Nữ doanh nhân

Phạm Thị Hoàng Trâm: Nếm không ít “trái đắng” trước khi trở thành bà chủ Học viện Tigon Flower

DNVN - Gặp không ít “quả đắng” khi mới khởi nghiệp với đam mê về hoa, có những lúc nản lòng muốn dừng lại, nhưng Hoàng Trâm nay đã trở thành bà chủ của Học viện Tigon Flower. Cô ngày đêm truyền nghề cho những bạn trẻ yêu hoa, muốn kinh doanh về hoa.

Nữ doanh nhân Bùi Thị Anh Ngọc: Uy tín là “chìa khoá vàng” tạo nên thành công / Chủ nhiệm Hội quán các Bà Mẹ: Trăn trở gìn giữ linh hồn của lụa Việt

Chị Phạm Thị Hoàng Trâm - Giám đốc Học viện Tigon Flower.

Chị Phạm Thị Hoàng Trâm - Giám đốc Học viện Tigon Flower.

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh Tế, nhưng từ khi còn là sinh viên, Hoàng Trâm đã nhanh nhẹn nắm bắt cơ hội của mình khi tích cực tham gia làm sự kiện tại một số công ty lớn để trang trải học phí và học hỏi kinh nghiệm làm việc thực tế. Nhờ người dì ruột có tiệm hoa ngay khu phố Thảo Điền, Hoàng Trâm đã đặt nền móng những viên gạch đầu tiên cho Học viện và shop hoa nổi tiếng Tigor sau này. Câu chuyện khởi nghiệp và tinh thần của một người làm kinh doanh đặt sự chân thành lên hàng đầu của Hoàng Trâm hứa hẹn sẽ truyền cảm hứng cho những ai sắp và muốn đam mê dấn thân vào cuộc chơi với “Hoa”.

Khởi nghiệp vì mê kinh doanh hơn mê hoa

Sẽ vô cùng quen thuộc nếu ai đó bắt đầu kinh doanh với niềm đam mê riêng của mình. Nhưng với Hoàng Trâm thì khác. Khi mới vào Sài Gòn, khi còn làm cô sinh viên từ tỉnh lên, hàng ngày đi học trên chiếc xe đạp đi ngang qua khu Thảo Điền, xung quanh có rất nhiều căn biệt thự thật lớn. Cô cứ tự hỏi đến bao giờ mình mới có một "mảnh đất cắm dùi" ở đây. Với câu hỏi biết phải làm sao, bắt đầu như thế nào, phải làm gì để có cuộc sống khá hơn trên đất Sài Gòn cứ quanh quẩn luẩn trong đầu cô.

Do vậy câu chuyện khởi nghiệp của cô, bắt đầu từ niềm đam mê, khao khát kiếm tiền nhiều hơn là đam mê về hoa. Trước khi bắt đầu việc kinh doanh thực sự, Trâm cùng dì của mình hợp tác với một người khác mở shop hoa. Khi công việc đang khá thuận lợi thì bị lấy lại mặt bằng và đối tác đã lấy luôn cả thương hiệu cùng số hotline đã gây dựng rất lâu trước đó, bởi vì tin tưởng đã để đối tác của mình đi đăng ký kinh doanh và số điện thoại đó.

Không còn gì đau đớn hơn, không còn gì tiếc nuối hơn, cả Trâm và dì của mình đã nhận được bài học quá lớn khi hợp tác với người khác. Từ thất bại đầu tiên này, Trâm và dì của mình, đã quyết tâm xây dựng một thương hiệu khác và thế là Tigon Flower ra đời. Khi nghe qua cái tên này, người khác dễ cho rằng Trâm chọn nó vì thích một loại hoa có một câu chuyện đặc biệt của sự lãng mạn. Nhưng sự thật không phải vậy.

Cái tên Tigon đến một cách vội vã và vô tình chỉ để kịp cho ngày khai trường đã đến quá gần. Trong lần đi giao hoa và chờ khách xuống nhận hoa, Trâm đã nhìn thấy một loại dây leo bé xíu, len lỏi, luồn lách qua đống cây khô thật lớn đang đè lên nó.

Cọng dây đó vươn lên cao đón mặt trời, kéo theo cả những bông hoa màu hồng, bé xíu và lá lên cùng nó. Loại dây leo ấy mong manh, dễ vỡ nhưng vẫn không khuất phục trước hoàn cảnh khó khăn trước mắt, Trâm đã thật sự xúc động và thương nó biết bao. Khi biết nó chính là hoa Tigon, Trâm cảm động như muốn khóc. Trâm lưu lại hình ảnh đẹp để đó để làm nguồn động lực cho bản thân mình.

Những ngày đầu kinh doanh, mục tiêu đầu tiên ngay lúc đó là phải cố gắng bán thật nhiều hoa, để có thật nhiều tiền dành dụm cho mục đích của mình. Với cô sinh viên mới ra trường, kiến thức kinh doanh cũng chưa có, kiến thức về hoa cũng chưa có, Trâm đã dùng sự nhiệt tình, năng nổ bên trong con người để phục vụ khách hàng.

Khi được khách hàng họ yêu thương, họ đã hướng dẫn cho Trâm rất chân thành về cách thiết kế, về sở thích dùng hoa của quốc gia họ, thông qua những dịp khách tặng hoa, chuyển thông điệp cho nhau, Trâm đã học hỏi từ họ rất nhiều và Trâm đã dần quên đi mục đích kiếm tiền ban đầu, mà làm việc với mục tiêu đổi lại được sự hài lòng và niềm vui và sự tin yêu của khách hàng đối với mình. Và đây cũng là sứ mệnh, là kim chỉ nam trong việc xây dựng dịch vụ hơn 10 năm kinh doanh về nghề hoa của Trâm.


Phát triển công việc kinh doanh từ sự biết ơn khách hàng

Nếu chọn khởi nghiệp với hoa vì mê kinh doanh, thì Trâm chọn gắn bó với hoa, chắc chắn là vì sự tin yêu của khách hàng. Trâm chia sẻ, việc tiệm hoa đặt ngay con phố có sự định cư của người nước ngoài đa dạng, phong phú, đến từ nhiều quốc gia: Mỹ, Pháp, Anh, Ấn, Hàn, Nhật, Châu Phi… chính là khởi đầu cho những bài học cực kỳ tinh tế sâu sắc giúp Trâm trưởng thành hơn sau này rất nhiều trong công việc.Văn hóa yêu hoa, sử dụng hoa thay cho hàng ngàn lời muốn nói, hàng triệu thông điệp muốn trao gửi đến nhau, cách thức cắm hoa, các dịp cần đến hoa của các nền văn hóa đó đã giúp Trâm có cái nhìn sâu sắc, tinh tế hơn trong việc phục vụ phần lớn khách hàng thân thiết sau này của mình. Trâm kể, ngày vừa nhận lời điều hành tiệm, có một mình Trâm và một thợ duy nhất.

Và câu chuyện sau đây là một minh chứng. Tigon cách đây 8 năm luôn đóng cửa lúc 20h30, nhưng hôm đó, có một vị khách nước ngoài đến, muốn đặt một bó hoa đặc biệt và chỉ nhận giao tại nhà lúc…22h.

Ban đầu, Trâm khá ngạc nhiên vì giờ giao quá trễ luôn, giờ đó Trâm khá mệt sau cả ngày làm việc tại shop. Khi ông chia sẻ ông muốn dành bó hoa này tặng cho vợ của mình để cám ơn cô ấy đã dành cả ngày cuối tuần quý báu, chuẩn bị nhà cửa chu đáo để ông đón những người bạn ở Đức về Việt Nam chơi. Và ông muốn tặng nó sau khi khách đã về.

Nghe xong lý do, Trâm không chần chừ và hôm sau, đúng 22h, Trâm ôm hoa đứng trước nhà chờ vị khách, nhưng mãi đến 22h45 khách mới về. Khi ông nhận hoa, cảm ơn rối rít vì sự nhiệt tình của Trâm, còn Trâm nhìn theo bóng ông mang bó hoa vào tặng vợ. Vợ ông nhận hoa, liên tục cảm ơn chồng, rồi dường như cô ấy cảm động đến phát khóc. Một hành động thật đẹp và ý nghĩa quá chừng, Trâm từ từ hiểu ra rằng, sứ mệnh của người kinh doanh hoa là cầu nối để mọi người trao yêu thương cho nhau.

Và nhờ có vị khách đó, hôm sau, hôm sau nữa, Tigon Flower của cô liên tục đón tiếp rất nhiều vị khách nước ngoài gần đó đến đặt hoa và họ đến vì lời giới thiệu của vị khách kia, mà cô đã vô tình có thêm nhiều khách “ruột” đồng hành cùng mình như vậy. Cũng nhờ những vị khách rất văn minh này mà cô có được những bài học về sự biết ơn người thân yêu của mình.

Không có hành trình nào đơn giản, cũng không phải có vị khách nào cũng hiểu chuyện. Trâm từng ba lần muốn chấm dứt sự nghiệp kinh doanh hoa khi gặp các sự cố liên quan đến khách hàng.


Một lần, Trâm thật sự nghĩ, chắc duyên của mình với kinh doanh hoa đã hết rồi, cô ngồi một mình trong tiệm hoa, khóc nức nở, thì có một người khách quen tới. Ông ngạc nhiên khi thấy Trâm khóc, và Trâm tâm sự, chắc cô không hợp với nghề này. Nhưng điều cô nhận được khi trút nỗi lòng với khách quen chính là một cái ôm rất chân thành từ ông. Ông nói, nếu Trâm không kinh doanh hoa, thì ông biết tìm đâu một tiệm hoa có cô chủ bán hoa với tất cả sự chân thành tử tế như vậy? Đừng quá để tâm đến những vị khách khiến chúng ta tổn thương, Trâm hãy dành tất cả năng lượng đó cho những vị khách vì Trâm mà tìm đến Tigon Flower. Nhờ những tình người như vậy, nhờ những vị khách như vậy mà Tigon Flower ngày càng trưởng thành song song với sự trưởng thành vững vàng của cô chủ Hoàng Trâm.

Quyết định mở học viện đào tạo mở shop hoa

Những ngày đầu tiên, với nghề nào cũng vậy, với nghề kinh doanh đến hoa lại càng khó khăn nếu bản thân chủ không biết cắm hoa. Hơn ai hết, Trâm đã được nếm trải không ít những “quả đắng” từ chính nhân viên của mình khi Trâm không có chuyên môn về cắm hoa. Những vướng mắc đến từ chuyện nhỏ, khi đơn hàng khách đặt bị nhân viên cố tình lơ, hiểu sai, hoặc nếu Trâm góp ý đều lên tiếng, chị không hiểu này nọ đâu… Cho tới khi gặp những sự cố suýt chút làm “toang” cả tiệm. Có lần, Trâm nhận được đơn hàng lớn đầu tiên trong sự nghiệp của mình, kết cổng hoa cưới tại White Palace. Yêu cầu chọn hoa gắt gao, cầu kỳ, thời gian cho phép nhân viên vào thi công, thiết kế cũng rất chặt chẽ. Nhưng không ai có thể tin nổi, vào phút 90… của ngày hôm diễn ra sự kiện, cô thợ chính của Trâm đã tìm mọi lý do để không tới. Trong giây phút khủng hoảng đó, Trâm không cho phép mình mất bình tĩnh, may mắn trong thời gian qua, với tinh thần ham làm, ham học, Trâm đã có được không ít bí kíp, và Trâm đã huy động rất nhiều anh em, bạn bè, bạn hàng cùng tới để làm cho xong cổng hoa cưới. Mọi chuyện không phụ lòng Trâm khi cô dâu chú rể tới và ra hiệu “Số 1” với Trâm.

Cũng từ sự cố đó, Trâm bắt đầu tìm kiếm các khóa học cắm hoa chuyên nghiệp. Nhưng gần 10 năm trước, các trung tâm, các lớp học chưa phong phú, đa dạng như bây giờ. Và rất may mắn, với vốn liếng ngoại ngữ rất tốt, và sự hỗ trợ của mạng Internet, Trâm đã mày mò tự học cắm hoa. Từ một người không thích hoa, không biết cắm hoa, Trâm đã có thể cắm hoa để phục vụ khách hàng, không ngừng học hỏi, nghiên cứu về sở thích nhận hoa của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Khi chính sách kinh doanh tại thị trường TPHCM đi vào ổn định, có những vị khách quen, cần đặt hoa tại các tỉnh địa phương, thì Trâm lại gặp các vấn đề khác. Mỗi khi có một đơn hàng, Trâm lại phải tìm kiếm dịch vụ điện hoa tại địa phương đó, tìm kiếm từng shop hoa, tư vấn, thanh toán và tin tưởng dịch vụ mà họ mang đến cho khách hàng của mình. Nhưng cái Trâm nhận được, thật ngoài sức tưởng tượng, hoa theo yêu cầu không có, không hề được báo lại. Chất lượng hoa chỉ vào loại 2, loại 3… Đó chính là động lực để Trâm quyết định mở lớp Đào tạo mở shop hoa, với mong muốn dịch vụ điện hoa của các tỉnh thành, địa phương tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

Tới thời điểm hiện nay, điều khiến Trâm vô cùng tự hào đó chính là đã có những bạn học viên, tốt nghiệp từ học viện đã trở thành chủ shop hoa chuyên nghiệp. Những gì đã biết, Trâm không ngại giấu, Trâm chia sẻ hết những gì mình biết, từ kiến thức chọn hoa, giá thành, cho đến cách quản trị vận hành một shop hoa như thế nào để sinh lời.. Ai cũng nói, cái gì Trâm cũng thật thế, chia sẻ nhiều thế thì bị giành mối mất thì làm sao? Trâm không cho là vậy, mình cho đi những giá trị đã biết, rồi từ đó, mình lại tiếp tục học hỏi tiếp những giá trị chưa biết, mình đứng im một chỗ, mình hài lòng với cái mình đang có chính là cách nhanh nhất khiến mình thụt lùi.

Ngoài ra, học viên tới Học viện Tigon Flower chính là những người phải chưa hề biết gì về hoa, chưa hề có kinh nghiệm gì về làm hoa. Trâm muốn mình là người giúp họ vốn dĩ như tờ giấy trắng có những nét vẽ đầu tiên. Quan trọng thứ hai là thái độ cầu thị và cầu thị một cách chân thành. Học về cách kinh doanh hoa, học để hiểu một cách sâu sắc, hoa có giá trị tinh thần to lớn như thế nào. Dù xã hội phát triển đến đâu, dù chiêu thức truyền thông như thế nào thì nếu mình làm không thật sự tốt, không thấu hiểu khách hàng thì mình sẽ không tồn tại được. Đó chính là sự khác biệt của Tigon Flower. Có thể bạn sẽ thấy phiền khi nhân viên tiếp bạn, hỏi khá nhiều, nhưng đó là cách mà Tigon muốn có thêm dữ liệu về bạn, để có cách tư vấn chọn hoa trao đi đúng thông điệp hơn.

Ba “từ khóa” nằm lòng khi kinh doanh Hoa

2020 là một năm khủng hoảng chung của cả thế giới. Du lịch, khách sạn đóng băng, hàng trăm doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Những tưởng, trong xu thế đó, Tigon Flower chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng Trâm lại có cách để Tigon Flower của mình vượt qua từng bước một cách ngoạn mục. Mặc dù, đa số nhân viên trong tiệm ở tỉnh, văn phòng tọa lạc ngay khu dân cư người nước ngoài sinh sống nên đều bị người nhà gọi về cách ly. Và thời gian đó, có mình Trâm, ông xã Trâm và duy nhất một cô nhân viên gồng gánh công việc của cả một đội ngũ. Việc tọa lạc ngay khu Thảo Điền cũng chính là điểm sáng của Tigon trong mùa Covid. Tigon là một trong những tiệm hoa hiếm hoi mở cửa, ship hoa, giao hoa tận nhà cho từng vị khách trong đợt Covid đầu tiên…

Khỏi phải nói, với những người ưa dịch chuyển từ quốc gia này qua quốc gia khác bị cách ly trong một thời gian khá dài là bức bí như thế nào, và để cân bằng lại, họ tìm đến hoa. Tigon có mặt ngay thời điểm họ cần, trao cho họ đúng cái họ muốn, và Trâm vui vẻ cho biết, nếu Trâm cũng sợ hãi, cũng ngừng kinh doanh, thì khách hàng, nhất là khách hàng ruột biết tìm đến đâu. Và dù có phải “gồng” như thế nào, thì Trâm cũng bắt buộc phải để cho mình tồn tại. Sau lần cách ly đó, tuy vất vả, tuy thiếu thốn nhân sự, nhưng sự hồi đáp mà Trâm nhận lại còn vượt cả sự mong đợi. Các bạn nhân viên quay về với Trâm, và có tinh thần lao động, học tập, trung thành hơn, nghiêm túc hơn.

Trâm cũng muốn trao gởi một trong những bí quyết quan trọng nhất khi các bạn trẻ muốn kinh doanh, đó là phải luôn nằm lòng 3 từ khóa là: Thứ nhất, Nhất định phải Tồn tại. Tại sao phải “tồn tại”, chính là khi “tồn tại”, bạn mới có cơ hội trở thành nơi có thương hiệu riêng của mình.

Từ khóa thứ 2 là “Không được bỏ cuộc”, khó khăn nào cũng có cách giải quyết, khi lâm vào khó khăn, càng cần bình tĩnh, luyện tập kỹ năng bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề sai đúng thế nào, để tìm cách giải quyết vấn đề.

Từ khóa thứ 3 chính là chúng ta phải luôn “Tìm nguồn động lực cho bản thân” . Nguồn động lực đó có thể đến từ đâu? Từ người thân, bạn bè, gia đình, từ những người sẵn sàng truyền cảm hứng cho mình. Tìm được “động lực” sẽ giúp bạn vực dậy tinh thần nếu gặp những sự cố, thất vọng về bản thân… và nhanh chóng cân bằng lại, tiếp tục sứ mệnh của mình.

Hành trình phía trước còn không ít khó khăn, thị trường kinh doanh hoa cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhưng Tigon Flower đã và đang tiếp tục mục tiêu sắp tới của mình. Được khách hàng tin cậy, chọn lựa, và đặc biệt dịch vụ điện hoa sẽ được mở rộng từ 15 đến 60 tỉnh thành song song với số lượng học viên ngày càng nhiều hơn, để khách hàng khắp nơi được nhận được những dịch vụ về Hoa thật sự chất lượng tốt nhất. Đồng thời, tin rằng Tigon Flower sẽ ngày càng được tin yêu nhất, đồng hành trong mọi sự kiện ấm áp, hạnh phúc và mang tới thông điệp cuộc sống sâu sắc cho từng khách hàng của mình.

Hồ Ngọc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo