Đời sống

Áp lực chồng chất hậu ly hôn

Bị chồng phản bội, em sẵn sàng ra đi với 2 bàn tay trắng nhưng quyết tâm đưa 2 con theo cùng, bởi vì em không thể sống được nếu thiếu chúng.

Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi ăn chuối và lời khuyên từ bác sĩ cho bậc cha mẹ / Dấu hiệu phát hiện hội chứng kiệt sức nguy hiểm ai cũng có thể bị

Chị Thanh Tâm thân mến!

Quả thật, làm mẹ đơn thân không dễ dàng, mặc dù em đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Rời Thủ đô, nơi gắn bó hơn chục năm, em trở về Hà Nam ở với bố mẹ. Bị chồng phản bội, em sẵn sàng ra đi với 2 bàn tay trắng nhưng quyết tâm đưa 2 con theo cùng, bởi vì em không thể sống được nếu thiếu chúng. Một gia đình hoàn thiện có bố, có mẹ chỉ còn là quá khứ. Đứa bé mới 2 tuổi còn đứa lớn đã học lớp 5, con đã hiểu hoàn cảnh gia đình và có những cảm xúc riêng, không chia sẻ cùng ai.

Gánh nặng không tên khi ly hôn chồng phản bội - Ảnh 1.

Bị chồng phản bội, em sẵn sàng ra đi với 2 bàn tay trắng nhưng quyết tâm đưa 2 con theo cùng. Tranh minh hoạ

Vậy là em bắt đầu một cuộc sống mới ở quê nhà nhưng lại cảm thấy vô cùng lạ lẫm. Nếu đơn giản chỉ là về quê chơi vài ba hôm, cảm xúc sẽ hoàn toàn thoải mái nhưng đây là lần "di cư" lâu dài của 3 mẹ con. Mới trải qua 3 tháng, em thấy mình thay đổi và như trở thành người khác. Cuộc sống vừa làm bố, vừa làm mẹ không dễ gánh vác, hàng ngày phải lo cơm áo, gạo tiền. Em bán hàng online hơn 3 năm nay. Công việc tuy không ổn định nhưng nếu chịu khó thì cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng em đang bán hàng ở thành phố, có nhiều khách quen, nay về quê làm, cũng bị mất tương đối khách. Trông con nhỏ, cố gắng tranh thủ chạy quảng cáo để lấy tương tác, em hầu như không có đủ thời gian để dạy dỗ đứa lớn. Con ngày càng bướng, em đúng là một người mẹ tồi khi đã quá tập trung cho đứa em mà lơ là nó. Cứ nghĩ nó lớn rồi, có thể tự xử lý mọi chuyện. Nhưng không, hàng xóm, người lớn đều có ý kiến: "Trai phố mà nghịch ngợm, hư, khó bảo!". Em thấy xấu hổ với mọi người, lỗi là ở em đã dạy con chưa tốt. Hôm trước con cãi nhau với cả người lớn. Họ phát hiện thằng bé lấy trộm kẹo ở quán nhưng nó kiên quyết không nhận: "Chưa ra khỏi quán, chưa tính tiền thì có gì là sai". Bà phải chạy ra nói chuyện, mọi người mới nể mặt mà bỏ qua. Đến tối, nó lén vẽ bậy lên tường nhà họ, thậm chí còn chửi bậy. Phát hiện điều này, em mắng con, còn nó vẫn bướng bỉnh như không có chuyện gì. Chị ơi, không từ nào miêu tả được cảm xúc của em lúc này, lỗi tất cả là ở em.

Trước đây cãi nhau, bực tức, nóng nảy, vợ chồng em to tiếng, chỉ trích nhau trước mặt con. Giờ em đã thấy hậu quả. Con giờ khó bảo, sống nội tâm, không chia sẻ với mẹ, nóng tính và hay nói bậy. Đã vậy, mẹ mải kiếm tiền, mải chăm em, nhiều lúc không quan tâm đến nó, có gì không ưng ý là mẹ lại cáu, lại mắng, khiến thằng lớn tủi thân. Những lúc ấy, cơn nóng giận đã thắng và hoàn toàn chi phối cảm xúc của em khiến em và con ngày càng xa cách.

Cháu lớn giờ sắp lên lớp 6. Thời gian trôi qua nhanh quá, nhiều lúc em vẫn nghĩ con chỉ như mới học lớp 1, lớp 2. Tuổi dậy thì có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, em lo việc dạy con không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả ông bà. Từ khi em về quê, ông bà trông già hơn. Ông bà luôn tỏ ra là mạnh mẽ, dù hàng xóm láng giềng có nói gì, cũng ra sức bảo vệ con cái: "Mình sống cho bản thân, nên kệ người ta nói ngược nói xuôi, con ạ!". Nhưng em biết, trước đây ông bà từng tự hào về vợ chồng em, giờ thì... Nhà có 2 con gái, thì cả 2 đều không hạnh phúc trong hôn nhân. Chị gái em cũng đang là mẹ đơn thân, chăm sóc 1 con gái học lớp 9. Chị Thanh Tâm ơi, em nên làm gì để chăm sóc con được tốt hơn? Có cách nào giúp con hiểu được lòng mẹ, tu tâm dưỡng tính trở thành một đứa trẻ ngoan? Chị bày cho em với.

Thanh Hằng (Hà Nam)

Thanh Hằng thân mến!

Làm mẹ đơn thân, ngoài việc lo cơm áo gạo tiền còn nhiều gánh nặng không tên. Việc thiếu quan tâm đến con là nguyên nhân khiến con phát triển tự nhiên theo môi trường xã hội, trường học... đó có thể là những điều tốt hoặc không tốt. Bởi vậy, hướng con tới những điều chân thành, biết chia sẻ với người thân, chị nghĩ em nên cho cháu tham gia làm việc nhà. Ví dụ, giúp đỡ ông bà làm việc, giúp đỡ mẹ nấu cơm, quét nhà, chăm em... để con thấy sự vất vả của mẹ.

 

Giờ con đã lớn, mẹ cũng nên giải thích cho con hiểu một cách nghiêm túc về việc bố mẹ chia tay nhau, không nên để con suy diễn nguyên nhân từ các cuộc cãi vã của bố mẹ để hình thành trong con những suy nghĩ xấu, có thể dẫn tới tâm lý, hành động không đúng. Tuổi dậy thì của trẻ nào cũng ẩm ương, khó khăn với chính con, nên hai mẹ con hãy cùng nhau đọc sách, chuẩn bị tinh thần để cùng bước qua giai đoạn này, đặc biệt là tâm sinh lý của bé trai, để có việc gì diễn ra, con cũng không ngại ngần chia sẻ với mẹ.

Hãy cố gắng gạt mọi suy nghĩ, định kiến về hạnh phúc không trọn vẹn để 3 mẹ con sống mỗi ngày đều vui vẻ, đầm ấm. Điều đó sẽ mang lại niềm vui cho ông bà ngoại và hoá giải mọi dư luận của hàng xóm.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm