Đời sống

Ba nhà khoa học người Việt tuổi Tý nổi danh thế giới

Trong quan niệm dân gian, chuột là loài vật rất nhanh nhẹn và mưu trí. Do vậy, những người tuổi Tý thường được cho là rất thông minh, nhanh nhẹn và tháo vát. Trong số những nhà khoa học Việt Nam nổi danh thế giới có rất nhiều người tuổi Tý.

Tuổi Tý gặp năm tuổi Canh Tý 2020: Phúc lộc đầy nhà hay họa vô đơn chí? / Điểm mặt các hot boy tuổi Tý nổi đình nổi đám trên mạng xã hội

GS Tôn Thất Tùng - Người làm rạng danh nền y học Việt Nam

GS Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 (năm Nhâm Tý) trong một gia đình quý tộc tại Thanh Hoá. Ông là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch” còn được gọi là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”. Phương pháp này cho phép cắt gan chỉ mất 4-8 phút trong khi, nếu theo phương pháp vẫn được coi là kinh điển mang tên vị giáo sư người Pháp Lortat-Jacob, thì phải mất 3-6 giờ.

Ba nhà khoa học tuổi Tý nổi danh thế giới - 1

GS Tôn Thất Tùng tại phòng làm việc

Trong suốt thời gian từ năm 1935 đến năm 1939, chỉ bằng chiêc dao nạo xương, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu và vẽ lại thành các sơ đồ đối chiếu. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề "Sự phân bố tĩnh mạch trong gan và các ứng dụng trong cắt gan và cắt thùy gan". Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris. Bản luận án được đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông.

Năm 1963, GS Tôn Thất Tùng cho công bố phương pháp cắt gan mới trên tờ “The Lancet” ở London, tờ tạp chí rất nổi tiếng trong ngành phẫu thuật thế giới. Công trình gây chấn động dư luận. Chỉ sau một tháng, hơn 100 nhà phẫu thuật từ Mỹ đến Australia gửi thư sang Hà Nội, xin ông tài liệu về Phương pháp cắt gan này. Phương pháp này cũng được đưa vào "Bách khoa thư Nội thương -Phẫu thuật" của Pháp, và được in trong "Chọn lọc các Tài liệu Sản khoa và Phẫu thuật" của Mỹ…

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, GS Tôn Thất Tùng được giao nhiệm vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian đó, ông đã viết cuốn sách tóm tắt kinh nghiệm nghiên cứu về giun với vấn đề "Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật". Đây là cuốn sách khoa học thuộc ngành Y được xuất bản đầu tiên tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng trong thời gian này, cùng với GS Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần sản xuất Penicillin phục vụ thương bệnh binh trong điều kiện dã chiến.

Ngày 5/5/1958, GS Tôn Thất Tùng thực hiện thành công ca mổ tim đầu tiên và đến năm 1965 ca mổ tim bằng máy tim - phổi nhân tạo đã thành công như mong đợi. Ông cũng là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học dioxin đến con người và môi trường tại Việt Nam, phương pháp điều trị các vết thương do bom bi, phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch và rất nhiều công trình khoa học khác...

Ba nhà khoa học tuổi Tý nổi danh thế giới - 2

Năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng GS Tôn Thất Tùng Huy chương vàng phẫu thuật quốc tế Lannelongue, giải thưởng cao quý nhất trong ngành phẫu thuật thế giới, 5 năm mới tặng 1 lần cho một nhà phẫu thuật xuất sắc tại thời điểm đó.

 

Đến năm 1979, GS Tôn Thất Tùng đã thực hiện khoảng trên 700 ca cắt gan lớn, nhỏ, bỏ xa một nhà phẫu thuật Singapore đứng sau ông cắt hơn 100 ca. Ngày nay, mổ gan khô đã trở thành một trong hai phương pháp cắt gan chính trên toàn thế giới.

Do công lao và những cống hiến to lớn đối với đất nước, GS Tôn Thất Tùng được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật và nhiều huân, huy chương khác… Ông qua đời vào ngày 7-5-1982 tại Hà Nội.

GS Phan Đình Diệu -Người ‘mở đường’ đưa Internet vào Việt Nam

GS Phan Đình Diệu sinh ngày 12/6/1936 (Bính Tý) tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Khoa học và được giữ lại trường giảng dạy.

Năm 1967, khi tròn 30 tuổi, ông Diệu hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học ở Liên Xô (cũ) ngành Toán học tính toán và Điều khiển học, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. Về nước, ông tập trung nghiên cứu và phát triển ngành Khoa học máy tính ở Việt Nam.

 

Ba nhà khoa học tuổi Tý nổi danh thế giới - 3

Vợ chồng Giáo sư Phan Đình Diệu năm 1964. Ảnh tư liệu

Các công trình khoa học đột phá của ông trong giai đoạn này được in thành một cuốn sách trên tạp chí khoa học uy tín Steklov của Nga, năm 1974 được Hiệp hội Toán học Mỹ dịch và xuất bản bằng tiếng Anh thành cuốn sách dài 228 trang với tên gọi Some Questions in Constructive Functional Analysis.

Năm 1971, ông được đề nghị làm Trưởng phòng Toán học tính toán của Ủy ban Khoa học Nhà nước vào thời điểm cả nước chỉ mới có một dàn máy tính được đặt tại đây.

Cho rằng thông tin, tri thức sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là cuộc cách mạng lớn thay đổi nhân loại, ông đề xuất dự án thành lập một viện nghiên cứu lấy tên là Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển. Năm 1977, Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển được thành lập, và ông là Viện trưởng đầu tiên.

 

Viện là tiền thân của Viện Tin học và Viện Công nghệ Thông tin hiện nay. Dưới sự lãnh đạo tâm huyết, quyết đoán của ông, năm 1981 chiếc máy vi tính đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam và Đông Á. Ông cũng đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu hợp tác và phát triển các đề tài mật mã với Ban cơ yếu Trung ương.

Ba nhà khoa học tuổi Tý nổi danh thế giới - 4

GS Phan Đình Diệu. Ảnh: Vietnamnet

GS Diệu đã gợi ý cho học trò tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo (AI), đến nay không ít người thành công với lựa chọn này, như GS Hồ Tú Bảo, trước làm ở Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST), nay công tác tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.

Đặc biệt, ông được ghi nhận là một trong những nhà khoa học đã đóng góp công sức để "mở đường" đưa Internet vào Việt Nam vào năm 1997. Với ông,"Công nghệ thông tin là một ngành mà tôi rất tha thiết. Cả phần đời sung sức nhất của mình, tôi đã dành để nghiên cứu, xây dựng và góp phần phát triển nó".

 

Trong suốt cuộc đời mình, ông nổi tiếng là một nhà khoa học chính trực, đầy nhiệt huyết, một tiếng nói uy tín trong giới khoa học và trên công luận.Ông mất ngày 13/5/2018 tại Hà Nội.

GS Trịnh Xuân Thuận - Nhà nghiên cứu vũ trụ hàng đầu thế giới

GS Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 (Mậu Tý) tại Hà Nội. Ông từng theo học trung học tại trường Yersin ở Đà Lạt, rồi trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là trường PTTH Lê Quý Đôn - TP.HCM).

Năm 1966, ôngsang Mỹ du học ở Pricenton và bảo vệ luận án tiến sĩ ngành vật lý thiên văn tại đây. Sau hơn 40 năm nghiên cứu vũ trụ tại Mỹ, Pháp cùng với những nhà hoa học tên tuổi hàng đầu thế giới từng đoạt giải Nobel vật lý, tới nay giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một trong số ít người Việt Nam nghiên cứu và có thành tựu trong lĩnh vực này.

Ba nhà khoa học tuổi Tý nổi danh thế giới - 5

GS Trịnh Xuân Thuận

 

Năm 2004, GS Trịnh Xuân Thuận đã khám phá ra một thiên hà li ti còn rất trẻ. Đây là một trong những đóng góp vô cùng to lớn đối với khoa học vũ trụ. Cùng với đó, ông nhận nhiều giải thưởng lớn như giải thưởng Moron của Viện Hàn Lâm Pháp năm 2007, giải Kalinga năm 2009 của UNESCO nhờ đóng góp trong công cuộc đại chúng hóa khoa học, giải thưởng thế giới Cino del Duca uy tín của Viện Pháp quốc năm 2012 và giải Louis Pauwels năm 2012.

GS Trịnh Xuân Thuận cũng viết nhiều sách về vũ trụ. Hơn 20 cuốn sách khoa học phổ biến của ông đều viết bằng tiếng Pháp, trong đó có trên 10 cuốn đã được dịch sang tiếng Việt như: Giai điệu bí ẩn, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, Lượng tử và hoa sen, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Đối mặt với vũ trụ…

Mang trong mình dòng máu Việt, dù ở đâu GS Trịnh Xuân Thuận vẫn mong muốn làm được điều gì đó cho đất nước, quê hương: “Tôi là người Việt Nam. Tôi hãnh diện là người Việt Nam đạt đến chỗ mà mình có thể đứng ngang hàng với những người nước ngoài. Vì tôi là người Việt Nam nên cho tôi sức mạnh. Những cái đó nó cho tôi cái triết lý để đi xa trong con đường khoa học.”

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm