5 loại rau dại quen thuộc, được lương y trân trọng như những vị thuốc quý
DNVN - Trong kho tàng y học cổ truyền, có không ít loại cây cỏ mọc dại ven đường, trong vườn hay bờ ruộng lại chính là những “vị thuốc giấu mình” quý báu. Không chỉ góp mặt trong bữa ăn dân dã, những loại rau dưới đây từ lâu đã được các lương y tin dùng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý thường gặp.
Nếu phát hiện tủ lạnh bị đóng băng, hãy xử lý ngay kẻo tiền điện tăng cao / Sau khi dùng máy giặt, nên mở cửa hay đóng nắp lại? Nhiều người không biết câu trả lời và vẫn làm sai
1. Rau Sam – “Nhân sâm bình dân” giải nhiệt, kháng viêm
Rau sam (tên dược: Mã xỉ hiện) là loại cây ưa ẩm, mọc phổ biến ở nhiều nơi. Vị chua, tính hàn, rau sam đi vào ba kinh tâm – can – tỳ và có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, sát trùng. Y học cổ truyền thường dùng rau sam để chữa các bệnh ngoài da như lở ngứa, hắc lào, hoặc các chứng rối loạn tiêu hóa như kiết lỵ, giun sán, tiểu buốt.
Theo nghiên cứu hiện đại, rau sam chứa nhiều axit hữu cơ và muối kali giúp lợi tiểu, hỗ trợ đào thải độc tố ra ngoài cơ thể. Đặc biệt, một số hợp chất trong rau sam còn có khả năng làm co mạch, kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị bệnh lỵ hiệu quả.
Lưu ý: Người tỳ vị hư hàn hoặc đang tiêu chảy nên hạn chế dùng.
2. Diếp Cá – Kháng khuẩn, lợi tiểu và hỗ trợ điều trị trĩ

Rau diếp cá.
Diếp cá là loại rau sống quen thuộc có vị chua nhẹ, mùi đặc trưng và tính hàn. Trong y học cổ truyền, diếp cá có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc, lợi tiểu. Loại rau này thường được dùng để chữa mụn nhọt, viêm phổi, viêm mắt đỏ, sởi ở trẻ em hay rối loạn kinh nguyệt.
Dân gian còn truyền nhau bài thuốc giã nát diếp cá đắp lên vùng tụ máu hay nấu nước để rửa và xông khi bị trĩ. Thành phần quercetin và các hợp chất flavonoid trong diếp cá được chứng minh có khả năng kháng khuẩn mạnh, giúp làm lành mô tổn thương.
3. Rau Dền Cơm – Mát gan, sáng mắt và chống viêm hiệu quả
Loại rau dân dã này không chỉ dễ trồng mà còn giàu dưỡng chất như vitamin B, C, PP và carotene. Rau dền cơm được biết đến với công dụng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị mụn nhọt, kiết lỵ. Hạt dền cơm còn có thể sắc uống giúp ích khí, mát gan, hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt và gan.
Ngoài ra, rau dền đỏ – họ hàng của dền cơm – cũng có nhiều công dụng y học. Vỏ cây dền sắc uống giúp điều hòa kinh nguyệt, lá cây chữa đau nhức xương khớp, còn vỏ cây tán bột hoặc ngâm rượu được dùng làm thuốc bổ, trị sốt rét.
4. Rau Má – “Thần dược” làm đẹp da, mát gan, bổ não

Rau má.
Rau má (tên khác: Tích tuyết thảo) từ lâu đã nổi tiếng với khả năng thanh nhiệt, giải độc, làm lành vết thương và cải thiện tuần hoàn máu. Với vị đắng nhẹ và tính mát, rau má không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn hỗ trợ điều trị say nắng, viêm gan, viêm amidan, đau dạ dày, tiểu đường, thậm chí cả trầm cảm và suy giảm trí nhớ.
Đặc biệt, nhờ khả năng thúc đẩy sản sinh collagen, rau má còn được chị em tin dùng trong làm đẹp: giúp da mịn màng, giảm mụn và làm mờ sẹo.
5. Ngải Cứu – Vị thuốc đa năng điều hòa khí huyết, giảm đau
Ngải cứu – loài cây thân thuộc với mọi nhà – là bài thuốc không thể thiếu trong kho tàng trị liệu của Đông y. Có vị đắng, tính ấm, ngải cứu giúp điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng do hàn, an thai và cầm máu (chữa thổ huyết, chảy máu cam).
Ngoài ra, ngải cứu còn rất hiệu quả trong điều trị các bệnh đường tiêu hóa, đau bụng, cảm cúm, sốt rét. Người ta thường sắc nước ngải cứu để uống hoặc dùng ngâm chân, xông hơi, thậm chí giã đắp ngoài da khi bị đau nhức, bong gân.
Dù chỉ là những loại rau mọc hoang ngoài vườn, ven đường, nhưng chúng lại chứa đựng giá trị dược liệu đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, người dùng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi áp dụng để đảm bảo phù hợp với thể trạng và bệnh lý cá nhân.
Như Ý (t/h)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo
Rau sam.