Đời sống

Khi thận yếu, cơ thể thường có 10 dấu hiệu bất thường này: Rất dễ bị bỏ qua

Dấu hiệu bệnh thận đôi khi dễ bị bỏ qua, do đó, điều quan trọng là cần phát hiện sớm những bất thường để đi khám, phát hiện các vấn đề (nếu có).

6 loại nước chị em nên uống vào buổi tối: Vừa đẹp da, ngủ ngon lại giúp tiêu mỡ, giảm cân hiệu quả / Loại quả quen thuộc là "thuốc" chống nắng, chống nhăn, làm đẹp da vào mùa hè

Theo trung tâm y tế Mayo Clinic (Mỹ), bệnh thận mạn tính hay còn gọi là suy thận mạn xảy ra khi thận mất dần chức năng. Thận có vai trò lọc chất thải và chất lỏng dư thừa trong máu, các chất thải này sau đó được loại bỏ qua nước tiểu. Bệnh thận mạn tiến triển có thể khiến chất thải tích tụ trong cơ thể, gây nguy hiểm.

Trong giai đoạn đầu của bệnh thận mạn, bạn có thể có một vài dấu hiệu hoặc triệu chứng. Bạn có thể không nhận ra mình bị bệnh thận cho đến khi tình trạng bệnh tiến triển nặng.

Điều trị bệnh thận tập trung vào việc làm chậm quá trình tổn thương thận, thường bằng cách kiểm soát nguyên nhân. Tuy nhiên, đôi khi, ngay cả việc kiểm soát nguyên nhân cũng không thể ngăn tổn thương thận tiến triển. Bệnh thận mạn có thể tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối, gây tử vong nếu không được chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, hơn 37 triệu người Mỹ trưởng thành đang sống chung với bệnh thận và hầu hết không biết điều đó.

Tiến sĩ Joseph Vassalotti, Giám đốc Y tế của Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, cho biết: "Có một số dấu hiệu thể chất của bệnh thận, nhưng đôi khi chúng ta nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Ngoài ra, những người mắc bệnh thận thường không có triệu chứng cho đến khi đã ở giai đoạn rất muộn, khi thận bị suy hoặc khi có một lượng lớn protein trong nước tiểu. Đây là một trong những lý do tại sao chỉ 10% người mắc bệnh thận mạn tính biết họ mắc bệnh".

Khi thận suy yếu, cơ thể thường có 10 dấu hiệu này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh thận do huyết áp cao, tiểu đường, tiền sử gia đình bị suy thận hoặc nếu bạn trên 60 tuổi, thì điều quan trọng là phải đi xét nghiệm bệnh thận hằng năm. Hãy nói với bác sĩ bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải.

10 dấu hiệu của bệnh thận

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận mạn tính phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm. Mất chức năng thận có thể gây ra tích tụ chất lỏng hoặc chất thải hoặc các vấn đề về điện giải. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, suy giảm chức năng thận có thể gây ra các triệu chứng sau:

1. Mệt mỏi hơn, có ít năng lượng hơn hoặc khó tập trung

Chức năng thận suy giảm nghiêm trọng có thể dẫn đến sự tích tụ độc tố và tạp chất trong máu. Điều này có thể khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt và khó tập trung. Một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu, có thể gây suy nhược và mệt mỏi.

 

Khi thận suy yếu, cơ thể thường có 10 dấu hiệu này - Ảnh 2.

2. Khó ngủ

Khi thận không lọc máu đúng cách, chất độc sẽ ở lại trong máu thay vì được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Điều này có thể khiến bạn khó ngủ. Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa béo phì và bệnh thận mạn tính, và chứng ngưng thở khi ngủ phổ biến hơn ở những người mắc bệnh thận mạn tính.

3. Da khô và ngứa

Thận có nhiều nhiệm vụ quan trọng. Chúng loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu, giúp xương chắc khỏe và duy trì lượng khoáng chất phù hợp trong máu.

 

Da khô và ngứa có thể là dấu hiệu của bệnh về khoáng chất và xương - thường đi kèm với bệnh thận tiến triển, khi thận không còn khả năng giữ cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu.

Khi thận suy yếu, cơ thể thường có 10 dấu hiệu này - Ảnh 3.

4. Đi tiểu thường xuyên hơn

Nếu bạn đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm, đây có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Khi bộ lọc của thận bị hư hỏng, nó có thể làm tăng cảm giác muốn đi tiểu. Đôi khi đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới.

5. Máu trong nước tiểu

 

Khi lọc chất thải từ máu, thận khỏe mạnh sẽ giữ lại tế bào máu, nhưng khi các bộ lọc của thận bị hỏng, những tế bào máu này có thể "rò rỉ" ra nước tiểu. Ngoài việc báo hiệu bệnh thận, máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.

6. Nước tiểu có bọt

Nước tiểu có quá nhiều bọt – đặc biệt là khi bạn phải xả nước nhiều lần thì chúng mới biến mất – cho thấy có protein trong nước tiểu. Bọt này có thể trông giống như bọt mà bạn nhìn thấy khi đánh trứng.

Khi thận suy yếu, cơ thể thường có 10 dấu hiệu này - Ảnh 4.

7. Bọng mắt lâu ngày không hết

 

Protein trong nước tiểu là dấu hiệu ban đầu cho thấy bộ lọc của thận đã bị hỏng, cho phép protein rò rỉ vào nước tiểu. Bọng quanh mắt có thể là do thận đang rò rỉ một lượng lớn protein qua nước tiểu, thay vì giữ nó trong cơ thể.

8. Mắt cá chân và bàn chân sưng tấy

Suy giảm chức năng thận có thể khiến cơ thể giữ natri, gây sưng ở bàn chân và mắt cá chân. Sưng ở chi dưới cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh gan và các vấn đề mạn tính về tĩnh mạch chân.

9. Ăn không ngon miệng

Đây là một triệu chứng rất chung chung, nhưng sự tích tụ độc tố do suy giảm chức năng thận có thể là một trong những nguyên nhân.

 

10. Bị chuột rút

Mất cân bằng điện giải có thể do chức năng thận bị suy giảm. Ví dụ, mức canxi thấp và phốt pho được kiểm soát kém có thể góp phần gây ra chuột rút.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Hãy hẹn gặp bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh thận. Phát hiện sớm có thể giúp ngăn ngừa bệnh thận tiến triển thành suy thận.

Nếu bạn mắc các bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, bác sĩ có thể theo dõi huyết áp và chức năng thận bằng xét nghiệm nước tiểu và máu trong các lần khám định kỳ. Hãy hỏi bác sĩ xem những xét nghiệm này có cần thiết với bạn không.

Cách phòng ngừa bệnh thận

Để giảm nguy cơ phát triển bệnh thận, bạn nên:

 

- Uống thuốc theo hướng dẫn: Khi sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và acetaminophen, hãy làm theo hướng dẫn sử dụng. Uống quá nhiều thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương thận.

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu bạn đang có mức cân nặng hợp lý, hãy duy trì cân nặng bằng cách hoạt động thể chất vào hầu hết các ngày trong tuần. Nếu bạn cần giảm cân, hãy nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược giảm cân lành mạnh.

- Đừng hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm hỏng thận và làm cho tình trạng tổn thương thận hiện có trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn là người hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về cách bỏ thuốc lá.

- Quản lý bệnh với sự giúp đỡ của bác sĩ: Nếu bạn mắc các bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, hãy kiểm soát bệnh thật tốt. Hỏi bác sĩ về các xét nghiệm để tìm dấu hiệu tổn thương thận.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm