Ngày nay, chúng ta có nhiều sự lựa chọn chế độ ăn uống
giảm cân. Hầu hết các chế độ ăn uống này đều tập trung chủ yếu vào loại
thực phẩm chúng ta nên ăn hoặc không nên ăn trong suốt cả ngày, hoặc loại thực phẩm nào cần tập trung tiêu thụ. Nhưng theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Science of Nutritional Science vào ngày 29/8, thời gian ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình giảm cân.
Jonathan Johnston, nhà nghiên cứu tại Đại học Surrey (Anh), và cộng sự chia các tình nguyện viên thành hai nhóm. Trong thời gian 10 tuần, một nhóm đối chứng có bữa ăn như bình thường, trong khi nhóm còn lại có thời gian ăn sáng muộn hơn 90 phút và ăn tối sớm hơn 90 phút. Nhóm điều chỉnh thời gian ăn không bị hạn chế các loại thực phẩm mà họ tiêu thụ hàng ngày.
Những người tham gia được yêu cầu cung cấp mẫu máu, hoàn thành một cuốn nhật ký về chế độ ăn uống và một bảng câu hỏi khi nghiên cứu kết thúc. Kết quả cho thấy, các tình nguyện viên ăn sáng muộn và ăn tối sớm mất gấp đôi lượng mỡ cơ thể so với những người thuộc nhóm đối chứng sau 10 tuần. Họ ăn ít thức ăn hơn do cảm giác thèm ăn bỗng nhiên giảm đi và bỏ được thói quen ăn vặt, đặc biệt vào ban đêm.
“Giảm mỡ trong cơ thể sẽ làm giảm nguy cơ phát triển béo phì và các bệnh liên quan. Đây là điều rất quan trọng để cải thiện sức khỏe”, Johnston nói.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, việc ăn bữa sáng và tối gần hơn với bữa trưa là phù hợp với nhịp sinh học của con người, khiến cơ thể gia tăng khả năng chuyển hóa và đốt cháy mỡ thừa. Nhưng 57% các tình nguyên viên cho biết, họ không thể ăn sáng muộn hơn 90 phút và ăn tối sớm hơn 90 phút trong thời gian lớn hơn 10 tuần, bởi vì nó không thích hợp với đời sống sinh hoạt gia đình và xã hội của họ.
“Mặc dù đây chỉ là nghiên cứu nhỏ, nhưng nó giúp chúng ta nhận thấy sự thay đổi trong thời gian ăn sáng và ăn tối có thể mang lại lợi ích sức khỏe cho cơ thể”, Johnston cho biết. “Tuy nhiên, việc ăn sáng muộn và ăn tối sớm rất khó để thực hiện liên tục vì nó không phải lúc nào cũng tương thích với các gia đình và đời sống xã hội. Vì vậy, chúng ta nên đảm bảo một chế độ ăn uống linh hoạt, phù hợp với thực tế.”
Theo Quốc Hùng/Khoa học & Phát triển