Đời sống

Các bài thuốc chế từ Lợn

Không chỉ là nguồn thực phẩm giá trị, món ăn phổ biến mà hấp dẫn và là nguyên liệu cho một số ngành đặc biệt, lợn (heo) còn mang tác dụng y dược đa dạng. Lợn được ví như “cây thuốc biết đi” vì tất cả các bộ phận từ cơ thể nó đều có thể đem chế được thành thuốc, dùng để tăng cường sinh lực, phòng chống, chữa trị hiệu quả nhiều bệnh ở người.

Một số bài thuốc, món ngon từ trái quất / Món ăn, bài thuốc hay từ ngải cứu

Thịt lợn (trư nhục): Dùng chế biến ra nhiều món ăn thông dụng, khá ngon, lại có tác dụng y dược hiệu quả nên được nhiều người ưa chuộng. Nó mang vị hơi ngọt, mặn, tính bình, ăn vào sẽ làm khỏe cơ, hoạt huyết, bổ thận, tiêu thũng và là thuốc chữa nhiệt khí, nhức mỏi, suy thận, phù thũng, ho hen…

Các bài thuốc chế từ Lợn - 1

Ảnh minh họa.

Thịt lợn nạc giã nhuyễn, nặn viên, rồi nấu với rau ngót thành món ăn-vị thuốc cổ truyền phổ biến để bồi dưỡng sức khỏe cho những người đang chữa bệnh, người mới khỏi ốm, người già yếu và phụ nữ mới đẻ.

Còn nếu lấy miếng thịt lợn nạc để sống, đem thái mỏng, đắp vào vết thương đang chảy máu thì máu sẽ cầm lại ngay. Một số sách thuốc xưa - như Chẩn hậu phương chẳng hạn - còn ghi lại bài thuốc dùng thịt lợn nạc (1 phần) nấu với rễ cỏ tranh (2 phần), ăn sẽ đặc trị chứng hoàng đản thể thấp nhiệt.

Mỡ lợn (trư cao): Vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng hoạt huyết, nhuận phổi, giải độc, khu phong. Nó thường được rán thành mỡ nước, bôi ngoài da chữa bỏng, lở loét, mụn nhọt, rụng tóc. Lấy mỡ lợn trộn với bột hạt lai (đốt thành than) đem đắp chữa được chốc đầu.

Óc lợn (trư não): Vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng bồi bổ, thông kinh, tĩnh trí; chữa suy nhược thần kinh, đau đầu, hoa mắt chóng mặt và mụn nhọt. Có thể dùng đơn hoặc phối hợp với các thảo dược hoài sơn, câu kỷ, thiên ma, trần bì.

Tim lợn (trư tâm): Vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng bổ tâm, bổ huyết, ích khí, an thần; trị kinh giản, thương phong, suy nhược thần kinh và cơ thể. Theo sách Chứng trị yếu quyết, dùng tim lợn đực (1 quả) cùng nhân sâm và dương quy (mỗi thứ 10 g) đem luộc lên ăn, sẽ đặc trị bệnh mất ngủ, chứng ra mồ hôi trộm.

 

Gan lợn (trư can): Vị đắng, hơi mặn, tính ấm, có tác dụng dưỡng huyết, tiêu độc, bổ gan, sáng mắt; chữa huyết hư, vàng da, quáng gà, phù thũng, cước khí, bạch đới và đại tiện lỏng kéo dài.

Các bài thuốc chế từ Lợn - 2

Đem gan lợn (5 phần) băm nhỏ với cây chó đẻ (1 phần), nấu nhiều lần, lấy nước đặc uống mỗi ngày vài lần sẽ chữa được viêm gan. Còn với bệnh xơ gan, điều trị bằng cách ăn thường xuyên gan lợn (3 phần) nấu với vỏ dưa hấu (10 phần).

Để chữa viêm giác mạc, đau mắt, dùng gan lợn (1 phần) thái miếng nấu với lá dâu (2 phần) thành canh ăn.

Phổi lợn (trư phế): Vị nhạt, tính lạnh, có tác dụng mát phổi, giảm ho, trừ đờm; trị hen phế quản, ho lâu ngày, ho ra máu. Lấy phổi lợn (10 phần) rửa sạch, thái nhỏ, bóp hết bọt nước; nếu đem nấu với rau diếp cá (3 phần), ăn sẽ chữa được viêm khí quản mãn tính; còn nếu đem nấu với ý dĩ (5 phần), ăn sẽ trị ho, khó thở, đau vùng ngực.

 

Lá lách lợn (trư tỳ): Vị ngọt, tính bình, có tác dụng kiện tỳ, thoát chướng, nhuận sắc; trị ho, sốt rét, chữa tích cục trong bụng và làm đẹp da. Theo sách Chuẩn hậu bị cấp phương, để trị ho lâu ngày dùng lá lách lợn (3 bộ), đại táo (100 quả), ngâm chung nhiều ngày trong rượu gạo (1,5 lít), khi dùng mỗi lần uống 30-50 ml.

Xương lợn (trư cốt): Có tác dụng tiêu khát, giải độc, hoạt huyết, nhuận sắc; chữa chứng đồi sán, tiểu đường, khô da. Lấy xương sống lợn (10 phần) rửa sạch, chặt nhỏ, nấu với gạo nếp (15 phần) và gia vị thành cháo, ăn trong ngày sẽ làm da mặt trơn bóng, hồng hào.

Các bài thuốc chế từ Lợn - 3

Theo sách Tam nhiên phương, bài thuốc để trị bệnh tiểu đường là dùng xương sống lợn (12 đốt), đại táo (49 quả), liên nhục (49 hạt), chích cam thảo (60 g), mộc hương (6 g), tất cả cho vào 5 bát nước, sắc lấy khoảng 3 bát uống trong một ngày.

Tủy lợn (trư tủy): Vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng bổ âm, ích tủy; chữa hư lao, lở loét và bị thương do sang chấn. Ngoài ra, bài thuốc đặc trị chứng bế tinh (không phóng tinh) do âm hư hỏa vượng là đem tủy lợn sống (30 g) cùng thục địa (15 g), quy bản (20 g), tri mẫu (15 g), hoàng bá (8 g), sắc uống mỗi ngày một thang.

 

Còn nếu đem trộn tủy lợn sấy khô (80 g) với ý dĩ (80 g), cát căn (80 g) và hoài sơn (120 g) tất cả tán thành bột, ngày uống 20-40 g sẽ chữa được bệnh tiểu đường.

Mật lợn (trư đởm): Vị đắng, mùi tanh, tính lạnh, có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, sát khuẩn, thông đại tiện, kích thích tiêu hóa và bài tiết mật; trị ho gà, hen suyễn, suy gan, vàng da, ứ mật, chậm tiêu và táo bón.

Hơn nữa, nước mật lợn để nguyên hoặc cô đặc phối hợp với hoàng bá, dùng bôi chữa bỏng; với nghệ vàng hoặc gừng tươi - trị chốc đầu, nhọt độc; với hành tươi, tỏi, lá trầu không, lá ớt - trị rắn cắn. Theo sách Tuệ Tĩnh toàn tập, có tới 10 bài thuốc sử dụng mật lợn.

Lưỡi lợn (trư thiệt): Đặc trị chứng khí anh (mọc u sau gáy). Lấy lưỡi lợn sấy khô, tán nhỏ, mỗi lần uống 4 g với rượu trước khi ngủ.

Dạ dày lợn (trư vị): Vị ngọt, hơi mặn, tính ấm, có tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ vị; chữa khát, chảy máu cam, hư lao, di tinh, đái dầm, tiêu chảy, kiết lỵ. Dạ dày lợn thái nhỏ, nấu với củ mã thầy, ăn sẽ trị được bệnh vàng da.

 

Các bài thuốc chế từ Lợn - 4

Đem dạ dày lợn (1 cái) làm sạch, cho hồ tiêu trắng (15 g) đã nghiền vào trong, ninh nhừ bằng lửa nhỏ, ăn nóng và cách 3 ngày ăn một lần, sẽ chữa được đau dạ dày dạng hàn (lạnh bụng).

Theo sách Nam dược thần hiệu, lấy dạ dày lợn nhồi hạt sen, nấu chín ăn hoặc ninh cho thật nhừ, giã nát, trộn với hồ, viên thành hạt bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 50 viên với nước ấm vào lúc đói, sẽ đặc trị đái rắt.

Còn theo sách Tập từ sinh, để chữa thận hư, di tinh, lấy dạ dày lợn đực (1 cái) làm sạch, cho đỗ trọng (250 g) vào, khâu kín, hầm nhừ, bỏ bã đỗ trọng đi, rồi ăn cả dạ dạy lẫn nước hầm.

Ruột non lợn (trư tiểu tràng): Vị đắng, tính bình, có tác dụng bổ tâm, thanh nhiệt, hòa tạng; trị viêm dạ dày, di tinh, viêm âm hộ. Dùng ruột non lợn (1 bộ), gừng tươi (5 lát), hồ tiêu (10 hạt); rửa ruột với dấm, bỏ hạt tiêu, gừng vào, hấp cách thủy, chia ăn 2 lần trong ngày sẽ chữa chứng đau dạ dày kéo dài.

 

Bong bóng lợn (trư bàng quang): Vị ngọt, mặn, tính lạnh, có tác dụng tăng sữa, lợi tiểu; chữa đái dầm, đái buốt, đái rắt, di mộng tinh, bìu dái sưng đau, ngọc hành lở loét.

Đem bong bóng lợn nấu nhừ với lá đinh lăng và gạo nếp thành cháo, ăn làm thuốc tăng tiết sữa. Theo sách Y lâm tập yếu, dùng bong bóng lợn (1 cái), dạ dày lợn (1 cái) nấu cháo với gạo nếp ăn hàng ngày sẽ trị bệnh đái dầm.

Ruột già lợn (trư đại tràng): Vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh, có tác dụng bổ hạ, tiêu viêm; trị đại tiện ra máu, viêm đại tràng mãn tính; hoặc nấu với củ gió đất, ăn chữa bệnh trĩ.

Các bài thuốc chế từ Lợn - 5

Theo sách Vĩnh loại linh phương, để trị đại tiện ra máu, lấy một đoạn ruột già lợn rửa sạch, nhồi đầy hoa hòe và buộc lại, cho vào nồi đất, hầm nhừ, rồi viên thành những hạt bằng hạt ngô, mỗi lần uống 1 hạt với nước sắc dương quy (ngày uống 2 lần).

 

Bộ phận sinh dục lợn (trư sản): Tinh hoàn lợn đực có tác dụng tăng cường sinh dục; chữa phạm phòng (thượng mã phong), đau ngọc hành. Âm hành lợn cái đặc trị liệt dương (dùng 3 âm hành lợn cái sấy khô, tán bột, mỗi lần uống 4 g với rượu).

Chân giò lợn (trư đề): Vị mặn, tính bình, có tác dụng bồi bổ, dưỡng thai, tăng sữa, làm đẹp da. Đem chân giò lợn (2-3 cái) nấu chín nhừ với lõi thông thảo (10-20 g) và gạo nếp (30-50 g) thành cháo, ăn trong một ngày, sẽ là thuốc đặc hiệu cho phụ nữ mới đẻ mà thiếu sữa.

Da lợn (trư bì): Vị hơi mặn, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, dưỡng da; trị bỏng, khát, chốc đầu và rắn cắn. Dùng miếng da lợn tươi, mỏng, rửa sạch và ướp lạnh rồi đắp lên vết thương, vết thương rất mau lành.

Lông lợn (trư mao): Đốt thành than, tán bột, có tác dụng sát khuẩn, cầm máu; trị nhiễm trùng, mụn nhọt, xây xát. Dùng bột than lông lợn hòa vào rượu hoặc trộn với mật ong, bôi chữa muỗi, vắt đốt, rết cắn.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm