Đời sống

Bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em vùng cao: Vẫn còn nhiều thách thức

Dù được quan tâm nhiều hơn trong những năm qua nhưng cuộc sống của những người phụ nữ và trẻ em vùng cao vẫn còn nhiều thiệt thòi.

Đời người có 4 thứ tuyệt đối không được vay nợ, kể cả người thân / Bật mí các bước cơ bản để chăm sóc da khô vào mùa lạnh, giảm nếp nhăn

Vấn nạn tảo hôn ở vùng cao

Một buổi chiều đầy nắng, em Hoàng Thị Sải - xã Cổ Linh, Pắc Nặm, Bắc Kạn mặc chiếc áo trắng thân quen, bốc đá thuê cùng những người hàng xóm của mình. Đằng sau nụ cười hồn nhiên tưởng chừng như đúng với lứa tuổi lại là nỗi lo về cơm áo gạo tiền. 15 tuổi, em đã làm mẹ trẻ con.

"Bố mẹ em mất, em khổ quá nên lấy chồng sớm. Bọn em quen trên Facebook, nói chuyện xong thích nhau, quen được 1 tháng xong cưới" - Sải chia sẻ.

Cưới vì nghĩ lấy chồng sẽ bớt khổ nhưng suy nghĩ ấy lại dẫn em đến một cuộc sống mà trước đây chắc em không hình dung nổi. Chồng đi làm xa còn em có việc ai thuê thì đi làm, không thì cũng chỉ ở nhà trông con và loanh quanh với bắp ngô, con bò.

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Nhân Dân điện tử.

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Nhân Dân điện tử.


Còn đôi vợ chồng trẻ này cưới nhau khi cả hai đều chưa đủ tuổi, cũng chỉ vì tư duy lạc hậu của cả phụ huynh và chính các em. Thay vì ngồi trên ghế nhà trường, giờ các em lại phải tập làm quen với việc chăm con, kiếm tiền nuôi gia đình.

"Lấy chồng sớm thì vợ khổ và cũng phải làm việc trong nhà. Nhưng bố mẹ bảo lấy thì em lấy để giúp bố mẹ trồng ngô và vác cỏ cho bò với làm việc các kiểu" - em Sùng A Song - xã Cổ Linh, Pắc Nặm, Bắc Kạn nói.

Với đặc thù địa bàn vùng sâu vùng xa, lao động lại bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên tảo hôn vẫn là vấn đề nan giải với các cấp chính quyền địa phương.

Ông Lường Văn Danh - Chủ tịch UBND xã Cổ Linh, Pắc Nặm, Bắc Kạn - cho biết: "Các em cũng tìm hiểu trên MXH và kết nối đi lấy chồng ở các địa phương khác. Ở xã cơ bản là tảo hôn nữ. Các cháu đã mến nhau rồi thì cũng có trường hợp dọa gia đình sẽ đi khỏi nhà hoặc ăn lá ngón tự tử".

 

Việc tảo hôn khiến các em không chỉ thiệt thòi về học tập mà còn đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Thay đổi tư duy chính là yếu tố then chốt để không còn em gái nào phải hối hận vì đã lấy chồng sớm.

Số liệu về tình trạng tảo hôn ở Bắc Kạn

Tỉnh Bắc Kạn có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn các xã vùng cao có tới hơn 700 vụ tảo hôn (tức là kết hôn khi còn là trẻ em).

Hầu hết các trường hợp này là những em học sinh nữ dân tộc H'Mông, Dao từ 14-17 tuổi và nam trong độ tuổi từ 16-19 ở các thôn vùng cao, vùng sâu, vùng xa như: Công Bằng, Cổ Linh, Cao Tân (huyện Pác Nặm) hay Bình Trung (huyện Chợ Đồn);...

Cũng tại các địa phương này có một thực trạng nữa cũng rất đáng báo động, đó là nhiều phụ nữ vẫn tự sinh con tại nhà. Dù có cả nguyên nhân khách quan do điều kiện kinh tế, đường xá đi lại hay cả lý do chủ quan như suy nghĩ cổ hủ lạc hậu thì hậu quả để lại vẫn rất đau lòng.

 

Bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em vùng cao: Vẫn còn nhiều thách thức - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Nhân Dân điện tử.

Rủi ro khi phụ nữ vùng cao sinh con tại nhà

Giờ đây, anh Hoàng Văn Dí - xã Cổ Linh, Pắc Nặm, Bắc Kạn chỉ còn có thể nhìn ngắm vợ cả của mình qua 1 bức ảnh cũ. Từng sinh 2 con đầu lòng tại nhà, nhưng đến khi sinh bé thứ 3, chị đã không qua khỏi vì bị băng huyết.

Sự mất mát là quá lớn để đổi lại 1 bài học. Đến khi người vợ 2 có bầu, anh đã không còn để vợ phải gặp rủi ro vì sinh con tại nhà nữa.

Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng xã Cổ Linh có 14 ca sinh con tại nhà. Dù đã nghỉ công việc cô đỡ thôn bản do không còn trợ cấp nhưng chị Lường Thị Tuyến - xã Cổ Linh, Pắc Nặm, Bắc Kạn vẫn ám ảnh với những tình huống mà chị từng gặp phải.

 

"Nhiều sản phụ lắm nhưng chị toàn tuyên truyền để đi xã, đi huyện. Có ca nào đẻ không đi kịp thì mình đỡ đẻ. Hôm đấy trời lạnh lắm, chị đi chở người đằng sau cũng ngồi cùng rồi nhưng chị kia bảo không được nữa sắp đẻ rồi. Thế là chị đang phơi quần áo ở giữa sân nghe được nên xuống thấy ngồi ở ngay cạnh đường rồi, nên chị lấy chiếu nhà chị xuống đỡ. Dụng cụ ở nhà có sẵn nên chị xuống đỡ cho, cắt rốn buộc rốnxong về nhà" - chị Tuyến nói.

Nguy hiểm là vậy nhưng đây vẫn là tình trạng chung của nhiều địa phương miền núi. Huyện Bắc Hà, Lào Cai từng có đến 40% phụ nữ DTTS sinh con tại nhà. Nhiều trường hợp mẹ hoặc con bị nhiễm trùng, uốn ván hay thậm chí là mất máu dẫn đến tử vong.

Trong những năm gần đây, tỉnh đã có những chương trình hỗ trợ để động viên các bà mẹ đến cơ sở y tế sinh con.

Phụ nữ vốn đã rất thiệt thòi và mệt mỏi khi đến thời kỳ thai sản. Đặc biệt những người phụ nữ vùng cao lại càng cần sự quan tâm hơn hết, để mọi đứa trẻ đều được sinh ra trong an toàn.

Hơn 2 triệu USD nhằm hỗ trợ giảm tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ dân tộc thiểu số

 

Mới đây, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế khởi động dự án "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tai các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam", với kinh phí hơn 2 triệu USD trong vòng 3 năm. Theo đó, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai tại 6 tỉnh khó khăn nhất bao gồm Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai, sẽ được hưởng lợi từ chương trình.

Dự án hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Và ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó có dự án đặc biệt dành cho đối tượng phụ nữ DTTS, đó là: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Với sự quan tâm của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều chị em phụ nữ DTTS đã vượt lên hoàn cảnh, làm chủ kinh tế. Những câu chuyện sau đây sẽ là minh chứng cho việc phụ nữ vùng cao cũng xứng đáng được bình đẳng để đón nhận thành công.

Nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế

 

Những chiếc túi có vẻ lạ lẫm này đã trở thành công cụ không thể thiếu mỗi khi chị Vàng Thị Vân - xã Bản Liền, Bắc Hà, Lào Cai đi hái chè.

Đây là một trong những vật dụng được tài trợ bởi Dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và du lịch" được thực hiện từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Australia tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La.

Kết quả chỉ sau 2 năm, thu nhập của các chị em phụ nữ xã Bản Liền đã tăng 5 lần so với trước đây.

Còn đây là sản phẩm gối thổ cẩm dược liệu đã đạt giải 3 toàn quốc trong cuộc thi thanh niên nông thôn khởi nghiệp năm 2020.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chị Lý Thị Quyên trở về nhà mở HTX, tạo công ăn việc làm cho các chị em phụ nữ ở địa phương.

 

"Đối với chúng tôi thì từ khi sinh ra đã được mặc định sẵn người phụ nữ DTTS chỉ lấy chồng, sinh con, việc nhà chăm sóc con cái và ruộng đồng. Chính vì vậy tôi đã tập trung các chị em DTTS, và tôi mong muốn các chị sẽ thay đổi tư duy, có thể làm chủ cuộc sống của chính mình. Hơn nữa chúng tôi cũng muốn tạo nên thương hiệu của người Dao, đó chính là văn hóa dược liệu và thổ cẩm" - chị Lý Thị Quyên - Giám đốc Hợp tác xã Thiên An, Bắc Kạn cho hay.

Khi được quan tâm và hỗ trợ đúng cách, những người phụ nữ DTTS có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình. Để giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng trong đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng cao tuy còn khó khăn, nhưng vẫn là mục tiêu mà các cấp chính quyền và cả xã hội cần hướng đến.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm