8 năm đi làm dâu, giờ nhìn lại, tôi chẳng có gì đáng giá trong tay ngoài cậu con trai kháu khỉnh lên 4 tuổi. Tôi lau nước mắt cho mình, nuốt những tủi hờn vào trong. Tất cả mọi người đều khuyên tôi nếu không thể thay đổi thì nên ly hôn đi cho đỡ khổ. Nhưng thương con tôi đã cố gắng gượng đến giờ…
Nói về chồng, tôi không trách cứ gì anh. Với tôi, anh là người chồng tốt, người đàn ông tử tế. Từ ngày yêu cho tới tận khi cưới về, anh yêu thương, chiều chuộng, chăm sóc tôi. Anh đi làm ngày 9,10 tiếng, nhưng tối về bao giờ cũng giúp tôi việc nhà, không ỷ lại cho vợ. Chồng tôi cũng là người chịu thương, chịu khó, không cờ bạc, không có những thói quen xấu của cánh đàn ông.
Nếu cứ như thế thì chúng tôi đã có một gia đình hạnh phúc. Cả hai vợ chồng tôi đều có công việc ổn định, thu nhập không đến nỗi nào. Vậy mà, gần 10 năm cưới nhau rồi, chúng tôi vẫn ở căn nhà dột nát, thấp bé, tiền không có một xu tiết kiệm. Nhiều lần con ốm đi viện còn phải chạy vạy khắp nơi vay tiền. Nỗi khổ ấy bắt nguồn từ việc bố chồng tôi cờ bạc, nợ nần chồng chất.
Ngày chúng tôi yêu nhau, ông cũng chưa như vậy. Sau khi chúng tôi cưới được khoảng 7 tháng thì họ tới tận nhà đòi nợ. Thì ra, bố tôi nghỉ hưu, ở nhà chán, ông lao vào cờ bạc theo mấy người ở xóm. Hôm đó, tôi sợ co rúm người lại. Chồng tôi cũng không biết phải làm sao để xoay tiền khi bọn xã hội đen đe dọa nếu không mang đủ tiền đến sẽ “xin tí máu”. Cuối cùng, chúng tôi dồn toàn bộ tiền cưới có được, mấy chục triệu hồi môn, số vàng mẹ tôi cho tôi hôm cưới để đi trả nợ.
Cứ tưởng thế là xong, nào ngờ, nó mới chỉ là sự mở đầu cho hàng loạt những nỗi thống khổ phía sau. Bố chồng tôi như bị cờ bạc ngấm vào máu. Thua lần đầu như vậy, ông cay cú chơi tiếp với ý định gỡ gạc rồi trả lại tiền cho con dâu. Gỡ đâu không thấy, cuối cùng bố chồng tôi phải bán tháo 2 miếng đất (lẽ ra là cho vợ chồng tôi xây nhà) để trả nợ. Mẹ chồng tôi vì tức không chịu được rồi đổ bệnh, nằm liệt một chỗ.
Từ một gia đình khá, bỗng chốc cả nhà tôi lao đao vì tiền bạc. Mẹ tôi không có tiền chữa bệnh, nằm ở nhà. Bố tôi lại tiếp tục lao vào trò đỏ đen với cái mộng tưởng sẽ có tiền trả nợ và chữa bệnh cho vợ. Nhưng càng chơi càng thua, thua to, thua đậm… Số tiền nợ lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất.
Và rồi vợ chồng tôi phải gánh hết. Nhà chồng chỉ có hai anh em, chồng tôi và một cô em gái nữa. Nhưng cô ấy đi lấy chồng xa, nhà chồng cũng nghèo chẳng giúp được gì. Bao nhiêu tội nợ trút lên đầu vợ chồng tôi. Chúng tôi làm dành tiền trả nợ như muối bỏ bể. Tiền trả hàng tháng chỉ đủ với tiền lãi, tiền gốc lại cứ thế phát sinh. Tôi khốn khổ vì tiền bạc.
Đằng đẵng nhiều năm trời, vợ chồng tôi còng lưng trả nợ mà chưa nổi. Mỗi lần nhớ lại những tháng ngày có bầu, tiền ăn không có, cực khổ trăm bề, tôi lại trào nước mắt. Mặc dù được chồng yêu thương, chăm sóc nhưng tôi vẫn không cam tâm. Tại sao chúng tôi phải khổ như thế này?
Giờ đây, bố chồng tôi vẫn chưa dừng lại. Càng ngày ông càng đổ đốn. Con tôi mỗi ngày một lớn, cần phải có tiền cho con ăn học mà gia đình tôi vẫn ngập trong đống nợ. Tôi có nói với chồng hay là buông xuôi đi, không hỗ trợ tiền cho ông nữa chứ nếu không cứ thế này không biết bao giờ nhà tôi mới ngóc đầu lên được. Đã vậy, bố chồng tôi được trả nợ cho nên lại càng không thay đổi, lún sâu hơn vào con đường lầm lạc.
Nhưng chồng tôi không nghe. Anh bảo không thể bỏ bố lúc này được. Dù sao bố cũng là bố anh, anh sẽ lo cho bố tới cùng. Nghĩ tới những tháng ngày tiếp theo phải sống trong cảnh nghèo khổ, thua kém mọi người trong khi bản thân vẫn phải làm cật lực tôi không thể nào chịu được.
Cách đây hơn 2 tuần, tôi viết đơn xin ly hôn. Tôi muốn giải thoát cho mình và con khỏi bể khổ này dù có mang tiếng ác. Anh lặng lẽ, anh khóc rồi cũng ký. Anh không muốn mẹ con tôi khổ.
Giờ thì tôi và con về bên ngoại sống… Chúng tôi còn chưa ly hôn nhưng tôi không phải chịu trách nhiệm với gia đình chồng nữa. Chúng tôi tạm thời ly thân. Có lẽ tôi sẽ để mọi thứ diễn ra thuận theo tự nhiên như thế. Nếu đến một lúc nào đó anh làm tròn chữ hiếu và muốn quay về, tập trung lo cho tổ ấm nhỏ bé của chúng tôi thì tôi sẵn sàng. Chỉ mong, nó không quá lâu và không quá muộn.