Ăn cỗ lấy phần sẽ bị phạt: “Phạt nhau vì miếng ăn, chẳng hay ho chút nào”
Quảng Bình: Hy hữu cụ bà bị gà mổ mắt gây tổn thương nghiêm trọng / Nhiễm xoắn khuẩn khó phát hiện, bệnh nhân suýt chết
Ăn cỗ lấy phần mang về vốn là tập tục tồn tại ở một số địa phương thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam… Phần ở đây có thể là nắm xôi, quả trứng, miếng giò... mà ông bà hoặc bố mẹ mang về cho con cháu ở nhà.
Tuy nhiên, mới đây, trên mạng xã hội, một số tài khoản cá nhân chia sẻ thông tin tại một số xã như Giao Long, Giao Lạc của huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định) đang vận động xây dựng nếp sống văn minh trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, một số nơi có quy định các gia đình tổ chức cưới hỏi, cúng giỗ, tiệc tùng... chỉ làm cỗ đủ ăn, người đến ăn cỗ không được lấy phần về.
Điều đáng nói là quy định này được đưa vào hương ước và nhà nào có cỗ bàn phải đặt cọc 2 - 3 triệu cho chính quyền địa phương. Nếu để cho khách đến ăn cỗ mang phần về thì sẽ không được trả lại số tiền đó (coi như tiền phạt).
Ông Trần Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Giao Long (Giao Thủy, Nam Định) cũng xác nhận, tại địa phương đang thực hiện cuộc vận động văn minh trong cưới xin và sẽ xử phạt nếu gia đình nào để khách đến ăn cỗ lấy phần. Theo đó, xã yêu cầu gia đình chuẩn bị có cỗ cưới phải đặt cọc số tiền 3 triệu đồng và mức tiền này do chính quyền xã tự đặt ra để răn đe người dân.
Sau khi câu chuyện trên được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều tranh luận trái chiều đã nổ ra. Người ủng hộ cho rằng, đời sống ngày nay đã nâng cao, không ai thiếu ăn thiếu mặc như ngày xưa... nên việc bỏ tục ăn cỗ lấy phần mang về là đúng, xây dựng một nếp sống văn minh. Người phản đối lại đưa lý lẽ, đây một phong tục đẹp đẽ xuất phát từ tấm lòng của gia chủ đối với khách nên không thể cấm đoán.
Anh Đỗ Hữu Việt – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam bày tỏ: “Tục ăn cỗ lấy phần có lẽ xuất phát từ những bữa cơm ăn không đủ no, những ngày tháng khó khăn cùng cực, những năm nạn đói hoành hành hoặc để thể hiện tình cảm của của người lớn khi đi ăn cỗ nhớ đến những người thân ở nhà đang mong ngóng mình.
Chuyện gói phần mang về khi đi ăn cỗ đã trở thành một tập tục của một bộ phận người Việt. Các cụ vẫn thường bảo “Được ăn, được nói, được gói mang về” là vậy.
Dĩ nhiên, phần mang về ở đây không phải là đòi bên chủ nhân bữa cỗ phải để thêm những phần khác để khách cầm về mà là khách chủ động dọn dẹp thức ăn còn thừa lại trên mâm mình ăn để tránh lãng phí. Tục ăn cỗ lấy phần gợi cho chúng ta nhớ đến nét đẹp “nhường cơm sẻ áo” của người Việt, có miếng ngon thì cùng sẻ chia, có hoạ nạn thì cùng gánh vác”.
Chị Vân Nguyễn – Phú Quốc chia sẻ, ăn cỗ lấy phần về không phải phổ biến ở tất cả mọi địa phương mà nó chỉ phổ biến ở một số địa phương như: Thái Bình, Nam Định... Chị cho rằng, đó là một nét văn hóa riêng không có gì là xấu cả, mỗi địa phương đều có nét văn hóa của riêng mình.
“Ta cứ coi như điều đó là nét văn hóa riêng của hai tỉnh đó vậy ta nên tôn trọng, đừng nên hà khắc quá. Để chạy theo trào lưu đổi mới mà quên đi quá khứ sao?”, chị Vân nói.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, ông xem việc người lớn đi ăn cỗ lấy phần mang về cho trẻ là một thói quen, một nét đẹp đượm văn hoá làng quê.
“Cái này tuỳ thuộc vào tập quán của mỗi làng quê chứ không hẳn vì lòng tham đâu. Mặc dù bây giờ đời sống không còn khó khăn như ngày xưa nhưng người ta vẫn thích khi đi ăn cỗ về có gì đó cầm tay mang về cho các con, các cháu ở nhà.
Có người thậm chí đến ăn cỗ nhưng ăn rất khiêm tốn mà chủ yếu chia phần để mang về cho người ở nhà. Cũng có người không bao giờ thích lấy phần mang về. Cái này tựa như một thói quen, một nét đẹp của một số làng quê.
Chúng ta không nên cứng nhắc đưa ra hình phạt bằng tiền mà nên tuyên truyền để người dân hiểu rồi dần dần họ sẽ tự bỏ. Ai lại đi phạt nhau vì miếng ăn, không hay ho chút nào. Kể cả đó là phạt chủ nhân của đám cỗ”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.
Nghệ sĩ Vượng “râu” là một người con của đất Nam Định cũng bộc bạch rằng, trước kia, làng Ngọc Tiên (Xuân Trường, Nam Định) quê anh không có thói quen ăn cỗ lấy phần mang về nhưng làng cạnh bên lại có tập tục đó.
“Một thời gian, thỉnh thoảng về quê ăn cỗ, tôi thấy nhiều làng có tục ăn cỗ lấy phần. Ngày trước tôi thấy hơi buồn cười nhưng sau tôi lại thấy đẹp.
Tôi nghĩ, đó là một sự văn minh, một nét đẹp đi liền với việc tránh lãng phí. Những gia đình có cỗ từ 50 mâm trở lên thì số lượng thừa mỗi mâm bỏ đi rất phí. Có những món còn chưa đụng đũa đụng bát. Việc đó giống như chúng ta đi ăn nhà hàng thừa thì ta mang về có sao.
Mấy năm gần đây, về quê tôi lại thấy dân làng đi ăn cỗ không lấy phần như trước, hỏi ra mới biết là giờ gia đình nào lấy phần thì gia chủ sẽ bị phạt.
Tôi chợt nghĩ, việc này như kiểu chúng ta đang làm sai bởi giữa việc lấy phần và việc tiết kiệm khác hẳn nhau. Còn nếu nói đó là hủ tục, không văn minh lại càng không phải bởi rõ ràng chúng ta bỏ đồ ăn thừa đi mới là lãng phí, mới chưa văn minh.
Việc ăn cỗ linh đình ở nhiều vùng quê đang diễn ra, để thực hiện nếp sống văn minh chúng ta nên làm nhưng cần từng bước một để tránh nhạy cảm quá. Nếu là tôi thì tôi sẽ quan tâm đến môi trường đầu tiên như xả rác bừa bãi, đổ rác xuống sông... Chúng ta cũng không thể áp dụng theo khuôn mẫu bất cứ đâu được mà nên linh hoạt”, nghệ sĩ Vượng “râu” bày nhấn mạnh thêm.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia cho rằng, thực ra, câu chuyện thì có vẻ nhỏ nhưng là một vấn đề rất khó trong xây dựng nếp sống văn minh vì bản chất của chuyện này có lẽ sâu xa hơn nhiều. Đó là làm thế nào chúng ta có thể thay đổi các thói quen truyền thống cho phù hợp với lối sống hiện đại?
Rõ ràng, với nhiều địa phương chứ không riêng gì xã Giao Long, Giao Lạc (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), người dân có thói quen đi ăn cỗ thì mang phần về.
Chủ nhà hiểu thói quen đó nên bao giờ cũng chuẩn bị nhiều đồ và có phần quà cho mọi người đi ăn cỗ. Nay mong muốn của chúng ta muốn tiết kiệm, tránh cỗ bàn xa hoa, lãng phí, tạo ra sự ganh đua nơi xóm làng về việc tổ chức các tiệc, lễ… hai bên đều có lý riêng của mình.
Ở nhiều địa phương, quy định của địa phương mang tính hương ước có vai trò tích cực trong việc điều chỉnh hành vi của con người, đặc biệt đối với những lĩnh vực mà luật pháp chưa/không điều chỉnh đến. Các xã ở Giao Thủy nằm trong trường hợp này.
Thông thường, các hương ước khi được soạn ra đều có sự đồng thuận của đa số cư dân sở tại. Thiếu sự đồng thuận này, bản quy ước (hương ước) đó không thể ra đời, không có hiệu lực và không thể thực hiện. Lý thuyết là như vậy.
Có nghĩa là ở đây, đa phần người dân đã đồng thuận trong việc xây dựng một nếp sống văn minh trong việc cưới, việc lễ. Việc xử phạt ở đây không phải là xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ mang tính phạm vi cộng đồng, trong phạm vi của hương ước, vì vậy có thể chấp nhận được.
"Có thể, với người bên ngoài cộng đồng, việc xử phạt đối với những thói quen phổ biến ở nhiều nơi là kỳ quặc, khó hiểu. Nhưng tôi cho rằng, đây là việc nên làm để hướng đến việc xây dựng nếp sống văn minh ở các cộng đồng, hơn thế, việc làm đó còn được sự đồng thuận của cộng đồng thì không có vấn đề gì phải băn khoăn về tính chế tài, hợp lý của các quy định ấy", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chăm sóc mẹ già suốt 10 năm nhưng không được chia mảnh đất nào, đến lúc đọc kỹ lại di chúc tôi mới òa khóc
Tử vi ngày 22/12/2024 của 12 con giáp: Tuổi Mão công việc thăng hoa, tuổi Tỵ cẩn thận sai lầm
Con gái dắt 3 chú chó Ngao Tạng đi bộ mãi không về, bố đi tìm thấy cảnh tượng dở khóc dở cười
Bố di chúc để lại nhà cùng 2,7 tỷ tiền tiết kiệm cho mẹ kế, chúng tôi kéo nhau gặp luật sư để rồi nhận cái kết sững người
Bị thách cưới căn chung cư, mẹ chồng tương lai "gật đầu nhẹ", nhưng ngày mang sổ đỏ tới, bất ngờ cú chốt gây sốc!
6 con giáp tỏa sáng năm 2025: Lộc lá đầy nhà, thành công rực rỡ