Căn bệnh ung thư dạ dày của ba anh em bắt nguồn từ thói quen không thích ăn rau xanh và tiêu thụ một lượng lớn đồ ngâm, đồ muối trong bữa ăn hàng ngày.
Mới đây, bệnh viện Shao Yifu (Bệnh viện liên kết với Trường Y của Đại học Chiết Giang, tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc) đã tiếp nhận 3 trường hợp đều mắc ung thư dạ dày. Đó là ông Lao Hoàng – 65 tuổi, Đại Hoàng – 58 tuổi và Hiếu Hoàng – 45 tuổi, điều đáng nói là cả 3 người này đều là anh em ruột.
Người đầu tiên phát hiện bệnh là ông Lao Hoàng, làm nghề kinh doanh đồ gỗ và có cuộc sống bận rộn nhất trong 3 anh em. Từ nửa cuối năm ngoái, ông Lao đã nhận ra bụng mình thường xuyên khó chịu, không đau mà cảm giác như bị đầy hơn. Ban đầu ông nghĩ là do mình đã già. Khi những dấu hiệu này xuất hiện nhiều hơn, ông mới đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ kết luận, ông Lao bị ung thư dạ dày giai đoạn 3.
Sau khi nghe tất cả các triệu chứng bệnh của anh cả, hai người em là Đại Hoàng, Hiếu Hoàng bỗng thấy giật mình vì bản thân cũng có những biểu hiện tương tự.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hai người em cũng đã mắc ung thư dạ dày.
Nguyên nhân gì khiến cho cả ba người cùng mắc một chứng bệnh nguy hiểm như vậy?
Ban đầu, bác sĩ nghi ngờ do yếu tố di truyền. Tuy nhiên, sau khi quan sát thói quen ăn uống của cả nhà, họ đã phát hiện ra nguyên nhân thực sự.
Bác sĩ Yến Gia, phó khoa phẫu thuật tổng quát tại Bệnh viện Shao Yifu trong một lần ghé thăm nhà của ba anh em đã phát hiện điểm bất thường trong thói quen ăn uống của họ. Mâm cơm của họ rất phong phú, có tới 4-5 loại thức ăn khác nhau nhưng hầu hết đều là đồ ngâm, đồ muối, tuyệt nhiên không có rau xanh. Khi được hỏi, 3 anh em thú nhận từ trước đến nay cả 3 đều ghét ăn rau, họ thích hương vị đậm đà của những món đồ muối hơn.
Đây chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư dạ dày của cả ba anh em. Các nghiên cứu của Nhật Bản đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc ung thư dạ dày có mối liên quan với lượng muối trong chế độ ăn. Mà trong rau củ ngâm, đồ muối đều chứa hàm lượng muối rất cao.
Ba anh em họ Hoàng đã phải trải qua phẫu thuật và điều trị ung thư dạ dày tại Bệnh viện Shao Yifu. Bệnh nhân may mắn nhất là Hiếu Hoàng vì ông là người duy nhất trong ba anh em không cần hóa trị.
Thực phẩm ngâm muối mặn có thể gây ung thư
Các loại thực phẩm ngâm, muối mặn như kim chi và dưa cải được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, thực phẩm được bảo quản hoặc trái cây và rau quả lên men có chứa thành phần muối cao.
Thực phẩm nhiều muối có thể phá hủy niêm mạc dạ dày, trong khi nitrat trong các sản phẩm muối có thể bị phân hủy thành nitrite và nitrosamine gây ung thư mạnh thông qua hoạt động của vi khuẩn, nitrite và nitrosamine có thể gây ung thư ở niêm mạc dạ dày.
Đặc biệt, nitrosamine có khả năng gây ung thư mạnh, chủ yếu gây ung thư thực quản (ung thư tiêu hóa), ung thư dạ dày (thuốc tiêu hóa), ung thư gan và ung thư đại trực tràng.
Tuy nhiên việc ăn dưa muối, kim chi sẽ an toàn nếu bạn ăn khi chúng đã được muối kỹ vì khi dưa hay cải được muối lâu sẽ giảm dần nitrite. Các nghiên cứu cho thấy thực phẩm ngâm chỉ nên được ăn trong khoảng thời gian từ 6-10 ngày để tránh nấm mốc phát triển.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư dạ dày
Dấu hiệu ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, có thể nhầm lẫn với các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu thông thường. Ở giai đoạn tiến triển ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng sau:
- Đau bụng: thường là triệu chứng gợi ý đầu tiên, đau dai dẳng vùng thượng vị (phía trên rốn). Thời gian đầu đau có thể giảm sau khi ăn, sau đó đau liên tục.
- Ợ hơi: Ợ hơi có thể gặp sau khi ăn no, ăn đồ cay nóng hoặc uống nước có gas nhưng nhanh chóng mất đi. Nếu ợ hơi liên tục có thể là triệu chứng của ung thư dạ dày.
- Gầy sút cân: Chán ăn, không có cảm giác thèm ăn dẫn tới sút cân hoặc cũng có thể sút cân không rõ nguyên nhân.
- Buồn nôn và nôn: nôn và buồn nôn kèm theo chán ăn, ợ chua có thể là triệu chứng của ung thư dạ dày.
- Nôn hoặc đi ngoài phân đen: ung thư dạ dày có thể gây xuất huyết tiêu hóa dẫn đến nôn máu hoặc đi ngoài phân đen (xuất huyết dạ dày rất nhiều có thể đi ngoài phân máu đỏ tươi, là một dấu hiệu nguy hiểm).
- Nuốt nghẹn: Khối u gần tâm vị hoặc đoạn nối tâm vị - thực quản có thể gây nuốt nghẹn.
Theo Thanh Huyền/Khỏe & Đẹp
Ảnh minh họa