Đổi mới thi tốt nghiệp chưa gắn với đại học
PGS.TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Bộ GD-ĐT nghiêng về phương án 4 môn thi tốt nghiệp chưa phải xuất phát từ lí do đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ.
Phương án thi tốt nghiệp không mới
Theo PGS.TS Lê Kim Long: Dự thảo phương án thi lần này hướng đến học sinh THPT cũng chưa có tính đổi mới gì. Tôi cho rằng nếu đổi mới cách thi thì chuẩn bị phải bắt đầu từ lớp 10: từ cách dạy cách kiểm tra, đánh giá trong 3 năm học để quyết định đổi mới cách thi tốt nghiệp theo cách đánh giá năng lực.
- Với phương án thi tốt nghiệp 4 môn (2 môn tự chọn, 2 môn bắt buộc) nếu được đồng thuận sẽ áp dụng trong năm 2014. Ông có lo học sinh học lệch?
Tôi đã từng dạy THPT chuyên. Ngày 30/3 hàng năm Bộ công bố các môn thi tốt nghiệp thì các trường đều mau chóng hoàn thành chương trình các môn không thi tốt nghiệp và thậm chí có nơi 1 tuần sau các môn không thi tốt nghiệp đều có điểm hết. Bộ có nhiều biện pháp chấn chỉnh hiện tượng này nhưng khó hạn chế việc này - đó là vấn đề sức ép tâm lý...
Khi áp lực thi cử còn nặng nề thì việc dạy và học theo cách đối phó là dễ hiểu. Con số 20% học sinh được miễn thi chỉ là mong muốn của Bộ. Tuy nhiên, Bộ chưa hình dung hết đối sách của các trường và giáo viên, học sinh. Liệu Lãnh đạo Bộ có mạnh dạn ra chỉ đạo mỗi trường không quá bao nhiêu phần trăm học sinh xếp loại giỏi.
- Vậy theo ông làm như thế nào để giảm áp lực thi cử ở kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Quan điểm của tôi đã học phải có thi, đánh giá, đã huấn luyện phải thử. Dù biết ít em trượt trong kỳ thi này nhưng vẫn cần làm. Nhưng tổ chức rầm rộ và tốn kém là không cần thiết. Thay vào đó phải làm sao vẫn đảm bảo nghiêm túc mà không rầm rộ, tốn kém.
Tôi tin rằng khi và chỉ khi ngành giáo dục giao quyền, trách nhiệm cho hiệu trưởng thì mọi việc sẽ tốt. Ta không áp tỉ lệ trượt đỗ bao nhiêu nhưng buộc nhà trường phải đảm bảo chất lượng thực. Nếu thống kê giám sát thấy có sai sót hiệu trưởng phải bị xử nghiêm, thậm chí mất chức.
Thời gian trước Bộ có yêu cầu các trường ĐH cử người hỗ trợ giám sát kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng do không hiệu quả nên đã dừng. Việc cán bộ, giảng viên các trường ĐH tham gia giám sát thi chỉ là làm theo thời vụ ít thực quyền. Chỉ khi nào hiệu trưởng các trường THPT, lãnh đạo các Sở GD-ĐT nghiêm túc, chỉ đạo quân dưới làm nghiêm kỉ luật thi cử thì chắc chắn làm được.
Chưa gắn với đổi mới thi đại học
- Cơ sở nào để ông cho rằng, phương án đổi mới thi tốt nghiệp Bộ GD-ĐT đưa ra không phải xuất phát từ đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ?
Kiểm tra, đánh giá của Việt Nam vẫn bị thế giới đánh giá chưa hoàn chỉnh, thậm chí có người cực đoan cho rằng chỉ mới sơ khai hình thành hệ thống. Ta chỉ kiểm tra kết quả học tập. Kiểm tra đánh giá còn có tác dụng thúc đẩy học tập hoặc có thể coi nó là chính là quá trình học tập.
Nhưng đừng cực đoạn qua việc phủ nhận kỳ thi 3 chung. Khi tổ chức thi “3 chung”, tôi cho rằng em đạt 30 điểm vẫn giỏi hơn em 25 điểm. Kỳ thi dù sao vẫn có tính phân loại trên thước đo chung.
Đừng vội vàng kết luận đề thi ĐH, CĐ chỉ đánh đố, kiểm tra ghi nhớ. Với các môn KHXH tôi không dám đánh giá nhưng những môn KHTN như Toán, Lí Hóa, Sinh tôi chắc chắn các em phải sử dụng kiến thức, kỹ năng và có năng lực mới đạt điểm cao. Trong đề có câu dễ và có những câu khó mà em nào giỏi thực sự mới làm được.
Vài năm trước điểm sàn ĐH là 13 nhiều trường ngoài công lập tuyển không đủ người học. Năm vừa rồi điểm sàn vẫn vậy, nhiều người nói mức độ khó của đề thi được giảm nhẹ số TS đạt điểm trên sàn thừa đủ để tuyển nhưng các trường ngoài công lập và các trường cao đẳng, trung cấp nghề vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Vậy thì vấn đề không phải ở chuyện điểm sàn đó nữa rồi mà là vấn đề chính sách phân luồng đào tạo.
Vấn đề đặt ra là hệ thống đại học đã thực sự có đào tạo dựa trên năng lực hay không. Hệ thống đào tạo đại học đảm bảo người vào rồi nếu không đủ năng lực và không đạt tiêu chí học tập sẽ bị out (loại) không. Nếu được như vậy thì khỏi cần kiểm tra nữa vì hệ thống của anh đủ sức thải loại người không đủ năng lực rồi. Hiện nay việc học ở THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ - học ở bậc đại học ở Việt Nam còn quá vênh nhau.
Khi là số ghế trong các trường ĐH-CĐ không đủ cho mọi người thì phải thi để chọn người tốt nhất trong số những người muốn vào học ở trường ĐH-CĐ đó. Kỳ thi này đối với các nước châu Á bao giờ cũng rất quyết liệt.
- Ông có đề xuất gì giải quyết khó khăn đặt ra?
Khi còn là phó Trưởng Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội tôi đã đề xuất việc thay đổi thi cử, tuyển sinh từ 3 năm trước. Ta không làm khác được thì làm giống một vài nơi người ta đã làm khá ổn định rồi.
Nếu ta muốn đổi mới tuyển sinh, các trường và những người làm tuyển sinh phải xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng.
Ở Việt Nam, muốn làm được đổi mới tuyển sinh thì việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH, CĐ. Tiến tới đánh giá, phân tầng, xếp hạng các trường THPT rất cần thiết. Sau đó mới tính tới các bước tiếp theo được.
Theo tôi, trong tình hình hiện nay việc thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn có kỳ thi 3 chung do Bộ tổ chức trong vài năm tới. Phương án tuyển sinh của các trường muốn có thay đổi cần phải được xây dựng, Bộ phê duyệt và theo lộ trình hợp lý.
- Xin cảm ơn ông!
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo