Du lịch

Mất khách du lịch vì tư duy kinh doanh cơ hội, chụp giật

DNVN - Làm du lịch mà theo kiểu càng đến gần giờ bay, giá vé lại tăng thì chưa chắc đã thắng vì người làm du lịch quên mất rằng khách hàng có nhiều sự lựa chọn khác.

Lâm Đồng hút khách nhờ Tuần lễ vàng du lịch nhiều không gian mở / Vì sao lượng khách du lịch đến Kiên Giang giảm mạnh trong dịp lễ vừa qua?

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, một số trung tâm du lịch lớn của cả nước ghi nhận tình trạng vắng khách. Trong đó, có nguyên nhân một phần ở việc một trong những mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch là vé máy bay bị nâng giá cao. Cùng với đó, tình trạng ép giá, “ăn xổi” trong nhiều mùa du lịch nghỉ lễ trước đã khiến du khách không muốn quay lại.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho rằng, đây không phải là vấn đề mới mà là vấn đề đã được bàn đến trong mỗi mùa du lịch. Sự phối hợp kết nối, hài hòa lợi ích cũng như vấn đề phát triển ngắn hạn, dài hạn, vấn đề phối hợp thế nào cho tốt luôn là bài toán đặt ra cho du lịch Việt.

Đã có những nghiên cứu so sánh giữa Việt Nam với các nước trong khu vực về số khách du lịch quay lại bao nhiêu lần, mức chi tiêu khách du lịch bỏ ra là bao nhiêu.

TS Võ Trí Thành cho rằng du lịch Việt đang vấp phải “thách đố” giữa dịch vụ cho quần chúng với thu hút khách du lịch chất lượng cao.

“Tôi muốn nhấn mạnh du lịch Việt đang vấp phải “thách đố” giữa câu chuyện dịch vụ cho số đông người dân với việc thu hút khách du lịch chất lượng cao có thể đem lại giá trị gia tăng rất cao (tùy thuộc vào địa điểm, dấu ấn di sản). Thách thức ở đây là bên cạnh nỗ lực làm sao phục vụ được toàn thể cộng đồng, người dân, nhưng không đưa chất lượng dịch vụ và cạnh tranh xuống “đáy””, ông Thành nói.

Ông Thành nhấn mạnh, nếu chất lượng dịch vụ du lịch đi xuống đồng nghĩa với việc “đuổi” khách du lịch chất lượng cao. Câu chuyện này liên quan đến quảng bá, truyền tải thông tin giữa các nhóm người, sự phát triển của các mặt hàng, dịch vụ du lịch cũng như việc tận dụng lợi thế của di sản, của thiên nhiên.

Bên cạnh sự phát triển về số lượng dịch vụ du lịch, rất cần sự phân khúc hợp lý để làm sao vừa phục vụ quảng đại quần chúng, vừa không làm chất lượng du lịch đi xuống.

Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, câu chuyện điểm du lịch vắng khách, khách không quay lại, thương hiệu và hình ảnh du lịch xấu đi một mặt nào đó đang mang lại giá trị “tích cực”, đòi hỏi người làm du lịch buộc phải thay đổi thực sự. Nếu không sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi.

“Quan trọng nhất vẫn phải cạnh tranh lành mạnh, đây là bài học. Nếu bạn đi xem hát, càng đến giờ hát, giá vé càng giảm. Đi máy bay, càng đến gần giờ bay, giá vé lại tăng vì nhu cầu của sự cấp thiết phải di chuyển ngay. Tuy nhiên, nếu làm marketing du lịch mà áp theo kiểu càng đến gần giờ bay, giá vé lại tăng thì chưa chắc đã thắng vì người làm du lịch quên mất khách hàng có nhiều sự lựa chọn khác”, ông Thành phân tích.

Dịch vụ du lịch cần tận dụng được lợi thế của di sản, của thiên nhiên.

Bàn về vấn đề kinh tế đêm, ông Thành cho rằng, trong xây dựng kế hoạch xây dựng thành phố du lịch cần dựa vào quy mô thành phố lớn hay nhỏ và lợi ích của các nhóm người thế nào.

Ví như muốn phát triển quy mô lớn như Đà Nẵng thì không thể nói là xây dựng thành phố không ngủ được bởi việc này phải hài hòa các nhóm lợi ích và các nhóm người khác nhau, kể cả về mặt công việc và mặt sinh học.

Bởi vậy, vấn đề quy hoạch là rất quan trọng. Cần nhìn nhận được giá trị mà kinh tế ban đêm có thể đem lại, trong khi không làm tổn hại đến hoạt động, năng lực, nguồn lực ở các lĩnh vực khác.

Bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, có rất nhiều tranh luận liên quan đến kinh tế đêm. Và thực tế, những dịch vụ đêm tại Hàn Quốc đã vướng vào mâu thuẫn xung đột lợi ích hoặc xuất hiện những hành vi xã hội không mong muốn, tiêu cực.

Sau những tranh luận lớn, Hàn Quốc hiện nay đã có chính sách thiết kế cân bằng lợi ích và tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Thậm chí là đã có những hỗ trợ những nhóm người muốn chuyển đi để tránh ồn ào về ban đêm (như hỗ trợ thuê nhà lại, hỗ trợ chuyển đi).

Hàn Quốc đang tạo được môi trường kinh doanh đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để phục vụ kinh tế đêm khá chuẩn chỉnh. Việt Nam có thể coi đó là một bài học cho mình để phát triển kinh tế đêm nói chung và du lịch dịch vụ về đêm nói riêng.


Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm