Du lịch

Ngành du lịch cần 520 nghìn lao động để đạt công suất trên 70%

DNVN - Dự báo về nhu cầu nhân lực cho ngành du lịch tại Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới” sáng 2/4, bà Nguyễn Thanh Bình- Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho biết: Với số cơ sở hiện có, nếu đạt công suất trên 70% dự kiến, ngành du lịch cần có khoảng 520 nghìn lao động.

Khánh Hòa đặt mục tiêu đón hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022 / Du lịch MICE vào mùa sôi động

Sẽ có thể hạn chế cơ hội việc làm của lao động Việt

Theo bà Nguyễn Thanh Bình, giai đoạn 2011-2019, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) Việt Nam, ngày càng đa dạng về loại hình, cách thức vận hành và hình thức sở hữu, quản lý, đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu lượt khách mỗi năm ở các mức chi tiêu khác nhau, góp phần tích cực vào thành tích chung của du lịch Việt Nam và tăng trưởng kinh tế.

Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này diễn ra khắp cả nước, tập trung vào các khu nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi. Nhiều thương hiệu Việt liên tiếp được vinh danh tại lễ trao giải thưởng du lịch danh giá World Travel Awards và các giải thưởng quốc tế khác.

Hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới”. (Ảnh: Hà Anh).

Năm 2011 cả nước có hơn 13.700 CSLTDL với trên 256 nghìn buồng, tới năm 2021 con số đã đạt 38 nghìn CSLTDL với 780 nghìn buồng, tăng hơn 2,5 lần về số cơ sở và hơn 3 lần về sức chứa.

CSLTDL cung ứng dịch vụ lưu trú và nhiều dịch vụ bổ sung, liên quan trực tiếp đến nhiều người, nhiều ngành nghề, thu hút lao động từ giản đơn đến trình độ cao.

“Với số cơ sở hiện có, nếu đạt công suất trên 70% dự kiến ngành du lịch cần có khoảng 520 nghìn lao động trong CSLTDL, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 50 nghìn người”, bà Bình nói.

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, vấn đề nhân sự cho ngành du lịch đang gặp rất nhiều rào cản.

Đó là thách thức liên quan đến những rào cản về ý thức chấp hành pháp luật; kinh nghiệm, trình độ và nhận thức của chủ đầu tư; sự thiếu hụt và khó tuyển dụng nhân lực; chất lượng nhân lực rào cản về chính sách với người lao động; rào cản về tính thời vụ, vốn, về rủi ro, an toàn, công tác đào tạo.

Cùng với đó là thách thức bên ngoài do ảnh hưởng của hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia khu vực kinh tế tự do ASEAN tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp du lịch trong nước và nước ngoài.

“Các nước ASEAN đã ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong du lịch. Lao động các nước ASEAN có chung bộ tiêu chuẩn nghề và có thể tự do đi làm việc trong khu vực. Điều này là thuận lợi nhưng cũng sẽ hạn chế cơ hội việc làm nếu lao động Việt Nam không cải thiện được trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng suất lao động”, bà Bình cảnh báo.

Thu hút nguồn nhân lực

Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Nguyễn Văn Đính- Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng năm 2022, Chính phủ đã mở cửa và phục hồi ngành du lịch. Để thực hiện được điều này, cần giải quyết nhiều vấn đề một cách đồng bộ và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, trong đó giải quyết vấn đề nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cốt lõi.

Theo đó, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề về thu hút nhân lực trước đây và tuyển dụng nhân lực mới; tiếp tục đào tạo lại và đào tạo mới nhân lực du lịch.

Cùng với đó, cần bảo đảm môi trường sống, làm việc và an toàn cho người lao động trong điều kiện bình thường mới và đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiết kiệm nhân lực, nâng cao năng suất lao động trong ngành du lịch.

Ngành Du lịch đang thu hút nguồn nhân lực

Ngành Du lịch đang thu hút nguồn nhân lực

Đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp trong đó có các dữ liệu về lao động đã làm việc tại doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động cụ thể đối với các vị trí việc làm hiện tại và tương lai và các thông tin liên quan khác.

Đồng thời, liên kết các thông tin của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý liên quan và với các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các cơ quan quản lý các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều lao động làm việc tại doanh nghiệp. Đặc biệt là liên kết với người lao động để họ có thông tin về doanh nghiệp và có cơ hội tìm việc làm mới hoặc quay trở lại làm việc.

“Chính phủ và các doanh nghiệp du lịch có thể thành lập các đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Các đường dây nóng vừa tư vấn cho các doanh nghiệp và người lao động thiếu thông tin về vấn đề thủ tục, quy định, vừa có thể báo cáo nhanh cho các cơ quan thẩm quyền về nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, của người lao động đối với những khó khăn hoặc các khoản hỗ trợ”, ông Đính nói.

GS, TS Nguyễn Văn Đính khuyến nghị cácđịa phương hoặc doanh nghiệp tổ chức vận chuyển, hỗ trợ chi phí đi đường cho người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc.

Doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch như các trường đại học, cao đẳng, các trường, các trung tâm đào tạo nghề du lịch để tuyển dụng lao động lâu dài hoặc tạm thời phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

 

Doanh nghiệp lữ hành, trong trường hợp thiếu các hướng dẫn viên du lịch quốc tế, giải pháp tình thế có thể là tuyển chọn ký hợp đồng với sinh viên các trường ngoại ngữ hoặc sinh viên du lịch có ngoại ngữ tốt. Trên cơ sở đó tiến hành đào tạo cấp tốc chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kỹ năng hướng dẫn theo từng tour, tuyến cụ thể để họ có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của khách.

Bên cạnh việc đào tạo mới và đào tạo lại cho người lao động, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để tiết kiệm nhân lực, nâng cao năng suất lao động trong du lịch là hết sức quan trọng.

Tùy theo nội dung, qui trình hoạt động kinh doanh của mình mà doanh nghiệp ứng dụng mức độ ứng dụng công nghệ sao cho hợp lý và tiết kiệm nhân lực. Chuyển đổi số là những vấn đề vừa là trước mắt vừa là mang tính chiến lược trong phát triển du lịch Việt Nam.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm