Đời sống

Cần làm gì khi trẻ bị ho?

Thời tiết giao mùa, thoắt mưa thoắt nắng, nhiệt độ trong ngày giao động mạnh, khí hậu hanh khô khiến cho trẻ dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp vì sức đề kháng còn non yếu. Một trong những biểu hiện thường thấy nhất ở hầu hết các trẻ là ho.

Mách mẹ những cách chữa ho nhiều đờm cho trẻ tại nhà đơn giản và hiệu quả / Món ăn bài thuốc chữa ho hiệu quả trong mùa đông

Nguyên nhân nào khiến bé bị ho?

Ho là một phản ứng có lợi của cơ thể, nhằm đẩy các chất bài tiết hoặc dị vật ra ngoài. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, ho nhiều làm trẻ mệt, khó ăn, dễ nôn trớ, ho ban đêm còn khiến trẻ mất ngủ. Trong nhiều trường hợp, ho là biểu hiện của việc cơ thể bé bị nhiễm bệnh.

Có hai nhóm nguyên nhân khiến bé bị ho

Nhóm thứ nhất: Bé bị ho do các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như viêm mũi họng do virus, viêm họng do vi khuẩn, viêm mũi xoang cấp ở trẻ, viêm thanh nhiệt cấp, viêm thanh quản – viêm thanh khí phế quản cấp, viêm phổi.

Đặc điểm của nhóm nguyên nhân này là bé bị nhiễm khuẩn, có thể sốt, ho sẽ giảm và chấm dứt sau khi điều trị dứt điểm các nguyên nhân chính gây bệnh. Mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho con mà phải được thăm khám và kê đơn từ bác sĩ.

Nhóm nguyên nhân khác khiến bé bị ho có thể là do bé bị nhiễm lạnh, dị ứng thời tiết, hen suyễn , những kích thích bên ngoài như khói thuốc lá, khói than, không khí ô nhiễm cũng có thể khiến bé ho. Ngoài ra, cũng có một nguyên nhân khiến bé bị ho là do bé nuốt phải dị vật.

Bởi ho không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng của bệnh khác, có rất nhiều nguyên nhân gây ho ở trẻ, nên nguyên tắc đầu tiên cho việc điều trị là phải tìm ra đúng nguyên nhân, đồng thời điều trị triệu chứng ho và làm cho đờm thoát ra ngoài (nếu trẻ ho có đờm). Có một tỉ lệ lớn trẻ bị ho do nhiễm lạnh, dị ứng thời tiết, khói bụi.... sẽ tự khỏi sau 7 ngày đến nửa tháng, không cần dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Song, ở trẻ nhỏ, ho có thể là biểu hiện của một trong các bệnh viêm đường hô hấp nào đó, có thể diễn biến rất nhanh. Bởi vậy, nếu thấy trẻ ho có kèm theo sốt, mệt, xanh xao, bỏ ăn, bú ít, thở khó nhọc... mẹ cần đưa trẻ đến bác sỹ càng sớm càng tốt.

Ảnh minh họa.

Làm sao để trẻ không ho khi thời tiết chuyển mùa

Theo bs CK1 Phạm Thị Huyền (Bệnh viện ĐK Bắc Giang), với nhóm trẻ dị ứng cơ địa, thời tiết thay đổi là bị ho, khó thở thì điều cần nhất là tăng sức đề kháng bằng cách bổ sung vitamin (ăn nhiều rau xanh, hoa quả), cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ chất. Bố mẹ nên theo dõi dự báo thời tiết đều đặn để giữ gìn cho con. Cho trẻ mặc vừa đủ ấm khi ra ngoài, giữ ấm khi đi ngủ. Tránh cho trẻ những môi trường ô nhiễm như khói bụi, khói than, có người hút thuốc lá.

Cũng theo bác sĩ, có nhiều mẹo dân gian cũng rất hữu ích để phòng ho cho nhóm trẻ này như: cho bé uống 1 thìa cà phê mật ong chanh pha loãng (làm ấm trước khi dùng) mỗi sáng thức dậy (với trẻ dưới 1 tuổi thì hấp chín lên rồi mới dùng). Ngâm chân trong nước ấm pha một chút dầu tràm trước khi đi ngủ. Xúc miệng bằng nước muối để tránh viêm họng mỗi tối và sáng.

Ngoài yếu tố dị ứng, đa phần trẻ bị ho do các bệnh viêm đường hô hấp trên. Vì thế, các cha mẹ nên thực hiện các khuyến cáo đã được các bác sỹ đưa ra để phòng bệnh cho trẻ:
- Tăng cường cho trẻ bú mẹ từ sau sinh đến 2 tuổi. Tránh cai sữa cho con trong giai đoạn này.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhiều vitamin, trẻ ngoài 6 tháng có thể bổ sung thêm nước cam trong khẩu phần ăn hàng ngày
- Cho trẻ uống đủ nước
- Chăm sóc giấc ngủ, đảm bảo trẻ ngủ đủ giờ, ngủ sâu, không bị nóng hoặc lạnh quá khi ngủ để trẻ có sức khoẻ tốt hơn
- Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ
- Không cho trẻ ăn uống đồ quá lạnh
- Giữ vệ sinh cho trẻ, rửa tay thường xuyên, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý
- Giữ môi trường nhà cửa sạch sẽ, thoáng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc khói than, khói thuốc lá, khói bụi
- Có thế kết hợp các cách chăm sóc truyền thống: tắm dầu tràm, xoa 1 xíu dầu ấm lên ngực trẻ trước khi ngủ...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm