Vì mặc cảm nhà nghèo, thua kém tụi nó. Khi Nga nói “con không cam chịu đói nghèo”, ba má Nga cười đến chảy nước mắt. Bởi mưa nắng miền Trung này, sỏi đá còn mòn, huống hồ gì ý chí một đứa trẻ?


Rồi chúng tôi vượt qua bao mùa bão giông gió chướng tới trường. Mỗi ngày tan học về qua cánh đồng hạn khô nắng cháy, nhìn dáng lưng còng của ba và giọt mồ hôi mặn đắng của má mà lòng Nga không thôi dâng lên những đợt sóng dữ. Lại nói với nhau: "Ê, tao không cam chịu đói nghèo như ba má tao. Bằng mọi giá, tao phải thoát nghèo". Đêm mưa bão miền Trung không chợp mắt, nghe gió giật rung từng hồi, nhìn trừng trừng lên mái nhà tự hỏi: Không lẽ cả đời chịu đói nghèo mãi?

Nói rồi trong đám thơ ngây ấy có đứa vô Sài Gòn "bỏ cuộc chơi". Buông bỏ tập vở giữa chừng và ly hương, âu cũng là một sự lựa chọn thoát nghèo bất đắc dĩ khi quê mình nghèo quá. Bà con làng dưới xóm trên nói với mẹ Nga là “con Nga giỏi đó nhưng mà học hành chi lắm bà ơi, cứ cho đi học may vá rồi quẳng vô Sài Gòn mần ăn”. Như bao lớp trẻ quê Nga, vác ba lô lên đường, bươn bả ra đi, ly hương biền biệt không hẹn ngày về. Rồi cái vòng lẩn quẩn ấy khi nào mới dứt ra được. Nga lại nói với ba má mình, con sẽ cam chịu đói nghèo. Nhưng tạm thời vài ba năm nữa thôi.

Chuyên cần và khó nhọc lướt qua những tháng rộng năm dài dép đứt, bụng đói, tập vở lấm lem tới trường. Rồi có một ngày, Nga cũng thoát ly, đi tìm sứ mệnh cho cuộc đời mình. Nhưng Nga chọn con đường vào Đại học. Tất nhiên Đại học chưa bao giờ là con đường duy nhất. Sau này Nga ra đời mới hiểu vậy chớ hồi ấy ở một nơi núi rừng hẻo lánh như Hiệp Đức, Quảng Nam, học sinh luôn được định hướng chỉ có tri thức mới giúp thoát nghèo bền vững. Mặc dù cũng có những người ly hương sớm, vô cùng giỏi giang, gầy dựng cơ đồ tươi sáng ở thành thị, đổi đời nhanh chóng. Nhưng cũng không ít bạn bè cùng lứa, tha phương lưu lạc, đổ vội chén cơm cho kịp giờ tan ca...

Nga chọn con đường vô Đại học như cánh chim non từ rừng bay ra biển lớn. Học tập, va chạm, tích lũy, trưởng thành. Sau 4 năm Nga rinh tấm bằng cử nhân ra trường, đi làm 1 tờ báo lớn, có tiền của rủng rỉnh. Coi như Nga thoát nghèo cho bản thân mình và gia đình thành công. Nhưng Nga còn muốn thoát nghèo cho những người dân quê Nga. Nên đông qua, xuân tới, Nga chọn cách trở về. Xếp tấm bằng cử nhân Báo chí vào góc tủ và bắt đầu khởi nghiệp.


Hành trình “ra đi để trở về”

Nhiều người hỏi Nga: "Sao tự dưng bỏ thành phố hoa lệ sau 10 năm gắn bó để về lại quê nghèo? Bỏ ngang cái nghề ngồi ghế văn phòng êm ái, được "lộ diện" ở những nơi sang chảnh để chọn cái nghề "giấu mặt" ở núi rừng xa thẳm này? Sao không đi tiếp với cái nghề suốt ngày gặp gỡ người nổi tiếng, nghệ sĩ, được diện váy đầm rực rỡ mà chọn cái nghề suốt ngày quần áo bụi bặm, gặp nông dân nghèo, những người dân tộc vùng cao, những thợ đốt ong băng rừng leo núi?".

Nga không có bỏ ngang, chỉ là tạm ngưng một thời gian. Và rẽ sang một hướng mới để thử thách chính bản thân và tìm sự thú vị trong cuộc sống. Dù 10 năm trước Nga là một con bé nhà quê cục mịch giữa thành phố, ngại thay đổi, ngại rủi ro và không dám bước ra khỏi những nguyên tắc của mình.

Nghề báo - Nga mê từ nhỏ và may mắn được học và làm đúng nghề khi ra trường. 6 năm làm báo cho Nga quá quá nhiều thứ. Từ trải nghiệm, niềm vui, tự hào và cả tài chính để lo cho em út ăn học, ba mẹ ở quê. Nga chưa bao giờ chán đến mức muốn bỏ.

Nga yêu nghề báo nhưng mình yêu quê hương, gia đình hơn. Chỉ có tình thân mới là quý giá nhất với Nga ở mọi thời điểm. Quê Nga là Quảng Nam- là xứ của nắng, của gió, của mưa, của lũ lụt. Nơi Nga sinh ra - lớn lên còn nghèo và gia đình Nga cũng vậy. Nga từng muốn thoát nghèo mới bươn bả ra thành phố ăn học và làm việc.


Nga đã từng hăm hở ra đi cùng với hàng triệu lớp trẻ từ khắp các nẻo quê về thành phố. Nga chấp nhận tất cả khó khăn thiếu thốn về tài chính lẫn tình cảm để một mình bám trụ suốt 10 năm qua. 10 năm ấy có biết bao hư - vinh - trong - đục nhưng Nga vẫn “không quen được sự vội vã ở Sài Gòn, vẫn cảm thấy xa lạ khi lang thang trên con phố ít bóng cây, dài hun hút. Vẫn thảng thốt khi nghe tiếng sẻ nâu líu ríu trước sân nhà. Vẫn ngơ ngác khi nhìn màu tím nhạt của cây hoa súng ta trồng trong chậu bùn trước hàng hiên…” - như Ngô Kinh Luân đã viết.

Từ trăm nẻo chốn quê từng hăm hở vác ba lô ra thành thị mưu sinh, hẳn ai cũng có cái tâm trạng ấy. Có người nhớ nhiều, có người nhớ ít. Nỗi nhớ quê làm Nga suy kiệt.

Là kiểu "sống ở thành phố mà hồn gửi phương xa". Là kiểu “không quen được sự vội vã ở Sài Gòn, vẫn cảm thấy xa lạ khi lang thang trên con phố ít bóng cây, dài hun hút". Là kiểu bật khóc khi nghe cuộc điện thoại từ ba mẹ bảo "nhà làm mỳ Quảng ngon lắm" hay thảng thốt với tin "miền Trung mùa này bão dữ, cuốn trôi đi gạo thóc của bà con".

Thành ra, “Mười năm rồi có thể thêm mười năm nữa, tôi vẫn cứ hoang hoải giấc mơ về gốc rạ cụt trơ mình nơi tôi sinh ra…"

Năm 2016, có thể là năm theo nhiều người đánh giá là Nga đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Khi liên tục đoạt các giải báo chí và bút lực sung mãn nhất. Nhưng Nga bỏ tất cả những cơ hội rộng mở để...về. Là một sự trở về sau 10 năm khao khát. Với mọi người, đó có thể là quyết định sai lầm khi Nga đã gây dựng được sự nghiệp - tuy không bằng ai nhưng đã là niềm tự hào vô bờ bến với gia đình và bản thân Nga.

Nhưng nhớ quê, nhớ nhà, khát khao giúp bà con nghèo quê hương cộng thêm nỗi đau đáu làm sao có nông sản sạch cho mọi người sử dụng đã thôi thúc Nga về. 10 năm ăn cơm trọ, Nga đã từng ngày hiểu được mối nguy hại về thực phẩm bẩn nơi thành phố. Rồi Nga nghĩ: “Tại sao ở quê mình nhiều thứ ngon, sạch thế mà người thành phố lại không sử dụng được. Mỗi ngày chứng kiến nhiều người ra đi vì ung thư, Nga xót lắm!”


Khi quyết định về quê, khó khăn nhiều vô kể! Một cô bé nhỏ nhắn quen váy áo xúng xính, giày dép cao gót, son đỏ má hồng...phải xông xáo với áo quần bụi bặm, băng rừng lội suối. 2 tháng đầu đã sụt 4 ký, da đen, mặt mũi hốc hác. Nga chấp nhận hết.

Cả những lời dè bỉu không hay của người ngoài bảo "ngu". "Ở thành phố nghề ngon thế không làm lại về quê nhặt bạc cắc. Cả gia đình cũng không ủng hộ Nga. Nga đã ôm mặt khóc suốt một thời gian. Vì không thích mọi người nói này nọ, thêu dệt, dè bỉu rồi ba má Nga buồn. Bởi ai cũng nghĩ nhà báo là cao siêu, ổn định, còn làm kinh doanh thì bấp bênh, làm từ thiện thì gọi là bao đồng, lo thiên hạ.

Nga chỉ im lặng và lao động. Nga đã vừa kinh doanh, vừa làm từ thiện, vừa viết báo. Mỗi ngày chỉ ngủ 4- 5 tiếng, còn lại là tư duy, lao động. Nga gạt qua tất cả lời đàm tiếu. Duy nhất Nga trấn an ba mẹ mình vì sợ họ buồn. Ngoài ra Nga từ lâu đã không còn quan tâm thiên hạ nghĩ gì.

Mang câu chuyện khởi nghiệp từ quê núi nghèo khó với các sản phẩm Organic, Nga hy vọng giúp mọi người hiểu hơn về hành trình sáng tạo ra Bhnong. Đó hoàn toàn là ấp ủ, hoài bão, tâm huyết của Nga! Cũng là dịp để những ai đang boăn khoăn giữa các ngã rẻ có thể chọn một hướng đi thích hợp. Về hay ở - ở hay về giữa thành thị và nông thôn, giữa chốn phồn hoa và quê nghèo khó. Nga nghĩ: “Đứng ở đâu không quan trọng, quan trọng là phải tỏa sáng”.

Ngoạn mục vượt qua đại dịch Covid-19

Covid-19 ập đến khi tất cả chúng ta chưa ai có sự chuẩn bị để đối phó, mức độ lây lan ra cộng đồng của nó quá nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Những ngày đầu của đợt giãn cách xã hội thứ nhất, nhà máy tạm ngưng sản xuất vì không có đơn hàng, Nga cho chị em công nhân tạm thời nghỉ không lương vài ngày, nhìn ánh mắt đượm buồn của họ khi mất việc càng thôi thúc Nga phải nhanh tìm ra hướng đi mới để khôi phục lại sản xuất.

Ban đầu, những sản phẩm của Nga bán đa số là chuyên về làm đẹp, giảm cân cho chị em phụ nữ, nay dịch tới, ai mà còn lo làm đẹp nữa. Nga đau đầu mấy ngày để tìm hướng mới. Ngay lúc đó, Nga chợt nghĩ ra việc sản xuất những thứ tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch. Thế là lập tức, Nga tập hợp lại chị em cùng làm trà gạo lứt, trà gừng núi, tinh dầu tràm, trà xanh núi... ai ngờ đánh trúng tâm lý của khách. Sau đó Nga lại hoàn thiện bộ ở cữ cho mẹ sau sinh và thật tuyệt vời, sản phẩm đó trở nên “cực hot” luôn. Suy nghĩ quá tóc bạc vài cọng nên Nga cũng làm viên hà thủ ô mật ong rừng luôn. Chị em tụi Nga làm không ngớt tay, mỗi ngày đi làm là vui như hội....

Có tiền, Nga lại nghĩ đến việc mở rộng thêm xưởng, thế là ngay trong đợt dịch, Nga lại lao ra cùng anh thầu lên ý tưởng cho nhà xưởng. Lần này đã có kinh nghiệm nhiều rồi, Nga xây dựng hẳn một quy trình sản xuất, mọi thứ phải thống nhất từ khu nhập hàng, tuyển chọn, sơ chế, rang sấy, chế biến đến đóng gói, từ khâu ý tưởng đến xây dựng. Để hoàn thiện mọi thứ, Nga phải mất hai tháng lăn lộn ngoài công trường.

Qua đợt giãn cách xã hội vừa rồi, Nga còn liên kết với bà con trồng thêm vài công đất lúa rẫy, nghệ, gừng, sả, chanh, chè xanh... và dự là Nga sẽ làm thêm vài thứ hay ho tăng cường sức đề kháng cho bà con. Giờ chưa có vắc xin để trị “con” Covid-19, thôi thì mọi người nhớ dùng mấy món đồ uống tăng hệ miễn dịch cho chắc, vừa tăng sức đề kháng, mà cũng vừa tạo công ăn việc làm cho các anh chị em quê Nga.

Vậy đó, đợt dịch đầu tiên đi qua rồi đợt dịch thứ hai bùng phát lại, một doanh nghiệp “siêu nhỏ” như Nga ban đầu cũng gặp sóng gió, nhưng nhờ biết thay đổi theo nhu cầu của thị trường mà có thể sống được tới bây giờ. Nhìn nụ cười hăng say làm việc của chị em hiện tại mà Nga vui lắm.


Song song đó, công việc kinh doanh phát triển, các chương trình từ thiện lan tỏa và Nga vẫn viết báo chứ không bỏ như nhiều người lầm tưởng. Chỉ là bây giờ Nga viết theo kiểu tự do, không ràng buộc và lặng lẽ hơn. Hằng tháng Nga vẫn dành thời gian cho các bài phỏng vấn, chân dung nghệ sĩ gửi cho trang văn nghệ của các báo tại TP.HCM.

Con đường khởi nghiệp sau 4 năm của Nga, đã cho một cuộc sống Nga giàu có hơn, yên bình hơn, tự do hơn. Đặc biệt với các hoạt động từ thiện, kết nối nghệ sĩ về hát phục vụ bà con quê hương, giúp đỡ tiền bạc cho bà con nghèo... làm Nga thấy cuộc sống ý nghĩa hơn! Nga có những khách hàng yêu bản thân, quý sức khỏe đã chọn đặc sản nông sản “Cô gái Bh.nong” để gửi gắm niềm tin. Chọn “Cô gái Bh.nong” vì sạch - hữu cơ - an toàn - sức khỏe. Họ không chỉ là khách hàng mà còn là những người bạn, người anh, người chị, người em của Nga.

Hồ Ngọc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm