Đọc báo hôm nay: Những tin tức mới nóng nhất ngày 30/11
Quốc hội mời chuyên gia phản biện dự án sân bay Long Thành
Những tin trên báo chí cho hay, Ủy ban Kinh tế sẽ liên hệ với các chuyên gia kinh tế, giao thông từng lên tiếng về dự án Sân bay Long Thành để tham vấn ý kiến. Theo đó, khi Quốc hội thảo luận về dự án Long Thành, cơ quan này đã nhận được ý kiến của các chuyên gia, cả ủng hộ lẫn phản đối.
Ông Nguyễn Văn Phúc đánh giá rằng dù đồng tình hay phản bác thì các ý kiến đều rất tâm huyết và đáng trân trọng. Vì vậy, ngay trong kỳ họp, cơ quan này đã chủ động tìm hiểu thông tin như địa chỉ, chuyên ngành của các chuyên gia để có lời mời đóng góp ý kiến trong quá trình chuẩn bị hoàn thiện thêm cho báo cáo giải trình trước Quốc hội.
“Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm và mời các chuyên gia góp ý. Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các chuyến khảo sát tại Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Long Thành và làm việc với các địa phương để có thêm thông tin”, ông Phúc cho biết.
Mức giá thực tế của nhà đất phố cổ Hà Nội đắt gấp 6 lần khung giá đất
Về việc ban hành giá các loại đất áp dụng trong 5 năm từ 2015 đến hết 2019, UBND TP. Hà Nội đã có tờ trình lên Hội đồng nhân dân thành phố. Theo đó, mức giá đất ở cao nhất thuộc về đất ở thuộc quận Hoàn Kiếm với giá 162 triệu đồng/m2. So với mức giá tối đa hiện hành mức giá này cao gấp đôi và nếu so với mức giá tối đa theo quy định của Chính phủ ngang bằng. Tuy nhiên, đây vẫn là một mức quá thấp so với giá rao bán và giao dịch thực tế.
Trong khi khung giá đất được Hà Nội đề xuất cao nhất chỉ là 162 triệu đồng, trên thực tế một lô đất mặt tiền được rao bán với giá 1,1 tỷ đồng mỗi m2. Khảo sát của phóng viên cho thấy, ở một số tuyến phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bài, Hàng Bồ, Nhà Thờ...., nhà đất mặt tiền được rao bán với mức giá phổ biến từ 500 đến 600 triệu đồng mỗi m2. Thậm chí, có một số ít bất động sản khác được rao với giá từ 800 đến 1,1 tỷ đồng một m2, một mức giá có thể gây choáng với nhiều người.
Cá sấu xuất hiện ở khu vực lòng hồ Trị An
Ngày 28/11, nhận được tin báo cá sấu xuất hiện tại ao nhà ông Hà (ấp 1, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Hạt Kiểm lâm H.Vĩnh Cửu đã phối hợp Công an và Xã đội Mã Đà vây bắt bằng nhiều phương pháp như bủa lưới, giăng câu, kể cả sử dụng máy tầm ngư để xác định vị trí.
Tuy nhiên đến chiều 29/11, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết vẫn chưa tìm thấy con cá sấu xuất hiện tại ao cá nhà ông Nguyễn Vũ Hà dù đã bị trúng thuốc mê. Được biết trong lúc tìm kiếm, sáng 29/11, cá sấu nổi lên bơi quanh ao thì bị lực lượng kiểm lâm dùng súng bắn thuốc mê. Dù trúng thuốc, cá sấu vẫn lặn xuống hồ mất dạng.
Quá trình vây bắt sau đó không thành công. Trước nguy cơ cá sấu có thể theo con nước ra hồ Trị An, UBND H.Vĩnh Cửu yêu cầu cơ quan ban ngành và các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân sống ở khu vực lòng hồ, đặc biệt là trẻ em.
Một hành khách đau bụng, làm 6 chuyến bay chậm chuyến
Vào lúc 6h15 sáng nay 29/11, chuyến bay số hiệu VJ153 của hãng hàng không VietJet Air đã hoàn tất công tác đón khách lên máy bay, ổn định chỗ ngồi. Tiếp viên trưởng đóng cửa và báo cáo với cơ trưởng đã sẵn sàng. Máy bay vừa được kéo đẩy ra đường băng để chuẩn bị cất cánh thì bất ngờ nữ hành khách Nguyễn Thụy Tr. nói với tiếp viên rằng mình bị đau bụng.
Vài phút sau, nữ hành khách Tr. nói đau bụng dữ dội và gần như ngất xỉu. Hành khách cần sự trợ giúp và yêu cầu được xuống máy bay, không tiếp tục hành trình đi TP.HCM nữa. Nhận thấy sức khỏe của hành khách không đảm bảo, cơ trưởng chuyến bay VJ153 quyết định cho máy bay quay trở lại sân đỗ và báo với bộ phận mặt đất hỗ trợ đưa hành khách Nguyễn Thụy Tr. xuống máy bay để hỗ trợ y tế.
Chuyến bay lúc này có gần 180 hành khách. Chuyến bay sau đó đã tiếp tục khởi hành đi TP.HCM, chậm 37 phút so với lịch bay ban đầu. Vì 1 máy bay chậm cất cánh trong sáng hôm nay, 5 chuyến bay khác của Vietjet đã bị ảnh hưởng dây chuyền. Vì mỗi ngày, lịch khai thác của 1 máy bay ít nhất là 8 chuyến.
Tin tức mới cập nhật ngày 30/11 thế giới
'Thảm sát' hàng nghìn con trâu hiến tế Nữ thần
Các quan chức địa phương cho biết nghi lễ tôn giáo này diễn ra tại đền thờ nữ thần Gadhimai ở Bariyarpur, Nepal, gần biên giới Ấn Độ. Bằng cách cúng tế hàng ngàn con trâu, chim bồ câu và dê, các tin đồ tin rằng Nữ thần Gadhimai sẽ mang lại sức mạnh, may mắn và thịnh vượng cho dân chúng.
Khoảng 6.000 con trâu và gần 100.000 con dê và gia cầm như chim bồ câu và gà đã bị giết để hiến tế cho Nữ thần trong ngày đầu tiên 28/11. Hơn 100.000 con vật khác cũng sẽ bị giết mổ khi lễ hội kết thúc vào ngày 29/11. Đầu của các con vật sẽ được chôn trong một cái hố lớn để cúng tế cho Nữ thần, trong khi da sẽ được bán cho các thương nhân đã ký hợp đồng trước đó.
Theo ông Yogendra Prasad Dulal, một quan chức địa phương thì họ không thể ước tính được tổng số các loài động vật đã bị giết mổ trong các nghi lễ. Thông thường mỗi người đến tham dự sẽ mang theo một con vật hiến tế để cầu may mắn. Trong lễ hội được tổ chức năm 2009, hơn 250.000 con vật cũng bị giết chết.
Nghi lễ tôn giáo này đã gặp phải sự lên án của Hiệp hội Bảo vệ Động vật PETA. Các nhà hoạt động đã vận động để ngăn chặn việc giết hàng loạt động vật. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của họ, những người tổ chức lễ hội vẫn cho biết quy mô lễ hội năm nay sẽ lớn nhất từ trước đến nay. Khác với các tín đồ Hindu giáo ở Ấn Độ, những người theo đạo này ở Nepal chiếm 80% dân số và họ thường giết động vật để cúng tế các vị thần trong lễ hội.
Trung Quốc: Nữ quan tham "thăng chức trên giường"
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương ĐCS Trung Quốc (UBKTKLTW) ra thông báo khai trừ đảng và cách chức, cách ly điều tra 2 nữ quan chức cao cấp tỉnh Sơn Tây là Trương Tú Bình, Phó bí thư thành ủy Tấn Trung và Dương Hiểu Ba, Thị trưởng thành phố Cao Bình do phạm một số tội, trong đó có “thông gian với người khác”.
Đây là lần đầu tiên đoản ngữ “thông gian với người khác” được sử dụng trong văn bản chính thức của cơ quan KTKL để chỉ việc nữ quan chức dùng thân xác hối lộ cấp trên để được thăng chức, hay nói theo kiểu dân dã là “thăng quan trên giường”. “Cấp trên” của Trương Tú Bình là Kim Đạo Minh, Ủy viên thường vụ, Bí thư UBKTKL tỉnh ủy, còn đối tác của Dương Hiểu Ba là Tạ Khắc Mẫn, nguyên Bí thư thị ủy, hiện là Phó Giám đốc Sở giám sát tỉnh Sơn Tây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên