Đời sống

10 năm trắng tay khi đưa vợ "tay hòm chìa khóa"

"Chúng tôi không tích cóp được gì sau chừng ấy năm chung sống. Mà tôi đâu phải là người không kiếm được tiền".

Ngon 'ngất ngây' với món thịt xá xíu chuẩn vị như nhà hàng / Tàu hũ khìa nước dừa đậm vị cho bữa cơm cuối ngày

Anh Hoàng Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể lại trong tiếc nuối. "Mỗi tháng tôi đưa vợ 15 triệu, lương người giúp việc tôi cũng đã trả, vậy mà tháng nào cũng chỉ được 20 ngày là vợ kêu hết tiền và bắt tôi đưa thêm. Vợ tôi 25 tuổi, kém tôi 6 tuổi, chúng tôi cưới nhau đến nay đã 10 năm mà không tích cóp được gì. Vợ làm cơ quan nhà nước, lương mỗi tháng chưa được 3 triệu đồng. Tôi làm kinh doanh, thu nhập cũng ổn, vợ chồng tôi có nhà riêng tại một quận ở TP HCM, thuê giúp việc.

Tôi thắc mắc tiền tôi đưa đâu hết thì cô ấy cứ bảo nhà có con nhỏ, tiền bỉm, tiền sữa tốn kém. Tôi bảo cô ấy ghi các khoản ra để tôi xem chi tiêu những gì, có cần điều chỉnh không thì cô ấy không ghi, nói không có thời gian và không nhớ hết. Cô ấy còn nói vì không nhớ, nếu tôi cứ hỏi thì sẽ giao cho tôi việc đi chợ. Thế nhưng tôi biết rõ cô ấy rất hoang phí. Không tháng nào cô ấy không có quần áo mới, đồ ăn ngon đầy, có khi bỏ thối không đụng đến, các loại thuốc thực phẩm chức năng có lúc phải bỏ đi vì hết hạn... Vợ tôi rất hoang phí. Bình thường tôi chẳng để ý nhưng khi công việc tôi gặp khó khăn, lúc cần tiền hỏi ra thì vợ đưa cho có vài chục triệu. Bạn hình dung xem, 10 năm tích cóp được có vài chục triệu thì thử hỏi tiền đi đâu hết?".

Cũng vì chuyện đó mà vợ chồng anh trục trặc liên tục. Chị thì cho rằng mình đúng, không hoang phí, toàn thứ cần thiết. Anh thì cho rằng vợ không biết chi tiêu.

Ảnh minh họa.

Cùng chung cảnh ngộ, khi cần tiền anh Ngọc, công nhân khu chế xuất Tân Thuận, TP HCM, không thể rút tiền ra khỏi "ngân hàng của vợ". Mọi thứ sẽ chẳng có gì phải bàn kể từ ngày đứa con chào đời. Tính từ lúc đó vợ chồng anh luôn rơi vào trạng thái cạn kiệt những ngày cuối tháng. "Làm được bao nhiêu tôi đưa hết cho vợ. Tăng ca các kiểu tôi cũng bỏ được hơn 10 triệu về cho vợ giữ. Hai vợ chồng cùng cảnh khó khăn nhưng vợ tôi còn có tính thích làm bánh. Cứ thế đồ làm bánh cô ấy mua về không tiếc. Mà toàn đồ đắt. Mỗi tháng cô ấy rước về một thứ. Nói ra thì bảo không hết bao nhiêu nhưng trong bối cảnh con còn nhỏ, nhà cửa chưa đâu vào đâu, mà vợ tôi cứ chạy theo ý thích thì tiền rơi rụng là đúng rồi". Anh Ngọc chia sẻ.

Có lúc, anh còn đâm nghi ngờ vợ: “Rõ ràng tiền chồng đưa vợ, đóng tiền nhà và lo cho con còn dư, không hiểu vợ chi tiêu kiểu gì hay giấu chồng mang về lo cho bố mẹ”, anh Ngọc thắc mắc. Còn vợ anh, chị Nga thì phân bua: “Vợ cũng chẳng hiểu sao lại hết nhiều tiền thế, thỉnh thoảng cuối tuần, đi siêu thị mua ít đồ dùng, vài đám cưới, đám thôi nôi ở nhà bạn bè thôi mà”.

Để giải quyết mâu thuẫn gia đình liên quan đến tài chính, theo chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thúy Hằng trả lời trên một trang báo thì điều đầu tiên vợ chồng cần ngồi lại cùng nhau xem xét lại tất cả chi tiêu từ nhu cầu sinh hoạt, thói quen chi tiêu cũng như các nguồn thu của gia đình. Đặc biệt, người chồng có thể tìm hiểu kĩ hơn về cuộc sống trước đây của vợ liên quan đến việc sử dụng tiền bạc. Việc tiêu xài hiện tại của vợ là do thói quen trước đây hay chỉ xuất hiện khi lập gia đình? Có nhiều trường hợp người vợ cô đơn, gặp khó khăn trong việc chia sẻ với chồng con trong gia đình thì tìm đến việc mua sắm trang phục, trang sức bên ngoài để thu hút sự chú ý, ngưỡng mộ, thừa nhận của những người xung quanh. Vợ đã bao giờ tâm sự với bạn về những điều trong cuộc sống? Bạn đã thật sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu những suy nghĩ của vợ mình?...

Sau khi suy xét lại tất cả, các bạn nên có một cuộc trao đổi thẳng thắn, cụ thể về vấn đề chi tiêu trong gia đình. Nên động viên và cùng nhau đi đến thống nhất là đưa ra giải pháp chung mà cả hai có thể chấp nhận được. Cái chính yếu là giúp vợ hiểu ra được cái khó khăn của việc kiếm ra đồng tiền cũng như ý nghĩa của việc chi tiêu tiết kiệm trong cuộc sống.

Còn theo chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, (TP HCM), thì trong gia đình, không nên ấn định người vợ phải là tay hòm chìa khóa mà ai có khả năng quản lý thu chi tốt hơn thì có thể giữ vai trò này. Thường khúc mắc xảy ra khi hai bên không có được tiếng nói chung và không đồng ý cho người kia "cầm chịch". Và khi hai vợ chồng không đồng ý về một cách giữ tiền chung thì có thể áp dụng việc tiền ai nấy giữ và mỗi người góp một phần vào quỹ chung hoặc phân chia mỗi người lo vài khoản nhất định. Tuy nhiên, nên thực hiện việc này như một cuộc đua xem ai quản lý có hiệu quả hơn và cả hai đều được biết kết quả của nhau. Trong mọi trường hợp, dù ai là người giữ tiền thì người kia cũng cần quan tâm và biết rõ các khoản thu để cùng có kế hoạch và mục tiêu cho tương lai gia đình.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm