Nữ doanh nhân

Bà chủ Vi Fleur: Tìm “Cơ trong Nguy” đưa thủ công mỹ nghệ Việt bay ra thế giới trong đại dịch Covid-19

DNVN - Trần Xuân Vi, cô gái nhỏ nhắn người Bình Thuận đã mạnh dạn từ bỏ nghề dạy từng gắn bó 12 năm với quyết định “khởi nghiệp” đầy táo bạo. Mở xưởng làm nghề thủ công thêu tay ngay tại làng quê Lagi của mình. Chính vì ước mơ lớn, dám dấn thân đó, bây giờ, Trần Xuân Vi đã tự tin đưa sàn phẩm của mình bay cao, bay xa hơn đến với bạn bè thế giới.

Nhà thiết kế Đoàn Hương: Khởi nghiệp thời trang gian nan chứ không như bề ngoài hào nhoáng / Bà chủ hiệu bánh Sơn Long Đồng Khánh: 20 năm lưu giữ và phát triển hương vị bánh Trung thu truyền thống

Hiện giờ chị Trần Xuân Vi lại tiếp tục rục rịch, ủng hộ dự án “Phụ nữ khởi nghiệp 2020” để giúp đỡ những phụ nữ ở khắp nơi trên cả nước dám “vượt lên chính mình.” Doanh nghiệp Việt Nam đã có buổi trò chuyện với bà chủ trẻ Trần Xuân Vi.

Chào Xuân Vi, tôi biết bạn qua bài giới thiệu rất ấn tượng trên Tony Buổi Sáng. Và tôi cũng “âm thầm” theo dõi bạn từ dạo đó. Tôi cực kỳ ấn tượng với sự nỗ lực không mệt mỏi của bạn. Tính đến thời điểm này, Vi Fleur của bạn đã được mấy tuổi rồi? Và tại sao, tên một xưởng thêu lại rất “thơ” như vậy?

Chị Trần Xuân Vi: Cảm ơn sự quan tâm của chị cũng như cơ duyên để Vi được trò chuyện trong ngày hôm nay. Tính đến tháng 3/2021 là tròn 5 năm em khỏi nghiệp. Tên Vi Fleur được ghép lại từ chữ Vi (viết tắt của Việt Nam và cũng là tên em), chữ Fleur (tiếng Pháp nghĩa là hoa). Với ý nghĩa là: Những bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ Việt sẽ tạo nên các sản phẩm hoa thêu đặc sắc không chỉ bán thị trường trong nước mà bán ra cả nước ngoài. Trên chữ Vi Fleur có biểu tượng cỏ 3 lá tựa (cỏ 3 lá tượng trưng cho sự may mắn) tựa như chú bướm nhỏ. Với niềm tin rằng, trên đoạn đường phía trước, ngoài sự nỗ lực của bản thân em và đồng đội, Vi Fleur sẽ gặp thật nhiều may mắn, gặp nhiều quí nhân có thể chung tay đưa sản phẩm Việt bay cao và bay xa.

Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, em đơn giản chỉ làm vì yêu thích các sản phẩm thêu, vì từ nhỏ đã rất mê may vá, thêu thùa. Trong quá trình em thêu tranh để treo cho căn nhà mơ ước của hai vợ chồng, cơ duyên đưa em đến với nghề thêu ruy băng. Khách đặt hàng lẻ, rồi đặt sỉ, rồi ngày càng nhiều, em không đủ sức thêu nên đưa hàng cho các chị em phụ nữ ở làng thêu. Có thời điểm hàng gấp, mấy chị/em thợ làm đến 1-2 giờ sáng để kịp gửi khách, có khi đơn gấp mọi người làm luôn tới sáng.

Khi thấy mọi người yêu quí và cần công việc, em đã nghĩ sẽ mở một làng nghề ở quê. Cộng với hai quyển sách của Tony buổi sáng đã thôi thúc em sẽ làm điều gì đó trên chính quê hương của mình. Sau tất cả những đắn đo, em quyết định nghỉ dạy sau 12 năm gắn bó, khởi nghiệp ở quê, phát triển làng nghề trên chính ngôi làng nhỏ ở Lagi – Bình Thuận. Và quả thật khi trưởng thành rồi mới hiểu, “đất đai cằn cỗi, quê mình nghèo, sứ mệnh mình tìm thấy, ý chí mình có, tinh thần ham học hỏi của mình đủ ... quê nhà sẽ chính là nơi cưu mang mình, giúp bản thân mỗi người có cơ hội phát triển tốt hơn”. Đó là những cơ duyên để em tạo nên một Vi Fleur như ngày nay.

Chị Trần Xuân Vi, CEO của Vi Fleur.

Từ sau lần xuất hiện trên Tony Buổi Sáng, Vi Fleur đã có những bước trở mình như thế nào?

Từ sau lần xuất hiện trên Tony Buổi Sáng, Vi Fleur được nhiều người biết đến hơn, doanh số bán hàng cũng tăng lên từ đó. Mạng xã hội là ảo, nhưng tình cảm, mối quan hệ và rất nhiều sự kết nối đều là thật. Có những anh/chị em chưa một lần gặp mặt, nhưng nhiệt tình trong việc lan tỏa sản phẩm trong và ngoài nước. Có những bạn trẻ, về xưởng em học tập, trải nghiệm rồi gắn bó và chung tay phát triển Vi Fleur. Có những anh, chị, bạn bè sẵn sàng chuyển tiền để chung tay phát triển dự án thư viện, câu lạc bộ tiếng Anh ở quê. Dự kiến tháng 12/2020 dự án sẽ hoàn thiện với tổng vốn đầu tư là 2,7 tỉ đồng. Con đường phía trước rất nhiều khó khăn, nhưng chính nhờ những kết nối từ bạn bè đó mà con đường Vi Fleur đi thực sự có cơ hội hơn rất nhiều.

Nhu cầu của khách hàng thay đổi, phương thức kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng phải thức thời thích nghi cho phù hợp. Tôi thấy bạn đã bắt kịp nhịp rất nhanh, bạn thậm chí còn livestream bán hàng rất duyên dáng. Như vậy, là một CEO đồng nghĩa với một người đa năng đúng không?

Em hay nói vui với mọi người, em là SEN chứ hỏng phải là CEO. Khởi nghiệp thiếu thốn đủ thứ nên nếu cái gì cũng thuê mướn sẽ không đủ chi phí để trả. Không chỉ em mà các bạn trong team sản xuất cũng đều đa di năng hết. Lúc bắt đầu em kiêm từ thiết kế mẫu thêu, quản lí sản xuất, kế toán sổ sách, nhập liệu hàng hóa, chở hàng… sau ổn rồi mới có nhân viên từng bộ phận. Live stream là một công việc khá thú vị, nó giúp em có nhiều cơ hội hiểu khách hàng mong muốn gì trong quá trình live, không chỉ bán được nhiều hàng hơn, công việc đó còn giúp em giao tiếp và gần gũi với khách hàng nhiều hơn.

Nhu cầu khách hàng thay đổi liên tục từ mẫu mã sản phẩm đến cách thức mua hàng. Nên người làm sản xuất phải học và thay đổi linh hoạt để phù hợp với thời đại. Ngày xưa, em ít nói và sống khép kín lắm. Khởi nghiệp giúp em năng động và linh hoạt hơn thực sự rất nhiều.


Nếu những bạn từng làm công nhân trong xưởng của bạn, sau này ra mở xưởng riêng, dấu ấn sản phẩm cũng na ná như bạn, thì bạn nghĩ sao?

Cảm ơn chị, vì câu hỏi khá thú vị. Thị trường rộng lớn lắm chị, mình ở ao làng nên mới sợ nhiều người bơi cùng sẽ chật cái ao. Chứ khi chọn ra sông ra biển để vẫy vùng, khách hàng nhiều, bạn nào làm tốt mình kết nối để cùng nhau sản xuất đưa hàng Việt ra thế giới. Hiện em vẫn đang dạy nghề cho các bạn ở tỉnh khác có nhu cầu học thêu, may. Định hướng trong tương lai, sẽ kết nối những người đã từng học và thực tập tại Vi Fleur để phát triển làng nghề ở nhiều nơi hơn, không chỉ mình Lagi.

Định hướng tương lai cho Vi Fleur sắp tới như thế nào? Đại dịch Covid-19 toàn cầu có ảnh hưởng đến xưởng và tình hình kinh doanh của xưởng?

Đại dịch Covid-19 toàn cầu khiến thu nhập của rất nhiều người giảm xuống, mọi người sẽ ưu tiên cho những nhu cầu liên quan đến ăn uống và sức khỏe nhiều hơn là nhu cầu mua sắm hàng thời trang. Chính vì vậy, hàng thêu bên em giảm xuống rất nhiều. Mảng nước ngoài, bên em sản xuất chủ yếu là voan cài đầu cô dâu (veil) cũng đứng vì nhiều đám cưới bị hủy bỏ. Tuy nhiên, trong NGUY lại có CƠ, bên em sản xuất khẩu trang thêu và bán sang thị trường nước ngoài với giá 220.000 VNĐ cái, đồng thời cung cấp sỉ khẩu trang thêu. Thợ tưởng chừng thất nghiệp, không ngờ việc “full” trong mùa dịch, thậm chí có những thời điểm phải tăng ca mới kịp hàng.

Định hướng sắp tới, Vi Fleur sẽ tiếp tục sản xuất các dòng sản phẩm thêu cao cấp như: Bra thêu, váy đầm thêu, các sản phẩm trang trí có họa tiết thêu.. bán thị trường trong và ngoài nước thông qua các kênh thương mại điện tử. Đồng thời sản xuất các sản phẩm váy, đầm, áo thêu giá tầm trung để bán thông qua live stream, qua các kênh thương mại điện tử. Phát triển song song với việc chuẩn bị năng lực sản xuất để có thể đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu trong tương lai.

Hãy chia sẻ một chút về cuộc sống cá nhân của bạn: Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Bạn dạy dỗ con cái và cân bằng trong cuộc sống quá sức bận rộn như hiện nay như thế nào?

Công việc bận rộn nên thời gian để chu toàn mọi thứ thật không dễ dàng gì. Em nghĩ trong cuộc sống hiện đại, người vợ giỏi không có nghĩa là chuyện gì cũng phải đích thân mình làm thật giỏi. Để cân bằng giữa công việc và gia đình, em với ông xã thống nhất là mướn chị giúp việc làm việc nhà, chồng em nấu ăn ngon nên ngoài làm công việc của mình, ảnh sẽ đảm nhận vai trò nấu ăn, em lo việc công ty và đảm nhận việc dạy dỗ con cái. Mỗi khi cả hai cùng bận, hai vợ chồng mua thức ăn bên ngoài. Chúng em thống nhất dạy con tự lập từ nhỏ nên có nhiều thời gian hơn cho mọi thứ. Mỗi tối, em sắp xếp đọc sách và chơi bọn trẻ, rồi hai vợ chồng và bọn trẻ chơi với mấy chú nhỏ ở nhà, đó là khoảng thời gian bọn trẻ thích nhất. Tuy nhiên, vẫn có những ngày, em bận thì mấy cha con chơi với nhau. May mắn, là em có ông xã là hậu phương vững chắc để bản thân tập trung phát triển sự nghiệp.


“Không phải ai đọc sách cũng thành công, nhưng hầu hết người thành công họ đều đọc sách”. Tôi thấy bạn share câu này trên trang cá nhân của mình. Vậy những quyển sách thay đổi bạn là gì? Bạn cũng truyền lửa cho con cái của mình đam mê đọc sách chứ?

Có một câu mà em rất thích, đó là: “Kho báu trong sách còn nhiều hơn kho báu ở đảo châu báu” (Nhà Giả Kim). Bản thân em học được rất nhiều thông qua làm, kết hợp với đọc sách giúp em có những góc nhìn sáng hơn, những niềm tin tuyệt đối hơn, những lý tưởng tốt đẹp hơn. Sách khai sáng và thay đổi cuộc đời em rất nhiều. Trong số sách em đọc, hai quyển sách giúp cuộc đời em rẽ sang một trang mới là quyển “Trên đường băng” và “Cà phê cùng Tony buổi sáng”. Không chỉ truyền lửa cho con cái mê đọc sách, em đang ráo riết hoàn thành khu vườn dành cho bọn trẻ ở quê, đây là một dự an em kêu gọi vốn cộng đồng, như em kể ở trên là tổng đầu tư 2,7 tỉ đồng hẹn sẽ trình làng tháng 12/2020.

Cảm ơn Xuân Vi!

Hồ Ngọc (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm