Đời sống

Đảo hoang Đống Chén: Địa điểm “mất tích”, check in tuyệt đẹp không thể bỏ lỡ dịp 2/9

DNVN - Hòn đảo hoang sơ Đống Chén thích hợp cho những ai muốn trải nghiệm ở nơi hoang sơ, với nắng, gió, cát, không mạng Internet, không tivi, thậm chí có lúc không cả sóng di động. Một điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ lễ mùng 2/9 sắp đến.

Hot boy gốc Việt được dân mạng ví đẹp trai như sao Hàn Quốc / 3 con giáp gặp đại hạn, bị hung tinh chắn đường vào cuối tháng cô hồn

Điểm đặt chân lên đảo hoang Đống Chén, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Quyên

Đảo Đống Chén là một hòn đảo hoang sơ nằm trong quần đảo ở Vịnh Bái Tử Long, thuộc huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Hòn đảo xanh mát, phía dưới làn nước biển là những hòn đá trông như chiếc chén, to nhỏ đủ cỡ. Biển ở đây lặng sóng như mặt hồ, nước biển trong xanh, nhiều chỗ có rặng san hô. Vùng nước mặn thích hợp để nuôi tu hài, hàu và ngao. Hòn đảo còn hoang sơ, mới chỉ có một góc nhỏ là có người ở nên còn nguyên những rừng cây rậm rạp bao quanh đảo.
Đảo có duy nhất một bãi tắm nhỏ, cát vàng, nước trong và rất sạch sẽ. Cư dân ở đảo hiện mới chỉ có duy nhất một cặp vợ chồng trẻ đang thuê mặt nước ở Vịnh Bái Tử Long để nuôi hải sản, gần đây họ kết hợp làm dịch vụ cho du khách lên thăm đảo. Sống cùng với họ trên đảo còn có 4 ngư dân, chủ yếu làm các công việc nuôi trồng thủy sản, kết hợp với phục vụ mỗi khi có đoàn khách đến đảo.

Đến Đống Chén bằng cách nào?

Do đảo còn hoang sơ, chưa có tuyến đường thủy nội địa, nên du khách đi du lịch theo nhóm lẻ, ít người sẽ tốn kém chi phí thuê tàu. Cách tốt nhất để đi đảo là lập nhóm đông từ 20-30 người để tiết kiệm chi phí di chuyển . Năng lực phục vụ trên đảo chỉ tối đa tầm 50 người. Nên trước khi đi đảo bắt buộc phải liên hệ trước với chủ đảo để được sắp xếp chỗ ăn, nghỉ, hỗ trợ đặt tàu thủy đưa lên đảo.
Với một nhóm tầm 20 - 30 người nên thuê trọn một chuyến xe từ Hà Nội. 7h sáng xuất phát đi theo đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng – Hạ Long, khoảng 10h đến bến cảng Vũng Đục, thuộc huyện đảo Vân Đồn. Đến cảng sẽ có tàu cao tốc hoặc tàu gỗ do chủ đảo đặt trước để đón du khách. So sánh giữa đi tàu cao tốc và tàu gỗ, thì tàu cao tốc đi nhanh hơn, nhưng tàu nhỏ và không gian tầu không rộng, thoáng bằng tàu gỗ. Đi tàu gỗ cho dù tốc độ chậm hơn nhưng du khách có thể thụ hưởng không khí trong lành, thoải mái ngắm vẻ đẹp của Vịnh Bái Tử Long trên suốt quãng đường di chuyển.
Từ bến cảng Vũng Đục đi tàu cao tốc hết khoảng 30-40 phút, đến 11 giờ là cả đoàn đặt chân lên đảo Đống Chén.
Bến cảng Vũng Đục nơi tàu đưa du khách ra đảo Đông Chén.

Bến cảng Vũng Đục nơi tàu đưa du khách ra đảo Đống Chén.

Đảo có duy nhất một khu homestay, chỗ nghỉ chỉ có mấy căn nhà sàn làm bằng tre gỗ, lợp mái lá như kiểu nhà cổ ngày xưa và một căn nhà xây cấp 4 có 3 phòng ngủ. Khách lên đảo sẽ được bố trí ăn nghỉ trong các căn nhà này. Phòng nghỉ đơn sơ, không có tiện nghi, nhưng khá sạch sẽ. Thông thường khách sẽ được bố trí ở chung trong các khu nhà sàn, theo kiểu nam ở một nhà sàn, nữ ở chung một nhà sàn. Nhà nào có trẻ con đi cùng sẽ được ưu tiên ở trong căn nhà xây và có điều hòa.
Đảo có sẵn nước ngọt nên du khách được dùng nước tắm, rửa rất thoải mái, không phải tiết kiệm nước ngọt như ở một số đảo khác. Đảo không có điện lưới, dùng điện năng lượng mặt trời và máy phát điện, nên chỉ khi thời tiết thật nóng bức chủ đảo mới phát điện để chạy điều hòa. Còn bình thường sẽ chỉ có quạt trần, quạt cây dùng điện năng lượng mặt trời.
Điểm trừ khi tới đây là sóng di động rất yếu, chập chờn, không thể truy cập 3G, 4G. Cả đảo chỉ có duy nhất một chiếc tivi thu sóng truyền hình mặt đất DVB-T2. Nhưng với những ai thích rời xa cuộc sống bận rộn, căng thẳng thường ngày, với quỹ thời gian từ 2-3 ngày du khách có thể có những ngày nghỉ ngơi, thư giãn tuyệt diệu với thiên nhiên hoàn toàn, tạm gác công việc, rời xa Internet, tivi, Facebook và điện thoại.
Nơi thư giãn, đọc sách, rời ra Internet của trẻ em.

Trẻ em có thể thư giãn, đọc sách, rời ra tivi và Internet.

Ăn gì trên đảo?

Khi tàu đưa du khách lên đảo, sắp xếp chỗ nghỉ xong, khách sẽ được ăn trưa ở khu nhà sàn rộng rãi ngay sát biển. Các món đồ biển rất tươi ngon như hàu, ngao, tu hài, cá mú, tôm, cá biển kho, canh cua đá được chính tay bà chủ nhà lần lượt bê lên đãi khách.
Không khí trên đảo rất thoáng mát, gió thổi miên man suốt cả ngày. Xung quanh các khu nhà nghỉ, chủ đảo trồng hoa, hành, ớt, rau thơm, tự làm nước mắm, mắm tép. Măng và một số loại rau sẽ được hái từ khu rừng quanh đảo để du khách thưởng thức, có những món rau khá lạ miệng.
Hai vợ chồng chủ đảo và nhân viên ở đây cực kỳ thân thiện với du khách. Các bữa chính và bữa phụ đều được thay đổi món ăn khác nhau, đồ tươi ngon, nấu nướng kiểu dân dã ăn rất vừa miệng. Nếu ai thích mang quà về đất liền thì có thể mua nước mắm, mắm tép do bà chủ đảo tự làm.
Gỡ lưới, bắt cù kỳ cho bữa trưa.

Gỡ lưới, bắt cù kỳ cho bữa trưa.

Chơi gì trên đảo?
Ngày đầu tiên đến đảo, sau bữa trưa và nghỉ ngơi, du khách tự do ra biển để vui chơi: Bơi, lặn, chèo thuyền kaya, hoặc có thể leo lên tham quan, check in bè nuôi ngao ngay sát bãi biển. Du khách có thể chèo thuyền kaya dạo chơi trên biển, ngắm hoàng hôn, chụp ảnh check in thoải mái trên tàu gỗ hoặc bè nuôi ngao.
Lưu ý là biển ở đây tuy không có sóng mạnh, nước lặng như mặt hồ, nhưng khá sâu và có nhiều con hà bám vào đá có thể cứa đứt chân nếu người bơi ra xa. Do đó cách tốt nhất để khỏi bị thương là mỗi người chuẩn bị sẵn một đôi tất loại cao su chuyên dụng đi biển bảo vệ chân khi bơi lội dưới biển là. Nhà có trẻ em thì phải trông nom, theo sát các bé khi xuống nước.
Chèo thuyền, bơi lội giữa Vịnh Bái Tử Long

Thoải mái chèo thuyền, bơi lội giữa Vịnh Bái Tử Long

Một góc bình yên trên đảo.

Một góc bình yên trên đảo.

Những chum vại làm nước mắm, mắm nêm ngay sát biển.

Những chum vại làm nước mắm, mắm tép ngay sát biển.

 

Sau bữa tối, mọi người có thể nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian tĩnh lặng của biển cả.
Sáng ngày thứ hai trên đảo, mọi người nên thức dậy sớm để ngắm bình minh, tắm biển, ngắm thủy triều xuống làm trơ bãi cát vàng. Có thể tìm bắt các sinh vật của biển còn sót lại trên bãi cát.
Sau bữa sáng, có tàu cá kéo theo chiếc bè gỗ to đủ đưa cả đoàn 30-40 người ra thăm Vịnh và khu nuôi tu hài, nuôi ngao của chủ đảo. Cách xa đảo chừng 1km có một vùng nước nông chỉ tới ngang lưng người lớn, mọi người có thể rời bè xuống nước bơi lội tung tăng giữa biển, lặn ngắm san hô. Đương nhiên để đảm bảo an toàn mọi người buộc phải mặc áo phao trước khi lên bè và xuống bơi giữa biển.
Bè nuôi ngao giống ngay sát đảo.

Bè nuôi ngao giống ngay sát đảo.

Một góc bãi tắm hoang sơ.

Một góc bãi tắm hoang sơ.

Một tàu gỗ nhỏ của ngư dân cũng đưa những ai thích khám phá ra thăm các bè nuôi hải sản cách đảo chừng vài km để cùng gom lưới thu hoạch cá, cù kỳ, ngao, tu hài, ghẹ. Những món thu hoạch được sẽ được mang thẳng vào bếp để nấu bữa trưa tươi ngon cho đoàn thưởng thức.
Tầm 10h sáng, khi mọi người vui chơi giữa biển chán chê, bè đưa du khách quay về đảo, trong lúc chờ bữa trưa mọi người có thể tiếp tục bơi lội và chơi trên bãi cát.
Sau bữa trưa, với đoàn đi 2 ngày 1 đêm thì 14h sẽ có tàu đón đoàn về đất liền, khoảng 3h sẽ vào đến cảng Vũng Đục, xe bus thuê sẵn đã chờ đón, chỉ tầm 18h30 đoàn về tới Hà Nội.
Hoàng hôn trên đảo.

Hoàng hôn trên đảo.

Chi phí đi đảo?

Chi phí ăn ngủ nghỉ trên đảo khá rẻ, chỉ có cước phí di chuyển lên đảo khá cao, tiền thuê xe khách và tầu cao tốc khoảng 14 triệu cả đi và về trọn gói. Với đoàn tầm 30 người, đi 2 ngày 1 đêm, thì chi phí toàn bộ cho chuyến đi bình quân từ 1,5 đến 1,6 triệu đồng/người (tính theo đầu người cho cả người lớn, trẻ em), chi phí này chưa bao gồm đồ uống. Do trên đảo chỉ phục vụ nước lọc, nước trà, nên du khách phải tự mang theo các loại đồ uống như rượu, bia, nước ngọt, thuốc lá, các món ăn cho em bé như bánh kẹo, sữa.
Để có chuyến đi mỹ mãn, mọi người đừng quên những vật dụng khi đi biển. Tại các phòng tắm đều có sẵn dầu gội, sữa tắm, nhưng mọi người vẫn cần mang theo khăn tắm, bàn chải, khăn mặt cá nhân. Cũng đừng quên mang theo dầu xịt muỗi, kem chống nắng, phao bơi, kính lặn trước khi lên tàu ra đảo.
Trong khu nghỉ có nhiều võng, ghế xích đu cho du khách ngồi chơi, ngắm biển, nghỉ trưa nên những nhà có trẻ em đừng quên mang theo sách, truyện để các bé tranh thủ đọc sách ngay sát bờ biển.
Địa chỉ liên hệ đi đảo: Du khách ở Hà Nội có thể gia nhập nhóm “Vivu cùng con” trên Facebook. Chị Lại Kim Oanh (091.617.6269) thỉnh thoảng có tổ chức nhóm cho các gia đình đưa con đi trải nghiệm trên đảo. Du khách cũng có thể liên hệ trực tiếp với anh Tâm chủ đảo theo số điện thoại 098.290.2323 để có kỳ nghỉ thích hợp...
Anh Tâm, chủ đảo đích thân đưa du khách đi thu lưới bắt cù kỳ.

Anh Tâm, chủ đảo đích thân đưa du khách đi thu lưới bắt cù kỳ.

Đỗ Quyên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm