Đời sống

Hiểm họa khôn lường khi chế biến món ăn từ cá nóc

Mặc dù công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân không nên ăn thịt cá nóc vì độc tố trong thịt của loài cá này rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng thời gian qua, tại các địa phương vẫn còn xảy ra những vụ ngộ độc cá nóc dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong...

Xuất hiện cô gái sở hữu ngoại hình rất giống của Hoa hậu H'Hen Niê / Đậu hũ chiên có thể ngon đến bất ngờ nếu bạn làm theo công thức này

Nhiều vụ ngộ độc cá nóc thương tâm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, thời gian qua tại một số địa phương đã xảy ra trường hợp ngộ độc do chế biến các món ăn từ cá nóc dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong. Ngày 26/10/2017, BV Đa Khoa La Gi (Bình Thuận) tiếp nhận 6 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Các ngư dân này đánh cá trên vùng biển La Gi và đã làm thịt cá nóc để ăn. Sau khi ăn, 6 ngư dân có biểu hiện ngộ độc như co giật, ói, đi ngoài, toàn thân tím tái…

Độc tố trong cá nóc là Tetrodotoxin, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm.

Độc tố trong cá nóc là Tetrodotoxin, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm.

Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu, tuy nhiên, anh T.T.T. (ngụ tại phường Phước Lộc, thị xã La Gi) đã tử vong vì bị ngộ độc nặng trước khi vào bệnh viện. Một ngư dân bị ngộ độc nhẹ được điều trị tại BV Đa Khoa La Gi, riêng 4 ngư dân còn lại được sơ cứu và chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 7/3/2018, BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết, có 5 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn cá nóc… Sáng 7/3, những người trên bắt được một số cá nóc đem về nấu lẩu mẻ để nhậu. Sau khi ăn cá nóc, một giờ đồng hồ các bệnh nhân bị tê cứng tay chân, hàm bị đơ cứng, không nói chuyện được, phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ cho biết, nạn nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở, tụt huyết áp… Sau khi nhập viện, các bệnh nhân được bác sĩ hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, cho thở máy… Hai bệnh nhân T.T.S., T.T.T. đã tỉnh lại sau đó, 3 bệnh nhân còn lại hôn mê, phải thở máy.

Ngoài ra, một số trường hợp người dân ăn cá nóc bị ngộ độc cũng đã xảy ra tại nhiều địa phương khác trên cả nước.

Bệnh nhân nguy kịch do ngộ độc cá nóc. Ảnh: Trần Lưu
Bệnh nhân nguy kịch do ngộ độc cá nóc. Ảnh: Trần Lưu

Độc tố nguy hiểm có trong cá nóc

 

Qua tìm hiểu, độc tố trong cá nóc là Tetrodotoxin, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm gấp hơn 1.200 lần so với cyanua, có tính bền nhiệt lớn, khả năng gây tử vong cao (một con cá đủ giết chết 30 người) Độc tố tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực. Đun sôi ở nhiệt độ 1.000 độ C trong 6 giờ độc tố tetrodotoxin mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi hoàn toàn khi đun sôi 2.000 độ C trong 10 phút… Vì vậy, không thể làm mất độc tính của cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thường.

Theo các bác sĩ, hiện nay các nhà khoa học chưa tìm được thuốc đặc trị để giải độc tố cá nóc mà chỉ áp dụng cách điều trị. Trong trường hợp không may gia đình có nạn nhân bị ngộ độc cá nóc, nếu miệng, môi người bệnh tê và người bệnh còn tỉnh táo thì gây nôn, cho uống than hoạt tính, đồng thời gọi cấp cứu y tế nơi gần nhất và đưa ngay đến bệnh viện để rửa dạ dày. Nếu người bệnh tím môi, khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt nếu không có phương tiện cấp cứu)…

Không chế biến món ăn từ cá nóc

Trước mối nguy hiểm từ việc chế biến cá nóc làm thức ăn, nhiều ban ngành đã tích cực trong công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân không nên ăn thịt cá nóc vì độc tố trong thịt của loài cá này rất nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn chủ quan, thiếu hiểu biết và không tuân theo khuyến cáo của các ngành chức năng, đặc biệt là các ngư dân vùng biển. Nhiều người thừa nhận có biết đến thông tin thịt cá nóc chứa độc tố, tuy nhiên họ vẫn cho rằng, những nạn nhân bị ngộ độc do ăn phải cá nóc có độc hoặc không biết cách chế biến, nhiều người vẫn ăn bình thường.

Ngoài ra, thỉnh thoảng còn xảy ra tình trạng cá nóc không chỉ ở dạng cá tươi mà được bày bán ở dạng cá khô, bị chặt đầu hoặc chế biến thành nước mắm khiến cho việc nhận dạng khó khăn.

 

Theo Cục ATTP, độc tố có trong cá nóc là Tetrodotoxin và tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da, máu của cá. Độc tố này tăng mạnh vào mùa cá sinh sản (từ tháng 2 đến tháng 7). Thịt cá nóc không có độc tố nhưng khi đánh bắt, chế biến hoặc cá ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt... Chỉ cần ăn khoảng 10 g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, trường hợp nặng gây liệt toàn thân, da tím tái, trụy tim… với tỉ lệ tử vong lên đến 60% nếu cấp cứu chậm. Do vậy, Cục ATTP khuyến cáo người dân không ăn cá nóc dưới mọi hình thức. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khuyến cáo mọi người dân không nên kinh doanh, sử dụng cá nóc (kể cả khô cá nóc) để tránh ngộ độc, tránh hiểm họa khôn lường đến sức khỏe.

Theo laodong.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm