Du lịch

Tập trung phát triển du lịch trải nghiệm nông thôn

DNVN - Cùng với việc phát huy thế mạnh của loại hình du lịch tâm linh, tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung xây dựng và phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn với các sản phẩm du lịch mới, độc đáo hơn để thu hút được khách du lịch.

Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cầm chân HAGL, vẫn nơm nớp ở cuộc chiến trụ hạng / HLV Kiatisak: ‘Nếu Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tận dụng tốt cơ hội, HAGL đã thua’

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2023, ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh là tỉnh có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch như giàu tài nguyên về tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhất là thế mạnh du lịch văn hóa tâm linh.

Với bờ biển dài 137km, Hà Tĩnh có nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn như Thiên Cầm, Xuân Thành, Cửa Sót, Kỳ Xuân...

Hà Tĩnh là vùng đất có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như núi Hồng - sông La, hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, rừng Vũ Quang, suối Nước Sốt - Sơn Kim, quần thể khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, Hoành Sơn Quan, thác Vũ Môn...

Đây là quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử - văn hoá như di tích Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc...

Ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho rằng Hà Tĩnh là tỉnh có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: Hà Anh.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 638 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 86 di tích cấp quốc gia và 550 di tích cấp tỉnh; có 70 lễ hội truyền thống, trong số đó hiện có hơn 30 lễ hội đã được phục dựng và duy trì khá tốt.

Hà Tĩnh cũng là vùng đất nổi danh với đời sống văn hoá dân gian hết sức phong phú qua các làn điệu dân ca, ví dặm, qua lễ hội, làng nghề thủ công... như: Hát ví, hát giặm, hát phường vải Trường Lưu và Trường Nga, ca trù Cổ Đạm, múa sắc bùa...

Đặc biệt, dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Điểm nhấn của du lịch tâm linh Hà Tĩnh là khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, nơi rất nhiều du khách cả nước về dâng hương tưởng niệm các cô gái đã anh dũng hy sinh. Tại khu di tích danh thắng chùa Hương Tích linh thiêng, hàng năm, nhất là dịp lễ hội mùa Xuân, hàng vạn du khách cả nước về đây dâng lễ.

Ông Sáng cho biết, hiện nay, loại hình du lịch sinh thái đang được Hà Tĩnh tích cực xây dựng mô hình và phát triển các tour đi trải nghiệm, điển hình như trải nghiêm tại thác Vũ Môn – nơi cá chép hóa rồng.

“Để thu hút được khách du lịch về Hà Tĩnh, chúng tôi đang xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo hơn. Ví dụ như khách du lịch hiện nay ưa chuộng du lịch trải nghiệm nông thôn, chúng tôi tập trung phát triển mô hình này. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, mỗi địa phương xây dựng ít nhất một điểm mô hình cấp huyện, 2 mô hình điểm cấp tỉnh và chọn một mô hình cấp trung ương để nâng cao chất lượng phục vụ sản phẩm du lịch”, ông Sáng cho cho biết.

Hà Tĩnh tập trung phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn.

Cùng với đó, Hà Tĩnh quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thông qua chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người làm du lịch trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng nghề cho người làm du lịch.

“Hà Tĩnh đang tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thể hiện qua việc bố trí ngân sách hàng năm để hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến, quảng bá, tham dự các hội chợ. Đặc biệt, chúng tôi tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hợp đồng với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương để hỗ trợ Hà Tĩnh giới thiệu các sản phẩm du lịch”, ông Sáng nói.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm