Đời sống

Chuyện bi hài về hành trình tìm việc của những CEO sau khởi nghiệp thất bại: Người rải 2.000 hồ sơ vẫn "tay không", kẻ cay đắng khi gặp sếp mới là nhân viên cũ

Rất nhiều người trẻ đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp, kinh doanh, làm ông chủ. Nhưng cũng có không ít những người từng thành công, những ông chủ "lỡ bước" phải quay trở lại con đường tìm việc. Bắt đầu lại từ vạch xuất phát thường không dễ dàng.

CEO Qantas Airways: Hãy cứ khám phá thế giới này đi đã / Bà Mai Kiều Liên lại đoạt giải "quán quân CEO"

Dưới đây là tâm sự của 4 vị CEO về hành trình tìm việc sau khi khởi nghiệp thất bại:

Lưu Bằng, 28 tuổi, cựu CEO: Khởi nghiệp thất bại, tôi phải đi nộp hơn 2000 đơn xin việc

Trải qua 220 ngày thất nghiệp tôi mới kiếm được một công việc. Nhưng theo tính toán, hình như tôi đã nộp hơn 2.000 đơn xin việc trên trang tuyển dụng, đi phỏng vấn cũng hơn chục lần.

Lúc đầu, tôi viết đầy đủ những kinh nghiệm khởi nghiệp 5 6 năm của mình, nhưng chỉ nhận lại sự phớt lờ. Thật sự rất khó có thể thuyết phục họ rằng, tôi có thể làm được gì sau thất bại lớn như vậy. Một trong số những công ty mà tôi đi phỏng vấn sẵn sàng cầm đống CV của tôi ném vào thùng rác và nói chúng không có ý nghĩa gì ở công ty họ cả.

Cái cảm giác thất bại đó thật ra tôi cũng đã quen từ lâu. Ngày trước, tôi với bạn còn mở cửa hàng bán guitar, kết quả là đóng cửa. Năm 2017, chúng tôi dự tính mở một công ty truyền thông, đến lúc làm thật, phải thầu hết bao nhiêu là công việc, vừa phức tạp mà còn tốn hết bao nhiêu tiền của.

Cuối cùng, chúng tôi dồn hết tiền tiết kiệm để đầu tư, tìm kiếm những người trong ngành để làm cầu nối hỗ trợ mình, và tất nhiên, cũng thất bại. Nhưng cũng không thể làm gì khác ngoài cắn răng chịu đựng.

Tiết trời Bắc Kinh nắng nóng 40 độ mà tôi phải mặc chiếc áo sơ mi chạy ráo riết khắp nơi để xin việc. May mắn thay, cuối cùng tôi đã gặp được một người sếp đánh giá cao tôi và hiện tại tôi đang duy trì một công việc ổn định mà không cần lo nghĩ nhiều. Tuy nhiên, nhìn thấy bản thân bây giờ, không còn tiếng nói như trước nữa, tôi cũng thấy rất chạnh lòng.

Kiều Sơn, 27 tuổi, cựu CEO của một công ty: CEO phá sản, các công ty đều từ chối vì “không đủ tiền trả lương cho tôi”

Việc khởi nghiệp thất bại khiến tôi phải tìm kiếm những công việc khác. Lúc phỏng vấn thì mọi người cười cười nói nói, họ bảo tôi cứ về rồi sẽ thông báo sau. Nhưng cuối cùng cũng chẳng có thông báo nào. Chắc nhìn tôi hơi phô trương, nên tôi đành gỡ chiếc nhẫn vàng trên tay để cho dễ nhìn hơn.

Trước đây, hầu như không có điều gì gọi là thất bại trong cuộc đời tôi. Khi tôi còn nhỏ, ông tôi là giám đốc của nhà máy, hơn chục tòa nhà trong tỉnh thuộc về nhà máy đó. Những cuộc thi tôi tham gia từ bé đều đạt được top 5 trở lên. Hồi xuân 2017, tôi thành lập công ty tài chính, chủ đầu tư là sếp cũ của tôi, hứa sẽ giao 20 triệu cho tôi để đầu tư dự án này.

Và cứ như thế, tôi trở thành CEO ở tuổi 25, có cả một đội ngũ riêng. Tuy nhiên công việc mỗi tuần lại chiếm hầu hết khoảng thời gian của tôi, đôi khi tôi không có đủ thời gian để chăm sóc bản thân.

Để rồi khi tin dữ ập đến, chủ đầu tư cắt nguồn, chúng tôi không đủ tiền để trả thù lao hàng tháng. Để tồn tại, tôi còn tiếp quản một số việc kinh doanh khác nhưng vẫn không đủ xoay sở.

Công ty giải tán, điều đầu tiên tôi làm là dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, một khoảng thời gian dài sau tôi bắt đầu lo lắng, vì đi tìm việc mà chẳng thu lại được kết quả gì. Có những công ty khi biết được năng lực của tôi, họ thường đáp lại: "Có lẽ anh không phù hợp với chức vị này” hay “Có lẽ lương ở đây sẽ không đáp ứng được mong đợi của anh”.

Cuối cùng, một công ty mời tôi về làm quản lý. Nhưng công ty ấy lại khuyến khích nhân viên tăng ca quá nhiều, không còn thời gian để lo cho sinh hoạt của bản thân nữa. Cuối cùng, qua 3 tuần thì tôi lại rời đi. Và bây giờ, tôi lại đang ngồi tìm việc làm tiếp.

Đại Thành, 42 tuổi, cựu CMO: Người phỏng vấn lại chính là thực tập sinh cũ của tôi

Chuyện bi hài về hành trình tìm việc của những CEO sau khởi nghiệp thất bại: Người rải 2.000 hồ sơ vẫn tay không, kẻ cay đắng khi gặp sếp mới là nhân viên cũ - Ảnh 1.
Ảnh minh họa.

Khởi nghiệp thất bại, tôi tìm đến một công ty truyền thông xin việc. Người phỏng vấn tôi lúc đấy là một giám đốc cấp cao, thật bất ngờ, đó lại chính là thực tập sinh của tôi lúc xưa. Lúc đó, lòng tôi có cảm giác rất khó tả. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục trải qua ba vòng phỏng vấn. Cuối cùng, họ đề nghị tôi một mức lương chỉ bằng phân nửa chàng trai trẻ đó. Tôi suy nghĩ rất lâu nhưng cũng đành từ chối.

Gặp thất bại nhưng tôi vẫn không dám cho người khác biết. Tìm việc thì không thích kiếm công ty nhỏ, mà công ty lớn thì chắc không tìm người già như tôi, vì bây giờ khả năng của tôi làm sao có thể so được với lớp trẻ.

Trong lúc khó khăn đó, tôi còn dự định đi giao đồ ăn hoặc làm tài xế. Thất bại liên tiếp khiến tôi không chịu được nữa mà trở về Quảng Châu cùng vợ, kiếm sống bằng cách viết báo.

Nhưng tiếp tục như thế thì không được, thế là tôi lại cùng vợ quay lại Bắc Kinh. Bây giờ, tôi đang làm thiết kế nội dung cho một trang bán hàng online, và những người ngồi cạnh tôi còn trẻ hơn cả anh chàng đã từng phỏng vấn tôi.

Trương Nội Hàm 33 tuổi, từng hợp tác với công ty khởi nghiệp: Khởi nghiệp thất bại lại khiến tôi biết đấu tranh quyết liệt hơn

Năm 2016, tôi làm truyền thông cho một công ty tài chính, bên nhóm tôi có 7, 8 người. Thấy được tiềm lực bên tôi, họ mong muốn mở rộng thương hiệu thông qua các sản phẩm truyền thông này. Nhìn chung, bên công ty đối tác có những điều kiện tài chính tương đối ổn định để hợp tác. Nhưng chỉ không lâu sau khi vào làm, tôi mới vỡ lẽ ra.

Lúc mới vào làm thì bị ghẻ lạnh, tới sau vài tháng, bên công ty lại muốn tìm cách loại bỏ chúng tôi, lại muốn cử tôi qua bộ phận khác để làm việc vặt.

Mọi người thì bảo rằng công việc dễ dàng, lương cao, hãy cứ ở lại mà làm. Nhưng tôi lại quyết định ra khởi nghiệp, và thật may mắn đã tìm thấy được một doanh nhân có thể làm cầu nối hỗ trợ cho tôi. Thế là tôi vừa làm giám đốc, vừa là đối tác của anh ta.

Nhưng tôi vẫn chưa bỏ được bản tính hời hợt của mình, ngay cả những người tôi tuyển chọn cũng có tính cách y hệt tôi, họ muốn có được tự do trong công việc, muốn đi là đi muốn về thì về. Cũng vì thế, mà tôi và bên đối tác có rất nhiều mâu thuẫn. Một khoảng thời gian sau, chúng tôi lại gặp khúc mắc về tài chính, phải vất vả lắm mới trả lương đủ cho mọi người, tôi quyết định ra đi.

Ngỡ rằng mình có lợi thế rất nhiều nhưng rồi càng lâu mới thấm được đắng cay. Bỏ quay phim, bỏ khởi nghiệp, tự đá đổ luôn bát cơm của mình. Nhưng nếu bỏ đi bây giờ thì sẽ càng bế tắc, tôi quyết định mở một công ty truyền hình giải trí để chứng tỏ bản thân.

Nhưng lần này, tôi từ bỏ lối sống hời hợt, làm việc nghiêm túc hơn, những ai không theo được thì tôi mời đi, vì bây giờ, đã đến lúc tôi phải đấu tranh rồi.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm