Đời sống

Giới trẻ mê mẩn xem người khác im lặng học bài

Không được gặp thầy cô, bạn bè vì dịch bệnh, nhiều bạn trẻ tìm đến các vlog "study with me", hay "học cùng tôi", để bớt cô đơn và có thêm động lực học tập tại nhà.

Giới trẻ trầm trồ trước cây hoa giấy 'hot' nhất Hạ Long / Hang Múa và 6 điểm check-in hút giới trẻ khi tới Ninh Bình

“Hôm nay, hãy cùng mình ôn tập tiếng Anh cho bài kiểm tra sắp tới nhé! Video này sử dụng nhạc nền là tiếng mưa, hy vọng mọi người sẽ dễ tập trung hơn”, một YouTuber nhắn nhủ dưới phần phụ đề video.
Suốt 2-3 giờ tiếp theo, người này chỉ chuyên tâm đọc sách, không hề trò chuyện với khán giả hay có hoạt động khác. Dù vậy, vlog trên vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, tương tác dưới mục bình luận.
Những video có nội dung tương tự được giới trẻ gọi là “study with me”, hay “học cùng tôi”, ghi lại quá trình học tập, làm việc của sao mạng xã hội.
Ở Việt Nam, trào lưu làm vlog học bài phổ biến rộng rãi vào đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến học sinh, sinh viên phải học online. Ảnh: NVCC.

Ở Việt Nam, trào lưu làm vlog học bài phổ biến rộng rãi vào đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến học sinh, sinh viên phải học online. Ảnh: NVCC.

Bắt nguồn từ xứ kim chi, xu hướng làm vlog theo phong cách này dần phổ biến ở Việt Nam khoảng một năm gần đây. Với nội dung không thể đơn giản hơn, thể loại này được đông đảo giới trẻ đón nhận, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
“Hễ ngồi vào bàn học là mình lại mở vlog ‘study with me’ lên. Nhìn người khác chuyên tâm làm việc, nghe tiếng giấy bút sột soạt cùng nhạc nền mà mình thấy có động lực học bài hơn nhiều”, Minh Anh (19 tuổi, Hà Nội) nói.
Chia sẻ với Zing, nữ sinh cho biết thói quen này được hình thành từ tháng 3/2020, khi hàng triệu học sinh, sinh viên trên cả nước phải học online tại nhà do dịch Covid-19.
Không thể tương tác cùng thầy cô, bạn bè, nhiều người trẻ tìm đến các video “học cùng tôi” để bớt cô đơn, có thêm động lực học tập. Song, một số ý kiến lại cho rằng loạt vlog trên chẳng những không có tác dụng mà còn khiến họ thấy tự ti, mất tập trung hơn.

Thêm động lực, bớt cô đơn
Theo VICE, thể loại vlog “học cùng tôi” lần đầu xuất hiện ở Hàn Quốc với tên gọi gongbang. Tương tự các video mukbang (vừa ăn vừa ghi hình), gongbang là đoạn phim ghi lại toàn bộ quá trình học tập của các YouTuber.
Các sao mạng sẽ tập trung học tập, làm việc trong 2-4 tiếng, thậm chí có thể phát sóng livestream suốt 18 tiếng.
Thoạt nhìn, những sản phẩm này có chung “sức hấp dẫn” như các video ASMR nhẹ nhàng về làm cà phê, đồ uống tại nhà hoặc thiền định.
Nguyễn Như Nam Anh bắt đầu làm vlog "học cùng tôi" vào năm 2019 và dần trở thành cái tên quen thuộc với giới trẻ Việt đam mê trào lưu "study with me". Ảnh: NVCC.

Nguyễn Như Nam Anh bắt đầu làm vlog "học cùng tôi" vào năm 2019 và dần trở thành cái tên quen thuộc với giới trẻ Việt đam mê trào lưu "study with me". Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, thay cho tiếng leng keng của đá viên trong cốc hay tiếng trải ga giường, chúng gây thỏa mãn cho người xem với âm thanh phát ra từ việc gõ bàn phím và lật trang giấy.
Ngoài ra, một chiếc bàn học gọn gàng với các tài liệu được sắp xếp ngăn nắp cũng tạo sự hứng thú cho khán giả.
Các video “học cùng tôi” chỉ phục vụ một mục đích duy nhất: giúp khán giả học tập. Nguyễn Như Nam Anh, chủ sở hữu kênh The Hanoi Chamomile, cũng bắt tay vào làm vlog dạng này với cùng lý do.
Sau khi mày mò quay video ghi lại cảnh ôn tập ngoại ngữ vào tháng 7/2019 và được đón nhận nhiệt tình vào đầu năm 2020, anh dần đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn vào từng vlog.
“Tại thời điểm đó, các bạn học sinh, sinh viên phải ở nhà học trực tuyến vì dịch bệnh. Mình nghĩ các vlog này sẽ giúp nhiều người cải thiện tinh thần học tập, đồng thời hạn chế việc lướt web trong vô thức”, người có hơn 129.000 lượt theo dõi trên mạng nói.
Nam Anh cho biết quá trình thực hiện vlog học bài không phức tạp hay tốn kém, với mục đích duy nhất là giúp khán giả có thêm động lực học tập. Ảnh: NVCC.

Nam Anh cho biết quá trình thực hiện vlog học bài không phức tạp hay tốn kém, với mục đích duy nhất là giúp khán giả có thêm động lực học tập. Ảnh: NVCC.

Thay vì đầu tư vào dụng cụ học tập như một vài vlogger cùng chí hướng, Nam Anh muốn chăm chút nhiều hơn cho không gian làm việc và góc quay sao cho gọn mắt, sạch sẽ.
Anh chàng chia sẻ thêm rằng nhạc nền và âm thanh thực cũng là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và hiệu quả trong mỗi video “học cùng tôi”.
“Nhiều người thích vừa học, vừa nghe nhạc nền nhưng cũng có ý kiến muốn video hoàn toàn tĩnh. Bản thân mình là người không nghe nhạc khi học và làm việc, song môi trường quay vlog đôi khi có tiếng ồn nên vẫn phải chèn nhạc vào”, Nam Anh giải thích.
Sau một thời gian dài theo dõi các video học bài trên mạng xã hội, Mai Hạnh (21 tuổi, Hà Nội) cũng nảy sinh ý định tập làm vlog.
“Mình thấy việc quay các clip dạng này không quá phức tạp, khâu hậu kỳ chỉ cần cắt ghép đơn giản nên muốn thử sức. Giờ mình phải học online ở nhà, có thêm hoạt động để làm cũng bớt buồn chán và tăng hiệu suất làm việc hơn”, cô bạn kể với Zing.
Vốn có sở thích sưu tầm những món đồ dùng học tập dễ thương, Mai Hạnh dành nhiều công sức “tân trang” góc học tập để chia sẻ với cộng đồng mạng.
“Trước đó, mình đã hay mua sắm và trang trí sổ, bút rồi nên không phải đầu tư quá nhiều cho bối cảnh nữa. Mình tin rằng nhìn không gian học tập sạch sẽ, đẹp mắt thì mọi người cũng cảm thấy thỏa mãn hơn”, nữ sinh chia sẻ.
Chỉ quan tâm tới việc trang hoàng góc làm việc?
Kể từ đợt giãn cách xã hội năm ngoái, Hồng Ngọc, cô gái 23 tuổi đến từ Hà Nội, bắt đầu biết tới xu hướng vlog “học cùng tôi”.
Dù đã tốt nghiệp và đi làm, cô vẫn giữ thói quen mở video khi làm việc để bớt cảm thấy cô đơn và dễ vào trạng thái tập trung hơn.
“Lần đầu mình xem dạng video này là khi đang làm khóa luận tại nhà. Lúc ấy, mình cần đang một không gian vừa yên tĩnh, vừa có tiếng động nhỏ duy trì liên tục trong khoảng thời gian dài để giữ trạng thái tập trung vào bài vở”, Hồng Ngọc kể.
Các video học bài khiến nhiều khán giả cảm thấy bớt cô đơn, dễ tập trung vì đem lại cảm giác như có người đang cùng ngồi học.

Các video học bài khiến nhiều khán giả cảm thấy bớt cô đơn, dễ tập trung vì đem lại cảm giác như có người đang cùng ngồi học.

Chia sẻ với Zing, cô cho biết mình dễ bị thu hút bởi cách bày trí bối cảnh “gọn gàng, nên thơ” và phần âm thanh trong các video học bài.
“Nhìn góc học tập của họ mà mình cũng muốn cải thiện không gian làm việc cá nhân đẹp hơn, gọn hơn. Ngoài tiếng nhạc nền dịu nhẹ, họ còn thu cả tiếng lật giấy, bấm bút, y hệt có người đang ngồi cạnh học cùng. Điều đó tạo cảm giác hào hứng cho mình hơn”.
Song, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng trào lưu "học cùng tôi" không đem lại hiệu quả cao, gây mất tập trung.
"Mình không quá hào hứng với các vlog học bài, dù từng thử xem một vài lần. Với mình, âm thanh lật vở hay tiếng bút sột soạt khiến mình thấy rùng mình. Mặt khác, mình thấy việc nhìn vào màn hình điện thoại, máy tính để theo dõi vlog dễ gây mất tập trung lắm", Thùy Linh (20 tuổi, Hà Nội) nói.
Một số ý kiến nghi ngờ hiệu quả của các video này tới khả năng tập trung của giới trẻ. Ảnh: Estudiar Derecho.

Một số ý kiến nghi ngờ hiệu quả của các video này tới khả năng tập trung của giới trẻ. Ảnh: Estudiar Derecho.

Thậm chí, thay vì chú tâm học bài, nhiều khán giả chỉ quan tâm tới việc sắm sửa đồ dùng học tập, trang hoàng góc làm việc.
"Mình thích xem vlog dạng này vì thấy mọi người bày biện góc học tập mãn nhãn quá. Điều đó không sai, nhưng dường như mình bị cuốn vào hình thức, bối cảnh nhiều hơn là học bài", Mỹ Linh (18 tuổi, TP.HCM) bày tỏ.
Trước những quan điểm trái chiều về trào lưu làm video "học cùng tôi", The Hanoi Chamomile khẳng định mục đích chính của thể loại vlog này là "tạo động lực và nguồn cảm hứng học tập cho khán giả".
Bên cạnh đó, cô bạn Mai Hạnh thì nhấn mạnh rằng phương thức học tập, làm việc khác nhau sẽ có hiệu quả khác biệt đối với từng đối tượng.
"Mình hiểu rằng mỗi người có một cách học, cách làm việc khác nhau. Cá nhân mình muốn theo đuổi loạt nội dung này vì yêu thích, muốn bớt cô đơn khi phải ở nhà học online vì dịch. Mình nghĩ sẽ có nhiều bạn trẻ cảm thấy như mình, mở vlog 'học cùng tôi' vì muốn có người học bài, làm việc bên cạnh như trước".
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm