Đời sống

Hỏa trị liệu: Phương pháp trị bệnh cổ truyền nhiều cấm kị

Chỉ trong thời gian ngắn, phương pháp hỏa trị liệu đã “trăm hoa đua nở” tại các cơ sở spa, được đào tạo cấp tốc cho nhiều học viên. Các chuyên gia y học cổ truyền khẳng định, đây là phương pháp trị bệnh nếu trị không đúng có thể trúng tà khí, nguy hại sức khỏe.

9 bài thuốc hay trị sỏi thận hiệu quả / Điều trị ung thư ruột hiệu quả bằng thuốc giá rẻ

Chuyên gia Hỏa trị liệu đốt lửa trên cơ thể người bệnh.

Như Dân trí đã thông tin trong bài viết: “Sự thật về phương pháp hỏa liệu trị bệnh quảng cáo "tràn" trên mạng” phản ánh trào lưu tẩm cồn, đốt lửa trên cơ thể để làm đẹp, trị bệnh tại các cơ sở spa. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở còn công khai chiêu sinh đào tạo lành nghề hỏa trị liệu cấp tốc trong 3 ngày.

Trước thực tế trên, cuối tuần qua Hội thảo với chủ đề: “Điều trị bệnh bằng phương pháp hỏa trị liệu” được Viện Y Dược học Dân tộc, TPHCM phối hợp với Bệnh viện Châm cứu Trung ương tổ chức tại TPHCM. Các chuyên gia y học cổ truyền đã chỉ ra nhiều ưu điểm cũng như những nguy hiểm của phương pháp này.

Phương pháp hỏa trị liệu đang lén lút thực hiện tại các cơ sở spa
Phương pháp hỏa trị liệu đang lén lút thực hiện tại các cơ sở spa

Theo BS Nguyễn Tuyết Mai, Bệnh viện Châm cứu Trung ương: “Hỏa trị liệu có lịch sử hình thành từ thế kỷ thứ VIII sau công nguyên, xuất phát tại Tây Tạng. Đây là phương pháp cứu của y học cổ truyền qua việc dùng lửa đốt trên cơ thể con người, bên trong thấu đến tạng phủ, bên ngoài thông đến các cân cơ bì phu. Hỏa trị liệu giúp người bệnh cường tráng chân nguyên, điều hòa âm dương, ôn thông khí huyết, trục tà chỉ thống…”

Tại Việt Nam, hỏa trị liệu đã được ứng dụng trong điều trị từ thời Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đến GS.TS Nguyễn Tài Thu. Để tránh bị mai một, thất truyền phương pháp hỏa trị liệu, năm 2017 Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn lâm sàng được Bộ Y tế chuẩn hóa quy trình sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh.

 

Kỹ thuật hỏa liệu phải tuân thủ thời gian châm lửa, tắt lửa để tránh nguy cơ gây bỏng
Kỹ thuật hỏa liệu phải tuân thủ thời gian châm lửa, tắt lửa để tránh nguy cơ gây bỏng

Theo BS Tuyết Mai, hỏa trị liệu kết hợp với xông hơi tinh dầu, day ấn huyệt có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh như đau lưng, đau vai gáy, viêm mũi dị ứng, viêm dạ dày đại tràng mạn tính, viêm khớp gối, và một số bệnh khác. Tuy nhiên, phương pháp trên cũng tồn tại nhiều tác dụng không mong muốn như: bỏng do tiếp xúc với nhiệt, mất nước và điện giải, kích ứng da hoặc dị ứng với tinh dầu.

Đáng lưu ý, phương pháp hỏa trị liệu sẽ bị cấm kị khi: trời nắng 390C đến 400C hoặc mưa to, phụ nữ có thai, đang trong kỳ kinh nguyệt, bệnh nhân tâm thần, người có bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da có viêm nhiễm, bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, bệnh ung thư.

Mặt khác, người bệnh không được tắm nước lạnh, không ăn đồ lạnh ít nhất 4 tiếng sau trị liệu vào mùa hè và 6 tiếng vào mùa đông; tránh gió, tránh lạnh, luôn giữ ấm cơ thể; uống nước ấm trước và sau khi hỏa trị liệu (nên uống oresol); sau 2 tiếng mới bóc màng tinh dầu; kiêng quan hệ tình dục trong vòng 4 tiếng sau hỏa trị liệu.

BS Tuyết Mai khuyến cáo người bệnh đến các cơ sở y tế đã được cấp phép hỏa trị liệu để tránh rủi ro
BS Tuyết Mai khuyến cáo người bệnh đến các cơ sở y tế đã được cấp phép hỏa trị liệu để tránh rủi ro

Trước thực tế hỏa trị liệu được thực hiện bừa bãi tại các spa thẩm mỹ, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học Dân tộc lo lắng: “Để chỉ định thực hiện phương pháp hỏa trị liệu, người bệnh cần được các y bác sĩ có chuyên môn khám, chẩn đoán và thực hiện hỏa liệu. Tuy nhiên, tại các spa vì mục đích lợi nhuận, tất cả những người có nhu cầu đều được hỏa liệu mà không quan tâm đến tình trạng bệnh hoặc cơ địa có phù hợp hay không. Tình trạng này sẽ khiến người bệnh đối mặt nguy cơ trúng tà khí, mất nước hoặc bỏng nhiệt dẫn đến hậu quả khôn lường cho sức khỏe”.

Cũng theo TS Ngọc Lan, hiện Viện Y Dược học Dân tộc đã được Bệnh viện Châm cứu Trung ương đào tại chuyển giao phương pháp hỏa trị liệu cho 53 bác sĩ và kỹ thuật viên. Phương pháp này Viện mới hoàn tất khâu thí điểm trên 200 bệnh nhân và đang chờ Sở Y tế cấp phép hoạt động. Nếu được phê duyệt thì từ năm 2019 hỏa trị liệu mới chính thức ứng dụng trong điều trị bệnh tại TPHCM. Vì vậy người bệnh cần cảnh giác trước những quảng cáo về phương pháp hỏa trị liệu tại các cơ sở hoạt động không phép để tránh nguy cơ tiền mất, tật mang.

 


Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm