Đời sống

Khi nào bố mẹ đọc sách cho trẻ?

Việc giúp các bé ham mê đọc sách không phải để giúp bé trở thành nhà văn, nhà thơ mà sẽ là cách bồi đắp tâm hồn con, cuộc sống của con trở nên phong phú cùng những cuốn sách đáng yêu.

5 lời khuyên để có thể săn vé máy bay giá rẻ đi châu Âu hè này / Bé gái 3 tuổi trở thành bệnh nhân ung thư vú trẻ nhất thế giới

Việc làm cần thiết

Ngày nay, thời đại bùng nổ thông tin, con trẻ dường như ngày càng ít làm bạn với sách. Nhiều bố mẹ cho rằng tivi, internet… là nguồn cung cấp kiến thức chủ yếu cho các em rồi, chúng không đọc sách cũng chẳng sao.

doc-sch-cung-con171810179
Ảnh minh họa.

Theo TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh, quan niệm ấy thật ra chưa thỏa đáng bởi lẽ, khác với nguồn thông tin từ mạng internet, những cuốn sách là những người bạn của các em đã được bố mẹ chọn lựa và ủng hộ. Đọc sách đúng cách sẽ nâng cao tầm hiểu biết của con trẻ, cho trẻ khả năng nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề xã hội, bồi dưỡng về ngôn ngữ và cảm thụ cái đẹp, dạy trẻ cách tập trung và rèn luyện trí nhớ. Vì vậy, dạy trẻ đọc sách là việc làm cần thiết.

Các bé nên được bố mẹ đọc sách từ sớm, không nhất thiết phải đợi đến khi trẻ biết chữ. “Đọc” là nghe, là xem, là nhìn là hiểu và tưởng tượng… Bố mẹ hãy đọc sách cho trẻ nghe từ khi trẻ còn bé, từ 3 tháng tuổi chẳng hạn. Đưa ra cho trẻ thấy một cuốn sách nhiều màu sắc, bạn bắt đầu đọc, nghĩa là nói chuyện với trẻ. Trẻ sẽ lắng nghe bạn, chưa cần biết trẻ hiểu được đến đâu, những âm thanh vui vẻ, dịu dàng từ người mẹ luôn làm trẻ thích thú, nhưng màu sắc xanh đỏ trong cuốn sách làm trẻ lôi cuốn và hành động giở sách của mẹ khiến trẻ chú ý.

“Từ 8, 9 tháng tuổi trở đi, bạn bắt đầu cho trẻ xem sách bằng bìa cứng. Bạn có thể tự tạo ra những “cuốn sách” theo ý muốn của mình mà không cần quá quan tâm nhiều đến hình thức cũng như nội dung. Chỉ đến khi trẻ lên 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi, lúc ấy bố mẹ mới bắt đầu chọn lựa sách đọc thật sự cho bé. Lúc này, bố mẹ có thể làm cho bé một kệ sách hoặc tủ sách để bé đọc xong nên để sách ở đâu. Có thể gọi đó là “nhà của các bạn sách”, TS Thụy Anh chia sẻ.

Đối với tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, trẻ sẽ đọc sách gì? Trả lời câu hỏi này, TS Thụy Anh cho biết, các em nên đọc sách chữ to, hình ảnh tương đối to. Tuy bé chưa đọc được nhưng bé vẫn nhìn vào những con chữ do đó. Tuổi này, bố mẹ hãy chọn sách có cốt truyện nhưng không quá dài, làm sao phù hợp với nhận thức của trẻ. Tốt nhất là những truyện hoặc thơ ngụ ngôn về loài vật, những mẩu chuyện có cốt truyện rõ ràng nhưng đơn giản kể về con mèo, con chuột, cái xẻng, cái chổi… tất cả những gì gần gũi chung quanh bé vì bé vẫn còn đang ở tuổi tìm hiểu thế giới xung quanh.

Cách đọc sách cùng con

Bạn có thể cùng đọc với bé bất kỳ lúc nào bé thích. Song nếu tạo được thói quen đọc sách cho bé nghe trước khi đi ngủ thì rất hay vì bé sẽ chờ đợi thời điểm ấy như chờ đợi một niềm vui ngày nào cũng có. Sau mỗi câu chuyện nhẹ nhàng, bé có thể ngủ được dễ dàng hơn. Nhẹ nhàng- nghĩa là không có gì đáng sợ, hãy tránh đọc về mụ phù thủy hay con chó sói cho bé nghe vào buổi tối.

 

Có nhiều cách khác nhau mà bạn có thể nghĩ ra để đọc sách cho bé của mình, dựa vào ý thích và thói quen của trẻ. Luôn nhớ bé là người quyết định đọc sách thế nào. Đôi lúc bé chỉ ngắm nhìn cái bìa sách mà di di tay vào đó cũng là… đọc sách rồi! TS Thụy Anh đưa ra một số gợi ý.

Cách 1. Bố mẹ hãy cùng “xem” sách với bé bằng những câu hỏi. Khi còn bé, trẻ đọc sách thường chú ý đến các chi tiết hình vẽ mà không để ý cốt truyện. Bé có thể nhìn ra hình con chim bay trên trời mà họa sĩ chỉ vẽ sơ qua điểm thêm vào cốt truyện cho vui thôi. Tất cả đều làm bé quan tâm. Nên chăng bạn hãy hỏi bé về những chi tiết ấy. Con chim bay đi đâu thế nhỉ? Con chim có kịp bay về tổ với chim mẹ không? Ôi cái cây này to quá, không hiểu bạn nào trồng nó thế hả con? A, mẹ Gấu à? Thế ai tưới cái cây mà nó mọc nhanh thế?...

Cách 2. Kể chuyện bằng hình ảnh. Dù cốt truyện in ra thế nào, bạn cũng có thể kể một câu chuyện mới do bạn nghĩ ra làm bé thích thú. Chỉ cần một chút tưởng tượng, bé ngay lập tức sẽ bắt mạch tưởng tượng cùng bạn để làm nên một câu chuyện rất hay đấy. Hãy lái câu chuyện vào một quỹ đạo quen thuộc của bé như có đả động đến bé, đến các anh chị họ, đến các bạn ở nhà trẻ…

Cách 3. Đọc nguyên văn truyện in trong sách. Cố gắng đọc diễn cảm như kể chuyện cho bé, thay đổi giọng điệu, tiết tấu của lời thoại. Có thể đọc đi đọc lại một câu chuyện trong khoản 2 tuần nếu thấy bé vẫn hào hứng nghe. Sau đó, có những câu bạn đọc nửa chừng, kéo dài giọng để bé tự thêm các từ kết thúc.

Cách 4. Kể lại câu chuyện trong sách cùng bé. Hãy coi như bạn quên mất cuốn sách ở nhà, trên đường đi du lịch bằng ô tô chẳng hạn bạn cũng có thể cùng trẻ kể lại nội dung cuốn sách mà trẻ vẫn đọc. Bạn hãy giả vờ quên hay nhầm lẫn một chi tiết nào đó để trẻ sửa lại. Điều này kích thích trí nhớ và niềm vui đọc sách của con bạn rất nhiều.

 


Theo Kiến thức gia đình số 49
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm