Du lịch

Quảng Bình: Vùng đất khô cằn "thức giấc" thành thủ phủ du lịch

DNVN - Đối với Quảng Bình, tôi có một tình yêu hết sức kỳ lạ. Mỗi năm, tôi đều về đây công tác, thành phố nằm ven sông ven biển như có sức hút mảnh liệt đối với tôi. Lạ lắm, thành phố này nhỏ, nhưng thật xanh tươi, xinh đẹp. Thành phố thật xanh, thật sạch.

Ông Cao Trí Dũng: Du Lịch Đà Nẵng chuẩn bị kịch bản để đón khách trở lại từ tháng 10 / Quảng Bình: “Con cưng” của các công ty du lịch sau đại dịch

Đối với Quảng Bình, tôi có một tình yêu hết sức kỳ lạ. Mỗi năm, tôi đều về đây công tác, thành phố Đồng Hới nằm ven sông ven biển như có sức hút mảnh liệt đối với tôi. Lạ lắm, thành phố này nhỏ, nhưng thật xanh tươi và xinh đẹp. Đặc biệt, thiên nhiên ưu đãi về cảnh sắc, thành phố ven sông, ven biển; con người nơi đây hết sức mến khách. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Rồi Phong Nha, thị trấn này cũng đổi thay từng ngày, giờ đây Phong Nha đã trở thành một thị trấn sầm uất và cũng được xem là thủ phủ của du lịch Quảng Bình. Với một hệ thống vệ tinh như vậy, Quảng Bình ngày đang thay da đổi thịt để vươn lên phát triển thành một thủ phủ về du lịch xứng tầm trên toàn quốc...

Bảo Ninh viên ngọc trai của du lịch Quảng Bình

Buổi sáng, chúng tôi thức dậy chạy một vòng xung quanh thành phố và ngắm nhìn thành phố ven biển lúc mặt trời vừa lên. Những tia nắng nhảy nhót trên sông Nhật Lệ, dòng sông xanh biếc một màu, những con thuyền đánh cá hoạt động trên sông... Nhìn sang bên kia là Bảo Ninh và kia là cây cầu Nhật Lệ 1 và Nhật Lệ 2, nối đôi bờ của kinh tế và xã hội. Trước kia, cách đây hơn 20 năm, Bảo Ninh là một hòn đảo, người dân muốn sang TP Đồng Hới (trước đây là thị xã) dân phải đi đò. Vất vả trăm bề, ngày mưa gió thì dân vùng Bảo Ninh muốn sang thị xã học tập hay làm việc đều khó khăn, ngày nắng thì vùng này khô cằn, vì chỉ có cát và loài cây thùy dương chắn gió, chịu hạn, chắn bão... cực trăm bề. Con em Bảo Ninh thời điểm đó cũng không được học hành đến nơi đế chốn, nghề chính là đi biển...

Vậy mà, giờ đây vùng Bảo Ninh được xem là đất vàng của du lịch Quảng Bình, không biết bao nhiêu khu nghỉ dưỡng từ 3 sao đến 5 sao được mọc lên, nào là Sun Spa, Biển Vàng, Bảo Ninh Beach. Các khách sạn 2 sao cũng đua chen chân mọc lên, các nhà hàng ven biển Bảo Ninh phục vụ du khách cũng mọc lên san sát... Tất cả tạo nên một bức tranh về sự phát triển của du lịch và kinh tế của Quảng Bình.

Bảo Ninh bây giờ, nhà cửa san sát, những biệt thự ven biển được chia lô, những khu nghỉ dưỡng của du lịch đang trong giai đoạn hoàn thiện, đặc biệt con đường chiến lược phục vụ du lịch Võ Nguyên Giáp trở thành con đường đẹp nhất Đồng Hới. Chính nhờ đầu tư về cơ sở hạ tầng và có những dự án các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp mà đất đai ở Bảo Ninh cũng được thồi phồng... và hình ảnh của Bảo Ninh 20 năm hay 10 năm về trước chỉ còn trong tiềm thức của mọi người. Bảo Ninh của Đồng Hới giờ đã quá xinh đẹp và đã có những chiến lược đầu tư bài bản và cụ thể. Nhiều du khách khi đến thăm Bảo Ninh đã thốt lên rằng, nó quá đẹp, quá gợi cảm, nó như hạt cát được con trai ngậm qua thời gian, đã trở thành viên ngọc trai quý giá sáng ngời của du lịch Quảng Bình.

Đôi bờ Nhật Lệ làm say lòng du khách mỗi khi tới Quảng Bình.

Đôi bờ Nhật Lệ làm say lòng du khách mỗi khi tới Quảng Bình.


Chợ cá Đồng Hới cũng là điểm đến của du khách

Buổi sáng, ở cái thành phố biển này, người ta thức dậy sớm, rồi chạy ra biển, người thì tắm táp, người thì chạy ra chợ... Chợ Đồng Hới cũng là điểm văn hóa của người dân nơi đây. Chợ ngay sát sông. Nên thuyền cập bến, thu mua hải sản được đưa ngay lên chợ bán. Tất cả đều tươi ngon và rẻ. Phải nói chợ hải sản Đồng Hới là chợ rất nổi tiếng về đồ tươi và ngon. Trên bến dưới thuyền, rộn ràng. Nào cá, nào tôm.. tươi ngon và giá rẻ! Nên mới có chuyện, ngày cuối tuần dân các nơi ngoài Bắc thường đi tàu du lịch vào ăn chơi, nghỉ dưỡng và ra chợ mua hải sản đóng từng thùng lớn gửi về Hà Nội dùng dần.

Chợ Đồng Hới có nhiều đặc trưng và nhiều sản vật, không kể đồ biển đến đồ đồng, rồi rau dưa cái gì cũng ngon và chất lượng. Du khách đến Quảng Bình không thể ghé chợ Đồng Hới, để tìm hiểu một phần đời sống của người dân nơi đây. Điều đặc biệt, du khách mua bán ở chợ Đồng Hới sẽ không bị chặt chém. Vì vậy chợ Đồng Hới cũng được được vào City tour của các công ty lữ hành...

Làn gió mới “ Đại Phong” về du lịch?

 

Khi những tia nắng đã lên cao, chúng tôi ghé về thăm Quảng trường Hồ Chí Minh. Quảng Trường Hồ Chí Minh nằm trong khu vực Thành Cổ Đồng Hới. Đây là công trình thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc của nhân dân Quảng Bình đối với công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu.Quảng Trường Hồ Chí Minh có diện tích 6,8 ha với các hạng mục gồm: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân tỉnh Quảng Bình, khu quảng trường, sân hành lễ, đường diễu hành, cây xanh, thảm cỏ.

Quảng trường trung tâm là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, chính trị của tỉnh Quảng Bình. Nền lát đá, được trồng nhiều cây xanh, không gian rất thoáng mát.Công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Công trình Quảng Trường Hồ Chí Minh còn là địa điểm du lịch Quảng Bình,hấp dẫn cho khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Bác Hồ. Đồng thời tạo điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan đô thị đẹp cho thành phố Đồng Hới.Quảng trường được khánh thành vào ngày 13/6 đó là niềm vui chung của dân dân Quảng Bình.

Cái thành phố bé nhỏ này, cứ lôi cuốn bước chân của chúng tôi muốn khám phá, muốn tìm hiểu vì sao có những bước nhảy vọt về kinh tế và du lich như vậy. Theo Sở Du lịch Quảng bình, từ năm 2016 đến năm 2020 con số được Sở Du lịch Quảng Bình cung cấp là ngành du lịch đón 19,7 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân là 30,55% năm, tăng 76% so với giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015. Tổng doanh thu từ du lịch khoảng 22.000 tỷ đồng.

Tôi còn nhớ, năm 2018 trước khi dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo của tỉnh,Thủ tướng đánh giá cao trước kết quả tích cực toàn diện của Quảng Bình thời gian qua trong bối cảnh tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất bởi sự cố ô nhiễm biển miền Trung.

 

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần đổi mới, quyết liệt của tỉnh trong phát triển. Thủ tướng nói: “Quảng Bình cần làm nên một "làn gió Đại Phong mới về du lịch". Thủ tướng cũng nhấn mạnh, du lịch, dịch vụ là một động lực phát triển quan trọng của Quảng Bình. Lĩnh vực này được xem là “viên kim cương xanh” độc nhất vô nhị của Quảng Bình và sẽ tỏa sáng. Trong 2 năm, với tinh thần và chỉ đạo đó, du lịch và kinh tế của Quảng Bình đã có những bước phát triển, và đặc biệt là du lịch, Quảng Bình đã trở thành một thủ phủ của du lịch miền Trung. Tôi đã gặp rất nhiều người làm du lịch Quảng Bình, họ đã dành cho Quảng Bình một tình yêu vô tư nhất và say mê nhất...

Sông gianh trên bến dưới thuyền.

Sông gianh trên bến dưới thuyền.


Điểm sáng Nhân Trạch

 

Để tìm hiểu vì sao du lịch Quảng Bình có những bước phát triển, và nhảy vọt và thời gian lưu trú lâu hơn theo lời chỉ dẫn, chúng tôi ghé về thăm làng cát Nhân Trạch. Đã có nhiều bạn bè làm báo của tôi khi nói về sự đổi thay của cái làng ven biển này. Và hôm nay chúng tôi đến, 4h sáng, từng đoàn thuyền đánh cá trở về, chợ cá Nhân Trạch lại vui vẻ... cũng trên bến dưới thuyền. Tiếng người, tiếng cười tiếng nói rộn ràng, khi ánh bình binh ló dạng, chợ cá này cũng thôi hội họp.

Làng Nhân Trạch gần Đồng Hới này lạ lắm, mang tiếng làng cá mà đẹp như một làng Châu Âu. Vì nghe đâu người dân ở đây muốn đổi đời nên họ đã đi lao động sang các nước bạn. Dạo bước trên đường làng Nhân Trạch, chúng tôi cảm phục trước ý chí và nghị lực con người nơi đây. Từ một làng cá bình thường nay ở đây cuộc sống đã giàu có. Người dân ở đây kể, đất cát ở làng Nhân Trạch cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm. Đắt xắt ra miếng ấy.

Làng cát Nhân Trạch, ngoài chợ cá nổi đình đám trong giới du lịch, thì khu trượt cát làm dân du lịch mê lịm vì cảnh sắc. Đến đây, vừa trải nghiệm dịch vụ trượt cát, và có thể ngắm thành phố Đồng Hới ở trên cao... Ngày trước, người ta mượn câu thơ của Tố Hữu, “chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình” là nói đến sự nghèo khó gian khổ, thì ngày nay, đồi cát là nguồn tài nguyên quý giá.

Một thực tế, nếu du lịch Quảng Bình không kịp thời bảo vệ nguồn tài nguyên này, thì du lịch Quảng Bình sẽ mất đi một nguồn tài nguyên về du lịch quý giá. Câu chuyện xây dựng làng du lịch cộng đồng cũng cần được đặt ra, vì nó đem lại nguồn lợi ích chung cho người dân và nâng cao ý thức của người dân làm du lịch và biết bảo vệ nguồn tài nguyên của mình.

Phong Nha viên ngọc xanh của rừng

 

Sống trong lòng di sản thế giới, những người dân làm du lịch nơi đây, hiểu thế nào là trách nhiệm để bảo vệ và phát huy nguồn tài nguyên. Đoàn chúng tôi ghé thăm thị trấn Phong Nha, nới đây khách sạn, nhà hàng khu nghỉ dưỡng san sát, và đặc biệt có nhiều homstay đẹp nên thơ, rất được du khách lựa chọn. Phong Nha đẹp và quyến rũ.

Chiều buông, nhiệt độ phố núi giảm dần, sông Son thơ mộng và trong xanh, sau dịch Covid 19 du khách ở Phong Nha đã giảm sút, thế nhưng không vì thế mà thị trấn du lịch này buồn... Đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về thăm làng Cự Nẫm - Phong Nha với hơn 1.000 hộ dân làm du lịch. Phó Thủ tướng nói đây là mô hình nông thôn kiểu mẫu, cần phát huy phát triển và có sự chung tay góp sức của cộng đồng làm du lịch để phát huy và mang tính bền vững.

Chia tay Quảng Bình, chúng tôi nghĩ rằng Quảng Bình với nhiều lợi thế về du lịch, để xây dựng một nền du lịch bền vững, du lịch Quảng Bình cần xem xét, ví như sẽ hổ trợ và giúp dân hiểu thế nào là làm du lịch cộng đồng; rồi các thế mạnh sẵn có về thiên nhiên, Quảng Bình cần phát huy thế mạnh đó, nhưng phát huy giá trị du lịch bền vững mang tính cộng đồng, văn hóa, như du lịch làng nghề và du lịch văn hóa, du lịch lịch sử... có như vậy sự phát triển mới mang tính bền vững, dài lâu...

Đinh Thanh Loan
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm