Tin tức - Sự kiện

Đổi mới hoạt động công đoàn, hướng về người lao động

Đề án đổi mới công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam xây dựng, thể hiện mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn các cấp, theo hướng lấy đoàn viên và người lao động (NLĐ) làm trung tâm, để xác định nhiệm vụ, gắn liền lợi ích của hơn 9,2 triệu người. Trong đó, đáng chú ý là việc đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên sang phương thức hỗ trợ, phục vụ công đoàn cấp dưới.

Cần “lột xác” mạnh mẽ

Thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tiến hành khảo sát, lấy ý kiến từ những chuyên gia, cán bộ công đoàn, cán bộ quản lý doanh nghiệp (DN), NLĐ trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, đánh giá đúng, đầy đủ và xác đáng những hạn chế, nhằm khắc phục mạnh mẽ, ngày càng đổi mới công tác chăm lo quyền lợi của NLĐ. Trong đó, nổi lên những ý kiến tâm huyết, đầy trăn trở, trách nhiệm của những cán bộ công đoàn đã và đang gắn bó với tổ chức này.

Với hơn 80 năm hình thành và phát triển, mỗi một giai đoạn, công đoàn đều có những đổi mới nhằm phù hợp yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, những lần đổi mới trước đây chưa thật sự đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội, sự mong mỏi của đoàn viên, NLĐ. Từ cuối năm 2013, số lượng đoàn viên công đoàn khu vực ngoài nhà nước tăng đáng kể, chiếm tỷ lệ lớn, đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động công đoàn, môi trường hoạt động có sự thay đổi cơ bản. Chưa kể, việc ký kết, thực thi cam kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi hỏi công đoàn Việt Nam cần cuộc “lột xác” mạnh mẽ, nhằm làm tốt hơn vai trò bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ.

Đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Long An trao xe đạp tặng con em công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Đặng Quang Điều nhận định: Chúng ta cần thay đổi mô hình tổ chức từ mệnh lệnh hành chính, cứng nhắc, xa đoàn viên, NLĐ sang mô hình hỗ trợ công đoàn cơ sở, giảm bớt mệnh lệnh hành chính, mềm dẻo theo hướng ở đâu công đoàn cơ sở khó, ở đó có công đoàn cấp trên hỗ trợ, ở đâu công nhân khó, tổ chức công đoàn có mặt kịp thời. Công đoàn Việt Nam buộc phải tự nâng cao năng lực, đổi mới mạnh mẽ để làm tốt vai trò, nhiệm vụ và trở nên “hấp dẫn” hơn đối với NLĐ, trở thành tổ chức chính danh thật sự của NLĐ. Nếu không làm được điều này, NLĐ sẽ “quay lưng” và chúng ta sẽ “thua ngay trên sân nhà”.

Nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Thắng cho rằng, hệ thống công đoàn cũng như cán bộ công đoàn cần quán triệt lại tinh thần: Công đoàn là một tổ chức tập hợp những con người nhiệt tình, tâm huyết, hiểu biết pháp luật, sâu sát, kịp thời chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ.

Công đoàn là tổ chức đại diện của NLĐ chứ không phải lãnh đạo họ. Đồng chí Nguyễn Đình Thắng nhận định, thời gian qua, tuy điều kiện, tiềm lực còn có hạn, nhưng tổ chức công đoàn đã làm tốt chức năng chăm lo cho công nhân, lao động (CNLĐ). Tuy nhiên, trong tình hình mới, khi quan hệ lao động (QHLĐ) ngày càng nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp, công đoàn phải đặt nhiệm vụ bảo vệ NLĐ lên trên chức năng chăm lo, mới có thể giải quyết căn bản những bức xúc trong QHLĐ.

Nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Hoàng Đình Chúc cho rằng: Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cần phân công ủy viên Đoàn chủ tịch thường xuyên xuống cơ sở đánh giá hoạt động công đoàn của từng loại hình công đoàn trong từng loại hình DN, nhằm tìm hiểu, nắm bắt, tổ chức lại các mô hình hoạt động công đoàn cơ sở phù hợp, để có thể chăm lo, bảo vệ tốt hơn tới từng đoàn viên. Nếu thiếu bám sát thực tế, chỉ nắm bắt tình hình qua các báo cáo, không chịu khó lắng nghe công nhân nói thẳng nói thật, sẽ không thể tìm ra cách thức chăm lo và bảo vệ quyền lợi sát sườn cho họ được.

Lãnh đạo Công đoàn Giao thông vận tải thăm hỏi đời sống ăn ở, sinh hoạt của công nhân ngành cầu đường.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay bộ máy của công đoàn còn cồng kềnh, hiệu quả hoạt động chưa cao. Bên cạnh việc biên chế cán bộ còn eo hẹp, lại phải thực hiện nhiều nhiệm vụ ngoài QHLĐ, khiến tiêu hao nhiều nguồn nhân lực, nguồn vốn, nhất là đối với công đoàn cấp trên cơ sở. Bên cạnh đó, hoạt động của công đoàn ngành, công đoàn tỉnh đôi lúc còn chồng chéo. Đã đến lúc cần làm rõ nhiệm vụ của công đoàn ngành và công đoàn địa phương, tránh tình trạng cả hai bên chỉ tập trung chăm lo phong trào, hoạt động phối hợp địa phương, mà sao lãng việc bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ. Công đoàn địa phương cần tập trung theo hướng chăm lo an sinh xã hội cho NLĐ trên địa bàn.

 

Tạo sự khác biệt về quyền lợi của đoàn viên

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi vai trò đại diện của tổ chức công đoàn càng phải được tăng cường. Để làm tốt nhiệm vụ này, tổ chức công đoàn cần có đội ngũ cán bộ giỏi nghiệp vụ, vừa làm tốt vai trò tập hợp, vừa đại diện và bảo vệ quyền lợi NLĐ. Tuy nhiên, thực tế, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn hiện nay, nhất là công đoàn cơ sở còn nhiều bất cập nên khi tổ chức công việc, xử lý các tình huống phức tạp liên quan QHLĐ có phần bị động, lúng túng, chưa làm tốt vai trò bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, NLĐ, dẫn tới mâu thuẫn kéo dài trong QHLĐ, tiến tới các cuộc đình công, nghỉ việc tập thể...

Nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Chiến cho rằng, cán bộ công đoàn phải là một người thật sự xứng đáng với hai chữ “thủ lĩnh” của phong trào CNLĐ. Họ phải là người được NLĐ lựa chọn và bầu lên, chứ không phải do chủ DN hay công đoàn cấp trên lựa chọn, chỉ định. Theo đồng chí, cán bộ công đoàn nên chia thành ba loại: Lãnh đạo công đoàn, điều hành và giúp việc. Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh, cán bộ công đoàn phải đi lên từ cơ sở thì mới thấu hiểu những khó khăn vất vả của NLĐ, mới có thể chia sẻ đến tận cùng tâm tư, nguyện vọng của họ.

Trong hầu hết các hội nghị, hội thảo gần đây, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường luôn trăn trở việc công đoàn phải làm gì để tạo sự khác biệt về quyền lợi của đoàn viên, để bản thân họ thấy khi tham gia tổ chức công đoàn, họ nhận được quyền, lợi ích gì chứ không phải chỉ để đóng đoàn phí và chờ tới lễ, Tết được tặng quà hoặc thăm hỏi khi ốm đau.

Đồng chí Bùi Văn Cường khẳng định: Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn Việt Nam là yêu cầu nội tại của tổ chức, phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại lợi ích cho NLĐ. Thí dụ, việc tăng cường xây các siêu thị công đoàn ngay tại các khu chế xuất, khu công nghiệp với giá cả hàng hóa hợp lý, ưu đãi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để NLĐ tan ca là có thể mua được ngay. Lắp đặt các ca-bin trữ sữa cho lao động nữ có con nhỏ tại các DN. Vận động DN xây ký túc xá giá rẻ cho công nhân thuê...

 

Hướng tới bảo vệ, chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn là sự đổi mới cả về hình thức và nội dung đề án Tổng LĐLĐ Việt Nam đang xây dựng. Theo đó, tập trung đổi mới tổ chức công đoàn ở khu vực ngoài nhà nước, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở; giảm bớt cơ cấu tổ chức trung gian ở công đoàn cơ sở; nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn cấp huyện có quy mô từ năm nghìn đoàn viên trở lên, công đoàn khu công nghiệp, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở của các tập đoàn kinh tế tư nhân; sắp xếp, đổi mới tổ chức của công đoàn ngành trung ương, bảo đảm tính đại diện rộng rãi, xuyên suốt trên phạm vi toàn quốc.

Được biết, tới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tập trung nâng cao quyền lợi của đoàn viên và coi đây là một nội dung cần đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của các cấp công đoàn. Đồng thời, đổi mới công tác quản lý để công đoàn thật sự là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tạo sức hút thu hút đông đảo người lao động đến với tổ chức công đoàn. Có thể thay đổi Thẻ đoàn viên công đoàn theo hướng, khi NLĐ có thẻ trong tay sẽ được nhận những ưu đãi, như: mua sản phẩm giảm giá, được mua, thuê nhà ở xã hội với mức giá hợp lý, ưu đãi, được hưởng thụ các thiết chế văn hóa thể thao tích hợp các chức năng phục vụ khác. Được giảm giá vé tàu, xe và một số dịch vụ sinh hoạt khác...

Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay" thực hiện trong 10 năm (2016 - 2025) chia thành ba giai đoạn. Theo đó, hai năm 2016 - 2017: phủ kín công đoàn, tập trung phát triển đoàn viên, tăng cường lợi ích kinh tế cho đoàn viên. Giai đoạn 2018 - 2023: Giữ vững, tăng cường sự gắn bó tự giác của đoàn viên với tổ chức công đoàn. Giai đoạn 2024 - 2025: Nâng cao bản lĩnh chính trị của đoàn viên.
Nên đọc
Theo Báo Nhân dân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo