Độc đáo hay kỳ quặc?
Kính thưa quý vị, trong những năm gần đây, nhiều lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian được khôi phục. Việc tổ chức lễ hội và đi dự lễ hội càng trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết. Có những lễ hội được mô tả là tích cực, tuy nhiên cũng có những lễ hội tiêu cực. Trong số ấy có một lễ hội cần xét lại và hủy bỏ. Đó là “lễ hội chém lợn tế thần” ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh”.
Những lời tâm huyết ấy trong lá thư ngỏ của thành viên alanphan được đăng tải trên raovatonline.
Chẳng biết các vị chức sắc đã nhận được bức thư ngỏ của cư dân mạng hay chưa, nhưng phản ứng chắc còn lan tỏa với hàng chục diễn đàn và hàng trăm ý kiến cập nhật mỗi ngày.
Trong lễ hội ấy, người ta buộc bốn chân con lợn, kéo căng ra bốn phía, rồi chém vỡ bụng nó ngay giữa sân đình. Sau đó bàn dân thiên hạ lao vào xin tí tiết để cầu may. Nhận xét về nghi thức này, tác giả alanphan viết: “Không hiểu sao ở thế kỷ thứ 21 này mà vẫn tồn tại một lễ hội như vậy, một lễ hội biểu trưng cho sự tàn ác của con người...”.
Một lễ hội khác ở Phú Thọ cũng được xếp vào loại “lễ hội kỳ quặc” trong khi có người cho là độc đáo. Khởi thủy của lễ hội này, đám đông tập trung ném đá vào một người, giải thích rằng đây là hành động nhớ đến việc nhân dân ném đá vào thú dữ trong đội quân của Thánh Tản Viên. Giờ ném đá được thay bằng ném bao cát cho “an toàn”, nhưng sự kỳ quặc chẳng giảm bao nhiêu.
Tại Đông Sơn, Thanh Hóa có lễ hội đánh nhau. Không phải các sới vật, sới võ có trọng tài với tinh thần thượng võ mà là những cuộc thượng cẳng chân hạ cẳng tay dù chẳng có mâu thuẫn gì. Người đi hội dùng cà chua ném nhau, nhưng “khi cà chua đã hết, lại chếnh choáng trong men rượu đầu xuân và có khi sẵn hiềm khích, nhiều trai làng dùng cả táo, ổi, gạch đá”. (tamnhin.net)
Hoạt động văn hóa nghi lễ truyền thống thường có nhiều lớp, nhiều tầng ý nghĩa. Vấn đề nằm ở chỗ hiểu, tiếp cận và tiếp nhận nó từ ý nghĩa nào, nhằm giá trị gì. Thể hiện tinh thần thượng võ thì cần gì phải chém một con vật hiền lành như con lợn? Để chống lại sức mạnh thiên nhiên đâu phải ném đá hay gì đó vào một con người? Tôn vinh sức mạnh của lòng dũng cảm chắc hẳn không cần đánh nhau kiểu hội đồng. Trong các hành động ấy, mục đích chung của người tham dự có lẽ chỉ là cầu may mắn cho bản thân.
Vậy may mắn ấy từ đâu tới? Hẳn người tham gia đặt niềm tin vào thế lực siêu nhiên nào đó, và với sức mạnh thần bí, các vị thần thánh này sẽ chấp thuận các hành vi bạo ngược của họ, để rồi ban phát cho người ta những gì mong muốn.
Những kiểu hành xác, hủ tục vốn tồn tại trong thời xa xưa và bị lên án mạnh mẽ. E.B Taylor, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng thế giới, đã liệt kê hàng loạt hủ tục cầu may man rợ mà con người từng trải qua. Chẳng hạn để bảo vệ một ngôi làng mới dựng lên trước sự phá hoại của lực lượng siêu nhiên và kẻ thù, người ta chôn sống hai đứa bé ngay tại cổng làng.
Hay ở đảo Minalau (châu Phi), khi xây dựng một ngôi nhà lớn, người ta đặt xuống hố một cô gái nô lệ, rồi thả cây cột lớn nhất xuống đó, đè chết luôn người nô lệ. Thủ tục này sau biến thể đi, người ta thế người nô lệ bằng một con gà sống.
E.B Taylor gọi những hủ tục đó là “mê tín bất nhân”.
Các nghi thức kiểu “mê tín bất nhân” có thể xảy ra và thịnh hành ở bất cứ đâu, bất cứ thời đại nào, không hẳn chỉ tồn tại trong các bộ tộc lạc hậu vùng xa xôi. Một khi con người còn chìm đắm trong sự mê tín, cuồng tín, đặt cược cuộc đời vào các thế lực siêu nhiên, tìm kiếm may mắn bằng mọi hình thức, thì mê tín sẽ đi liền với hành vi phản văn hóa.
Hơn ai hết, cộng đồng phải tự bảo vệ bằng cách đặt niềm tin vào cái thiện và xây dựng cộng đồng giàu tính đạo đức. Tỉnh táo trước tàn tích của những tín ngưỡng tệ hại phi luân phá hoại chính cộng đồng của mình. Bọn trẻ sẽ nghĩ gì khi thấy cảnh giết chóc trong màn chém lợn? Học gì từ các cuộc đánh nhau sứt đầu mẻ trán được gán cho tên gọi “lễ hội truyền thống”?
Lá thư ngỏ về lễ hội chém lợn và hàng ngàn ý kiến phản đối lễ hội chém lợn đáng để Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và người dân sở tại suy ngẫm để gạn đục khơi trong sinh hoạt lễ hội.
Một sinh hoạt cộng đồng, một lễ hội thành công, không phải ở quy mô, số người tham dự hay doanh thu, mà chính là ở giá trị đạo đức đẹp đẽ mà nó đem lại cho con cháu của họ cũng như xung quanh.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao