Nữ doanh nhân

MC Hoài Hương: Từng bị chê chất giọng mỏng, yếu trở thành Giám đốc Học viện đào tạo MC đầy quyền lực

DNVN - Tham gia lĩnh vực MC hơn 11 năm, MC Hoài Hương là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình qua các kênh HTV, VTV, SCTV, VTC… Cô may mắn xuất thân từ cái nôi là đài truyền hình TP.HCM – HTV. Những năm qua, MC Hoài Hương là gương mặt được khán giả truyền hình yêu mến với phong cách nữ tính, thông minh và duyên dáng.

Nữ Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc là ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng giám đốc WTO / Nữ tướng Đinh Thị Thanh Loan: Tham vọng mang du lịch Quảng Bình đi xa hơn

MC Hoài Hương - Giám đốc Học viện đào tạo MC.

MC Hoài Hương - Giám đốc Học viện đào tạo MC.

Song song với công việc dẫn chương trình, cô cũng tham gia giảng dạy tại các trung tâm, các khoá đào tạo MC và nghiệp vụ “nói” dành cho các doanh nhân, hoa hậu, nhân viên văn phòng. Đặc biệt, sau 2 năm, từ ngày có “đứa con riêng” Học viện MC Academy, được mệnh danh là học viện đào tạo MC hàng đầu trong cả nước. Bất chấp Covid-19 làm các doanh nghiệp phải đóng cửa, khó khăn, thì Học viện của cô vẫn tiếp tục sáng đèn thu hút học viên khắp cả nước, mặc dù thời gian đầu dịch vẫn phải tạm đóng cửa theo chỉ thị của Thủ tướng. MC, nữ doanh nhân Hoài Hương đã có buổi trò chuyện rất cởi mở với Doanh nghiệp Việt Nam về chuyện đời, chuyện nghề của mình.

Hoài Hương đã bắt đầu với nghề MC như thế nào? Nghề này cho Hương được gì? Mất gì? Có bao giờ Hoài Hương thấy "mệt mỏi" vì theo nghề chưa?

MC Hoài Hương: Tôi bắt đầu theo nghề M.C vào năm 20 tuổi, khi còn là sinh viên của trường Đại học khoa học Xã hội Nhân văn. Thông qua các hoạt động dẫn chương trình trong Khoa, trong trường với các bài thuyết trình, tôi bắt đầu thấy hạnh phúc khi được nói trước đám đông. Mặc dù lúc bắt đầu, tôi rất sợ, ngại, nhưng lại có cảm giác vô cùng sung sướng, hạnh phúc, và khi làm không tốt thì lại càng thấy dằn vặt hơn bất cứ nỗi dằn vặt nào. Chính từ khoảnh khắc đó, tôi bắt đầu thấy tình yêu của mình với nghề MC. Sau đó, tôi bắt đầu đi học nghề làm MC, thi vào CLB MC trong trường, tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại một số trung tâm văn hóa, và kiếm tìm cơ hội làm MC bất cứ đâu, tham dự casting làm MC bất cứ nơi nào cần. Với tôi, được cầm micro là đã hạnh phúc, thậm chí không hề nghĩ đến thù lao, mặc dù nhà tôi thời gian đó vô cùng khó khăn.

Nghề MC này với riêng tôi, nói có vẻ hoa mỹ, thì là ĐƯỢC chứ không MẤT, thật sự là như vậy. Làm bất cứ một công việc nào cũng trải qua một hành học hỏi, va vấp, thất bại mới thành công. Với nghề mình yêu thích, hành trình đó, tất nhiên mình sẽ thấy ĐƯỢC, với nghề mình không thấy thích thì sẽ là MẤT. Với tôi thì nên con đường giúp tôi ngày càng trưởng thành hơn, mặc dù trở thành MC chuyên nghiệp chắc chắn không hề dễ dàng gì. Sự học hỏi đủ chín, sẽ thấy nghề này đến với mình là thuận lợi.

Suốt 11 năm theo MC nghề đến nay, chắc chắn có rất nhiều lúc thấy mệt mỏi, có khi tôi còn nghĩ đến việc hay là mình đã chọn… sai nghề. Thậm chí có ba lần tôi muốn bỏ nghề: Lần đầu tiên, chính là khi tham dự casting bị rớt ngay vòng đầu tiên, lúc này tôi nghĩ hay là mình không có duyên với nghề. Lần thứ 2: Lúc dự thi một cuộc thi MC lớn. Lần này tôi vô cùng tự tin vào bản thân mình, và nghĩ việc vào vòng chung kết là trong tầm tay, nhưng kết quả là tôi bị rớt. Lần này, như một cú sốc làm tôi choáng váng. Và lần thứ 3: Lần này tôi đã vào được đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV), nhưng vẫn bị một số lãnh đạo trong Đài chê giọng yếu, mỏng. Lúc này tôi lại nghĩ, “giọng của mình từ khi sinh ra đã như vậy rồi, bây giờ làm sao. Không lẽ vì bị chê mà mình bỏ nghề”. Rồi nếu thật sự bỏ nghề mình sẽ làm gì? Đáp án duy nhất luôn nằm trong đầu tôi chính là,: “Tôi vẫn sẽ làm MC” .

Định mệnh đã gắn bó mình với nghề rồi, nên có áp lực, có trở ngại gì, tôi tin là nếu kiên trì, mình sẽ theo được tới cùng. Nếu muốn thì mình sẽ tìm cách, khi không muốn người ta sẽ tìm lý do, và tôi tin, mình đã tìm đúng cách đề theo đuổi con đường mà tôi đam mê.

Được biết, Hoài Hương và ông xã đã thành lập Học viện MC Academy được gần hai năm nay. Cơ duyên nào dẫn đến việc trở thành bà chủ một học viện đầy quyền lực như ngày hôm nay? Trong xu thế MC trở thành nghề hot, rất nhiều bạn trẻ nhìn thấy hào quang của nghề này, muốn được đào tạo chuyên nghiệp. Học viện của Hoài Hương đã tạo ra sự khác biệt gì để có thể thu hút các bạn học viên?

Cách đây 10 năm, một câu hỏi lớn hiện diện trong tôi là: Tại sao những ngành nghề khác lại có trường lớp đạo tạo, còn MC thì không? Bản thân tôi ngày đó cũng tự đi tầm sư học đạo. Học trong nước rồi ra nước ngoài học tiếp, dần dần tôi cũng hoàn thiện bản thân; cũng như tích lũy nhiều trải nghiệm quý giá.

Tôi đã cộng tác giảng dạy MC ở một vài trung tâm, nhưng vẫn chưa thỏa mong ước của mình. Năm 2018, tôi được mời làm giám khảo cũng như huấn luyện viên cho các cuộc thi MC. Trong quá trình làm việc, tôi mới nhận thấy nhiều bạn trẻ bây giờ rất thích làm MC. Nhưng ngặt nỗi, các em cũng chỉ tự học là chính chứ chưa có một nơi nào đào tạo bài bản. Hoặc, các em học những chương trình chưa phù hợp với năng lực bản thân.

Nhiều bạn trẻ đến nhà xin tôi để học. Tôi cũng thử mở lớp tại nhà và thấy hiệu quả. Các em tiến bộ rất nhanh. Bản thân tôi càng dạy càng thấy tâm huyết. Ông xã tôi đang làm việc tại một trung tâm Anh ngữ và quản lý giáo dục nhiều năm. Nhìn thấy lớp học nhỏ tại nhà, anh rất thích. Anh nói mình đang có một sản phẩm giáo dục rất tốt và tại sao không lại không kinh doanh nó. Thế là hai vợ chồng cùng hợp sức tạo dựng nên MC Academy.

MC Academy là học viện đào tạo người dẫn chương trình đầu tiên tại Việt Nam với giáo trình nhiều cấp độ từ Beginner đến Superior – từ lớp học dành cho người bắt đầu đến các lớp nâng cao và chuyên sâu. Với mong muốn tạo ra một nền tảng vững chắc cho học viên, MC Academy đã tạo ra chương trình học cung cấp tất cả kiến thức nền tảng như giọng nói, ngoại hình, phỏng vấn nhân vật, xây dựng kịch bản,… Và đặc biệt hơn thế nữa, MC Academy còn có những môn học được thiết kế chuyên biệt mang tính chất đột phá như: kỹ thuật ứng khẩu, sử dụng đạo cụ, nguyên tắc trong giao tiếp quốc tế, cách xử lý hậu trường… nhằm giúp người dẫn chương trình hoàn toàn tự tin hội nhập với xu thế mới.

Với phương pháp đào tạo cá nhân hóa, đây cũng là nơi đầu tiên đào tạo MC với mô hình lớp học nhỏ ít học viên với 8 điểm nổi bật: cá nhân hóa trên từng học viên, bài học tương tác đa dạng, tìm ra khuyết điểm mỗi học viên và khắc phục tối đa, tỷ lệ thực hành/ lý thuyết là 8:2, hai giảng viên theo sát quá trình tiến bộ của học viên, nhập học bất cứ lúc nào, thời gian học linh hoạt, đội ngũ giảng viên dày dạn kinh nghiệm tâm huyết với công việc dẫn ctôi trình. Đây cũng là lần đầu tiên mà ngành đào tạo MC tại Việt Nam có một phương pháp học quy chuẩn mang tên Six Magic Steps (6 bước ma thuật): Learning (Học), Absorbing (Thấu hiểu), Practicing (Thực hành), Applying (Ứng dụng), Reflecting (Suy ngẫm), Teaching (Giảng dạy).


Việc quy tụ những MC giỏi và nổi tiếng về làm giảng viên cho trường có khó khăn? Mỗi MC mỗi phong cách khác nhau, vậy làm sao học viện của chị có tiếng nói chung thống nhất trong việc giảng dạy? Ngày nay có rất nhiều bạn trẻ theo đuổi nghề MC. Quy luật đào thải của nghề có khắc nghiệt không?

Tôi không thấy khó khăn gì, mà ngược lại, thấy nhiều thuận lợi. Nhiều năm trong nghề, tôi may mắn có được các anh chị tôi, bạn bè thân thiết. Họ đều là những người có tâm với nghề, mong muốn truyền nghề cho thế hệ MC tiếp nối. Thành ra, tôi chỉ gọi điện mời về dạy là mọi người đồng ý ngay. Đây là vấn đề tôi đã lường trước ngay từ đầu. MC Academy không đi theo lối mòn của những trung tâm đào tạo khác. Các giảng viên không chỉ tới lớp chia sẻ kinh nghiệm rồi ra về. Ở đây tôi xây dựng giáo trình đào tạo và áp dụng quy chuẩn đào tạo cho từng cấp bậc học viên. Làm như vậy sẽ có sự thống nhất trong giảng dạy, hiệu quả và khoa học.

Ngành nghề nào mà chẳng đào thải. Tôi nghĩ những ai không nghiêm túc với nghề, không có năng lực và không chịu cố gắng học hỏi, hoàn thiện bản thân, ắt sớm bị đào thải. Nhiều bạn trẻ đến với nghề MC vì thấy hào quang mà nó đem lại, nhưng không hình dung được muôn vàn khó khăn sau đó. Ngày đầu vào nghề, tôi phải đi quay “outdoor”. 4 giờ sáng, tôi theo đoàn đi tỉnh; quay ròng rã dưới nắng, mồ hôi đầm đìa, mệt lả người. Về được tới nhà cũng gần 12 giờ khuya. Những ngày đi dẫn sự kiện, sau khi kết thúc, không ít lần mình nhận feedback chưa hài lòng của khách. Nếu không đủ đam mê, tôi đã không đương đầu với những khắc nghiệt này.

Việc đứng lớp giảng dạy và đứng trên sân khấu làm nghề, có sự giống và khác nhau như thế nào? Gánh thêm việc điều hành trường có là áp lực với một bà mẹ như chị?

Giống là mình được dùng kỹ năng và kinh nghiệm của một MC; để truyền đạt thông tin cho người đối diện. Đứng lớp hay đứng trên sân khấu, với tôi là giống nhau. Đó là nơi tôi thỏa đam mê và truyền lửa cho nhiều người khác. Điểm khác nhau là thay vì truyền tải thông tin một chiều, tôi muốn người tiếp nhận phải làm lại được giống mình và thậm chí là tốt hơn thế.

Chắc chắn là có áp lực. Ngày xưa tôi chỉ đi dẫn chương trình và ở nhà chăm con. Nay phải thêm 2 việc nữa là đi dạy và điều hành học viện. Do đó, áp lực ở đây chủ yếu là thời gian. Tuy nhiên tôi luôn có chồng bên cạnh, nên mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát. Tôi cũng vô cùng biết ơn mẹ mình, con gái mình luôn là người động viên, bên cạnh, hiểu rõ mình, thấu hiểu cho những áp lực trong cuộc sống của mình.

Được biết Hoài Hương từng trải qua quá trình chiến đấu căn bệnh ung thư tuyến giáp khi còn rất trẻ. Hương có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ, khi các bạn quá đam mê kiếm tiền mà bỏ bê sức khỏe không?

Tôi mắc ung thư tuyến giáp năm 2011, ở độ tuổi 22 căng tràn sức sống. Lúc đó, tôi không tin rằng bản thân bị bệnh, bởi còn quá trẻ, thể trạng lại khỏe mạnh, gia đình cũng không có tiền sử ung thư. Ca phẫu thuật nguy hiểm có thể khiến tôi từ bỏ nghề MC vì tổn thương dây thanh quản. Tôi may mắn khi bệnh được phát hiện sớm ở giai đoạn một. Trong 3 năm hậu phẫu, gương mặt tôi bị sưng phù, bản thân bị mất khả năng tập trung… Đến thời điểm hiện tại, mặc dù áp lực công việc, chăm sóc gia đình, con cái có nhiều như thế nào, nhưng tôi vẫn luôn ý thức rất rõ ràng: Bản thân sức khỏe của mình là quan trọng nhất.

Từng đứng ở ranh giới giữa sự sống với cái chết, từng chiến đấu với bệnh tật, tôi biết, một cơ thể khỏe mạnh quý giá và quan trọng đến nhường nào. Còn sống, còn sức khỏe, sẽ còn tất cả. Khi các số liệu về những bạn trẻ cày việc xuyên đêm, có khi dẫn đến đột quỵ hay gặp các biến chứng sức khỏe khác nghiêm trọng, tôi mong rằng, các bạn hãy biết cách trân trọng bản thân mình nhiều hơn, chăm chút cho sức khỏe của chính mình nhiều hơn. Hãy cân bằng giữa tiền bạc, quyền lực với việc giữ gìn sức khỏe. Một người thành công là một người có trí tuệ trong một cơ thể khỏe mạnh.

Hai vợ chồng cùng điều hành Học viện, theo Hương, đó là "lợi thế" hay "bất lợi"? Hương và ông xã hỗ trợ hay bổ khuyết cho nhau như thế nào? Bí quyết để duy trì, giữ lửa cho hôn nhân, theo Hương điều gì là quan trọng nhất?

Việc hai vợ chồng cùng điều hành công ty, với tôi, vừa là lợi, vừa là bất lợi. Lợi thế có thể kể ra, chính là việc được gặp nhau mỗi ngày. Ngày trước khi hai vợ chồng làm hai nơi, hai mảng khác nhau, thậm chí có những ngày không có thời gian gặp trò chuyện cùng nhau. Và khi hai vợ chồng cùng điều hành “đứa con tinh thần chung”, thì lại càng tự tìm cách cân đối, hài hòa, giả dụ khi chồng căng, thì vợ lùi lại, hoặc khi vợ căng lên, chồng lùi. Và những thành quả đạt được trong công việc tất nhiên, vì gia đình chung chứ không riêng gì vì bản thân, nên bắt buộc cân đối tính cách, cái tôi cho phù hợp. Chồng tôi quản lý kinh doanh, tôi quản lý đào tạo. Tất nhiên sẽ có những xung đột, bất đồng, nhưng vì là hai vợ chồng, nên sẽ tìm cách dung hòa được 2 vấn đề này.

Bất lợi, chính là gặp nhau quá nhiều, có khi gặp đến… chán. Trong hôn nhân, xa gần cần … phù hợp. Nói vui vậy thôi, chứ con người ta hay “tham”, cái gì cũng muốn cả. Theo quan niệm Á Đông, chồng vẫn là trụ cột, vợ phải lùi lại, nói nôm na là chồng phải trên cơ vợ. Tuy nhiên, vì cả hai người đều đứng đầu trong hai lĩnh vực của mình khi cùng điều hành Học viện nên chắc chắn không thể nào thiếu xung đột.

Bí quyết để duy trì và giữ lửa trong hôn nhân của tôi nằm ở mấy chữ “Mình phải biết mình, đặt mình đúng vai trò trong những hoàn cảnh khác nhau”. Ở công ty, cùng làm lãnh đạo với chồng, phải thể hiện mặt cá tính, cần thể hiện đúng năng lực của mình. Vì mình là đồng chí với chồng mình, chồng cũng cần một người có tiếng nói, có chính kiến để cùng nhau điều hành công ty.

Tuy nhiên, khi về nhà, thì cởi lớp áo ở cơ quan ra trở thành người vợ, người mẹ trong gia đình. Đôi khi mình phải lùi lại, biết nghe lời hơn, cho chồng “thể hiện” bản thân mình. Tất nhiên, nói thì luôn dễ hơn làm, nhất là với những người có cái tôi mạnh, cá tính như bản thân tôi. Tuy nhiên, mình biết rõ mình cần gì, mình muốn gì, thì chắc chắn mình sẽ làm được. Mình vừa muốn hôn nhân hạnh phúc, vừa muốn sự nghiệp vững vàng, thì mình càng phải cố gắng nhiều hơn mỗi ngày.

Cảm ơn Hoài Hương vì buổi trò chuyện này!

Hồ Ngọc (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm