Đời sống

7 lợi ích của việc uống nước chanh mỗi ngày và một số lưu ý về sức khỏe

Nước chanh là thức uống được ưa chuộng bởi công dụng thanh nhiệt, giải khát trong những ngày hè nóng nực. Không chỉ vậy, nhiều người còn uống nước chanh mỗi ngày và cho rằng loại đồ uống này còn có nhiều tác dụng hơn thế. Để tìm hiểu thêm về thói quen này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

2 cách ngâm chanh trị ho trong ngày giao mùa / Nhìn mâm cơm đạm bạc khó nuốt, tôi định pha nước chanh đường đá để nhâm nhi và rồi "hóa đá" khi nhìn thứ bên trong ngăn tủ

Nước chanh từ lâu đã nổi tiếng là loại thức uống vừa dễ pha, vừa đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy vậy, phần lớn người dân chỉ coi nước chanh như một loại thức uống giải khát, hạ nhiệt cơ thể và thỉnh thoảng dùng để chữa một số bệnh. Trong những năm trở lại đây, nhận thức này đã thay đổi, và nhiều người đã bắt đầu sử dụng nước chanh như 1 loại thức uống hàng ngày cho gia đình. Cộng đồng ăn uống lành mạnh cũng đã nhanh chóng truyền tai nhau nhiều tác dụng tích cực của nước chanh và áp dụng việc uống nước chanh hàng ngày để nâng cao sức khỏe.

1. Thành phần dinh dưỡng của nước chanh

Thành phần dinh dưỡng của nước chanh chủ yếu phụ thuộc vào các nguyên liệu được sử dụng trong quá trình pha chế. Các loại nước chanh đóng chai bán sẵn thường chứa hàm lượng đường rất cao (có thể lên tới 30g/250ml) cùng nhiều các thành phần hóa học khác. Nếu bạn pha nước chanh tại nhà và sử dụng chất tạo ngọt tự nhiên thay cho đường, thêm các nguyên liệu khác hoặc sử dụng nước cốt chanh làm sẵn để pha; thành phần dinh dưỡng của nước chanh cũng sẽ thay đổi.

Tuy nhiên, tất cả các loại nước chanh đều có chứa các thành phần chính như vitamin C, flavonoid và nhiều hóa chất thực vật khác. Trong số đó, các chất chống oxy hóa như quercetin, naringenin, hesperidin có vai trò đặc biệt quan trọng và mang lại cho nước chanh nhiều công dụng tích cực đối với sức khỏe.

2. Tác dụng của việc uống nước chanh mỗi ngày
2.1. Giải khát, bổ sung nước

Theo các tổ chức về dinh dưỡng và sức khỏe trên thế giới, mỗi người nên bổ sung từ 2.7-3.7 lít nước mỗi ngày để đảm bảo các hoạt động của cơ thể diễn ra bình thường. Ngoài các nguồn quen thuộc như đồ ăn, nước uống thông thường, bạn cũng có thể bổ sung nước cho cơ thể thông qua việc uống nước chanh hàng ngày. Thêm nước cốt chanh cùng các nguyên liệu khác vừa giúp tăng hương vị cho nước uống, vừa bổ sung nước và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Trong trường hợp khát nước, mệt mỏi, bạn có thể pha và uống 1 cốc nước chanh muối để giải khát tức thì và giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.

7 lợi ích của việc uống nước chanh mỗi ngày và một số lưu ý về sức khỏe - Ảnh 1.

Nước chanh muối là loại thức uống giải khát bổ sung chất điện giải cho cơ thể (Nguồn: Internet)

2.2. Bổ sung chất chống oxy hóa cho cơ thể

Chanh là nguồn vitamin C tự nhiên dồi dào và có khả năng đáp ứng tới 34% khẩu phần hàng ngày. Khi đi vào cơ thể, vitamin C cùng các flavonoid thực vật đóng vai trò là chất chống oxy hóa có tác dụng ức chế sự phát triển và tác hại xấu của các gốc tự do trong cơ thể. Bên cạnh đó, các dưỡng chất này cũng giúp điều hòa hệ thần kinh và điều tiết nhiều quy trình sinh học quan trọng khác diễn ra trong cơ thể.

Để bổ sung hàm lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể, bạn nên pha nước chanh tại nhà thay vì mua các loại nước chanh đóng chai. Lý do là bởi những loại nước chanh được làm sẵn thường chứa nhiều nguyên liệu tổng hợp và rất ít chiết xuất chanh tự nhiên nên không có nhiều dưỡng chất. Pha nước chanh tại nhà vừa đơn giản, lại vừa đảm bảo dưỡng chất mà không làm tốn của bạn quá nhiều thời gian.

2.3. Hỗ trợ tiêu hóa

Đối với những người bị táo bón, ngoài việc sử dụng thuốc nhuận tràng, các bác sĩ còn khuyên nên uống nước chanh ấm vào buổi sáng. Lý do là bởi vị chua của nước chanh có tác dụng kích thích hoạt động trao đổi chất trong cơ thể và tăng cường chức năng tiêu hóa. Một khi cơ thể đã tiêu hóa hết phần thức ăn còn lại trong ổ bụng, bạn có thể yên tâm ăn bữa ăn tiếp theo mà không lo gặp phải tình trạng khó tiêu, tức bụng. Ngoài ra, quá trình tiêu hóa hiệu quả cũng sẽ hỗ trợ chức năng gan và giúp bạn nhanh chóng loại bỏ độc tố ra ngoài cơ thể.

2.4. Hỗ trợ giảm cân

Cơ thể người có tới 70% là nước, và tình trạng thừa cân thường phát sinh từ việc trữ nước và mỡ trong cơ thể. Uống nước chanh mỗi ngày sẽ giúp kích thích đi tiểu và giảm bớt phần nào lượng nước còn tồn đọng trong cơ thể. Bên cạnh đó, tác dụng kích thích trao đổi chất và hỗ trợ tiêu hóa của nước chanh cũng thúc đẩy quá trình đốt mỡ thừa và giúp bạn lấy lại vóc dáng nhanh chóng. Về lâu dài, các flavonoid thực vật có trong nước chanh sẽ phát huy công dụng cân bằng đường huyết, điều hòa huyết áp và giữ cho cân nặng của bạn ở mức ổn định.

7 lợi ích của việc uống nước chanh mỗi ngày và một số lưu ý về sức khỏe - Ảnh 2.

Hesperidin và polyphenol là các flavonoid đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn lấy lại vóc dáng (Nguồn: Internet)

 

Để tăng hiệu quả giảm cân, bạn nên kết hợp thói quen uống nước chanh hàng ngày với 1 chế độ ăn uống – tập luyện phù hợp.

2.5. Tăng cường sức khỏe cho làn da, chống lão hóa

Uống nước chanh hàng ngày là cũng là cách chăm sóc da được nhiều chị em tin dùng. Hàm lượng vitamin C dồi dào trong nước chanh là thành phần quan trọng giúp cơ thể tổng hợp collagen và L-carnitine. Đây là 2 loại chất đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích máu lưu thông và phục hồi tế bào, giữ cho da luôn trẻ đẹp và bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.

Ngoài ra, bổ sung nước cho cơ thể thông qua việc uống nước chanh mỗi ngày cũng giúp duy trì độ ẩm và tính đàn hồi cho da, ngăn ngừa tàn nhang, nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa khác.

2.6. Loại bỏ chứng hôi miệng, giúp hơi thở thơm mát

Khi nhai thức ăn, sẽ có những vụn thức ăn bị mắc lại ở các kẽ răng, lợi mà ngay cả bàn chải đánh răng cũng không thể loại bỏ được. Nếu không vệ sinh răng miệng sạch sẽ, vi khuẩn sẽ hình thành trong khoang miệng, gây ra nhiều bệnh lý về răng lợi và các vấn đề phiền toái như hôi miệng. Để đảm bảo vệ sinh sau khi ăn, bạn có thể uống nước chanh hoặc súc miệng bằng nước chanh để loại bỏ các vụn thức ăn còn sót lại. Sau đó, đánh răng như bình thường và dùng thêm chỉ nha khoa cho sạch.

Ngoài ra, vị chua của nước chanh cũng có tác dụng kích thích sản sinh ra nước bọt và cân bằng độ ẩm trong khoang miệng. Để loại bỏ cảm giác khô miệng và hơi thở khó chịu khi thức dậy, bạn có thể pha nước chanh uống vào sáng sớm trước khi thực hiện các hoạt động thường ngày khác.

 

2.7. Phòng ngừa các bệnh liên quan tới hệ bài tiết

Uống nước chanh mỗi ngày cũng là cách hữu hiệu để nâng cao hoạt động của hệ bài tiết và đào thải các độc tố ra ngoài cơ thể. Hàm lượng nước trong loại đồ uống này sẽ được cơ thể hấp thụ nhanh chóng và kích thích đi tiểu, giúp bạn loại bỏ các loại cặn, sỏi và giữ cho thận khỏe mạnh. Ngoài ra, phần axit citric có trong nước chanh cũng có tác dụng làm giảm tính axit của nước tiểu và giảm kích thước sỏi thận.

Để phát huy tác dụng này, bạn nên uống nước chanh vào sáng sớm hoặc chiều. Tránh uống quá nhiều nước chanh vào buổi tối vì có thể gây tiểu đêm và làm gián đoạn giấc ngủ.

3. Các tác dụng phụ và lưu ý khi uống nước chanh mỗi ngày
3.1. Tác dụng phụ của nước chanh việc uống nước chanh mỗi ngày

Nhìn chung, nước chanh tự nhiên được xếp vào loại thức uống an toàn, đặc biệt là khi sử dụng 1 cách có khoa học. Liều lượng được khuyên dùng là 1 cốc nước chanh đặc (250ml)/ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha loãng phần nước chanh này ra để thuận tiện cho việc uống nhiều lần trong ngày. Việc uống nước chanh quá liều lượng hoặc thiếu khoa học có thể dẫn đến những tác dụng phụ sau đây:

- Axit citric có trong nước chanh có khả năng làm mòn men răng và khô lưỡi, miệng khi tiếp xúc với khoang miệng. Để hạn chế hiện tượng này, bạn nên sử dụng ống hút để uống nước chanh và súc miệng với nước sạch sau khi uống.

- Nhiều người còn cho rằng nước chanh có tính axit cao và dễ dẫn đến hiện tượng ợ nóng, ợ chua khi đi vào đường tiêu hóa. Lâu ngày, bạn sẽ dễ gặp phải các bệnh lý về tiêu hóa, đặc biệt trào ngược dạ dày. Hiện tượng này đã được khoa học ghi nhận, nhưng cũng có những nghiên cứu khác chỉ ra rằng nước chanh lại mang tính kiềm khi đi vào cơ thể và có khả năng giảm các triệu chứng ợ nóng, ợ chua nói trên. Tác dụng này của nước chanh sẽ thay đổi tùy theo thể trạng, và cũng chưa có nghiên cứu đáng tin cậy nào đưa ra được kết luận rõ ràng về vấn đề này.

 

- Ngoài ra, nhiều người cũng gặp phải hiện tượng đi tiểu nhiều khi uống nước chanh hàng ngày. Đây không phải là tác dụng phụ trực tiếp của nước chanh, mà là do họ uống quá nhiều nước chanh, dẫn đến việc cơ thể hấp thụ nhiều nước gây tiểu nhiều lần.

3.2. Những đối tượng không nên uống nước chanh hàng ngày

Với những tác dụng phụ kể trên, những đối tượng sau không nên uống nước chanh hàng ngày:

- Những người gặp phải các bệnh lý về răng miệng cần kiêng uống nước chanh để không làm bệnh nghiêm trọng hơn.

- Các bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, dễ ợ chua, ợ nóng cần kiêng uống nước chanh để tránh gây ảnh hưởng xấu tới tình trạng bệnh. Những đối tượng này có thể uống các loại trà không/ít đường, sữa đậu nành hoặc các loại nước ép đào, táo, lê, … để thay thế cho nước chanh.

- Những đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai và cho con bú, những bệnh nhân mắc các bệnh về máu, những người đang chuẩn bị hoặc đang trong quá trình phẫu thuật, điều trị thuốc, … cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc nước chanh hàng ngày. Nếu cần thiết, có thể kiêng nước chanh trong 1 thời gian để đảm bảo sức khỏe.

 

4. Cách pha nước chanh để uống hàng ngày

Uống nước chanh hàng ngày sẽ giúp bạn tận dụng được những công dụng tích cực của nước chanh đối với sức khỏe. Cụ thể, bạn có thể uống nước chanh vào những thời điểm sau trong ngày:

- Vào lúc sáng sớm, khi vừa thức dậy, bạn có thể uống nước chanh để bổ sung nước cho cơ thể và làm sạch dạ dày trước khi tập thể dục và thực hiện các hoạt động khác trong ngày. Vào thời điểm này, nên lưu ý không cho quá nhiều nước cốt chanh để tránh làm ảnh hưởng xấu đến dạ dày.

- Sau các bữa ăn khoảng, bạn có thể uống nước chanh để hỗ trợ tiêu hóa và loại bỏ hơi thở hôi do mảng bám từ các loại thức ăn gây ra.

Vào buổi tối, bạn cũng có thể uống nước chanh để phát huy các công dụng chữa và phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, nên tránh việc uống nước chanh sát giờ ngủ để đảm bảo chất lượng cho giấc ngủ.

Với mỗi lần pha nước chanh, bạn sẽ cần 250ml nước tinh khiết và 1 nửa quả chanh. Bạn cũng nên ưu tiên việc vắt nước chanh tươi hơn là sử dụng các loại nước cốt chanh làm sẵn. Để bổ sung hương vị và dinh dưỡng cho nước chanh, bạn có thể thêm lá bạc hà, các loại siro, mật ong, gừng, quế, nghệ, … Ngoài ra, bạn còn có thể thái lát các loại quả khác như cam, dưa chuột, … để cho vào nước chanh.

 

Để tiện lợi cho việc pha chế, bạn có thể vắt nước cốt chanh vào khay làm đá trong tủ lạnh để chúng đông lại thành các viên đá nhỏ. Khi cần, bạn lấy 1 vài viên ra khỏi tủ, hòa vào nước nóng/lạnh tùy thích và thêm các nguyên liệu cần thiết mà không phải tốn nhiều công sức chuẩn bị. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha loãng nước chanh ra thành 1 bình lớn và bảo quản trong tủ lạnh để uống dần trong ngày.

Nước chanh là loại thức uống mà bạn có thể uống hàng ngày để giải khát và bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Để hạn chế tối đa những tác dụng phụ, hãy uống nước chanh 1 cách khoa học và bổ sung các nguyên liệu tự nhiên như mật ong, cỏ ngọt, … để cốc nước chanh hàng ngày thêm đậm đà hương vị và giàu dinh dưỡng. Hi vọng rằng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều tri thức quý giá về thói quen uống nước chanh mỗi ngày và cách áp dụng để nâng cao và bồi bổ sức khỏe cho gia đình mình.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm