Đời sống

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng

Hơn 40 năm qua, bà Nguyễn Thị Bình (dốc Chèm, Thụy Phương, Hà Nội) vẫn miệt mài, lặng lẽ gắn bó với công việc không giống ai của mình: vớt xác người xấu số trên sông Hồng.

Xác cá voi liên tục trôi dạt vào bờ biển San Francisco vì... chết đói / Thích thú với quá trình lột xác của bọ cạp tử thần

Những câu chuyện "nổi da gà” của người phụ nữ hơn 40 năm làm nghề vớt xác trên sông Hồng

Lão bà "kình ngư" 40 năm vớt xác trên sông Hồng

Sinh năm 1953, năm nay 66 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Bình đã có hơn 40 năm gắn bó với công việc: vớt xác người xấu số trên sông Hồng. Chính vì công việc đặc biệt, không giống ai của mình mà nhiều người gọi bà bằng cái tên: “Người cướp cơm Hà bá”, hay “lão bà kình ngư”.

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 1

Năm nay 66 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Bình đã có hơn 40 năm gắn bó với công việc: vớt xác người xấu số trên sông Hồng.

Căn nhà của bà Bình nằm nép mình bên dưới dốc Chèm (Thụy Phương, Hà Nội). Gọi là nhà nhưng thực chất đấy chỉ là căn lều được ghép tạm bợ bằng những tấm tôn, sắt và bạt để che nắng mưa. Bà Bình có nước da đen, khuôn mặt khắc khổ nhưng bù lại đôi mắt tinh anh và dáng người rắn rỏi, nhanh nhẹn.

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 2

Gắn bó với sông nước từ nhỏ nên lão bà kình ngư cho biết, bà luôn có linh cảm đặc biệt với những xác chết dưới lòng sông.

 

Gắn bó với sông nước từ nhỏ nên lão bà kình ngư cho biết, bà luôn có linh cảm đặc biệt với những xác chết dưới lòng sông. Bất kể nắng hay mưa, nắng nóng hay gió lạnh đến tê người, hễ cứ có ai gọi, nhờ giúp đỡ là bà Bình lại tất tả, mang theo bộ móc câu quen thuộc để tìm những phận người xấu số.

Đến bây giờ nhẩm tính, ngươi đàn bà này cũng không nhớ nổi đã vớt được bao nhiêu xác người, chỉ biết rằng đã có hàng trăm lần bà chèo thuyền, mò mẫm ven sông Hồng tìm người gặp nạn.

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 3

Cho đến bây giờ, nhiều trường hợp thương tâm vẫn khiến bà Bình ám ảnh, đau xót mỗi lần nhớ lại

Kể về cơ duyên gắn bó với công việc đặc biệt của mình, bà Bình kể, khoảng những năm 70, miền Bắc vào trận lũ rất lớn. Nước sông dâng cao, dòng nước chảy xiết, đục ngầu cuốn theo nhiều nhà cửa, mùa màng. Thời điểm đó, đoạn sông qua dốc Chèm, lòng sông “trũng” nên nhiều người xấu số, chết đuối đều trôi về đây, mắc lại.

“Nhiều gia đình ở các vùng lặn lội về đây nhờ tìm người thân chết trong trận lũ. Họ khóc than, kêu gào rất thương tâm. Vốn quen vùng sông nước, tôi ra tay cùng họ rà khắp các khúc sông. Kể từ đó, nghiệp vớt xác người xấu số cũng gắn luôn với tôi cho đến tận bây giờ”, bà Bình nhớ lại.

 

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 4

Hơn 40 năm gắn bó với công việc đặc biệt này, bà Bình cho biết không nhớ nổi đã vớt được bao nhiêu người nhưng chắc chắn con số đó không dưới vài trăm người.

Theo bà Bình, vớt xác người chết ngoài cái “duyên” còn đòi hỏi phải có kỹ thuật đặc biệt để tránh bị Hà bá mang đi. Biển nước mênh mông, gặp dòng nước chảy, xác trôi theo, nên việc đầu tiên phải làm là xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán con nước lên, xuống, chảy về đâu để khoanh vùng tìm kiếm.

Thông thường, với những người chết đuối thì theo quy luật 3 ngày xác sẽ nổi, phụ nữ sẽ dang hai tay, ngửa mặt còn nếu nạn nhân là đàn ông thì sẽ nằm úp. Tuy nhiên cũng có trường hợp, thi thể bị đất cát dưới lòng sông vùi lấp, có khi cả tháng trời ngâm nước, đủ độ trương mới bật lên.

“Để vớt được thi thể phải dùng phương pháp rà bằng lưỡi câu. Có khi phải ròng rã vài ngày thậm chí vài tuần, đi dọc bờ sông, đến những khúc sông trũng mới tìm được. Khó nhất là những trường hợp phân hủy đã lâu, nhiều khi vướng vào lưỡi câu, thi thể sẽ tan luôn trong nước”, bà Bình nói.

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 5

Không ít lần bà Bình phải uống vài chén rượu để làm nóng người trước khi bắt đầu công việc.

 

Những ám ảnh kinh hoàng

Tự nhận mình là người có thần kinh thép với cảnh chết chóc, song không ít lần bà Bình phải uống vài chén rượu để làm nóng người trước khi bắt đầu công việc.

“Cảm giác lạnh toát, đặc biệt là mùi xác chết rất ớn lạnh. Người chết trên bờ nhìn đã sợ, người chết dưới nước toàn thân trắng bệch, dập dờ, chân tay co quắp, mắt mở trừng trừng và gần như biến dạng khiến người nếu yếu bóng vía có thể bị ám ảnh, sợ hãi đến ngất lịm”, bà Bình nói.

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 6

Theo bà Bình, vớt xác người chết ngoài cái “duyên” còn đòi hỏi phải có kỹ thuật đặc biệt để tránh bị Hà bá mang đi.

Người đàn bà này trâm ngâm kể, hơn 40 năm theo nghề vớt xác, mỗi trường hợp đều để lại trong bà những ám ảnh, đau xót riêng. Trong đó, không ít trường hợp người chết đuối là trẻ em, phụ nữ hoặc có cả những đôi yêu nhau, đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời cũng gieo mình tử tự dưới lòng sông.

 

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 7

Một bộ móc câu bà Bình dùng để vớt xác người chết

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 8

Theo bà Bình đây là bộ móc câu nhỏ, chỉ có thể vớt được những người ở vùng nước nông, cạn. Ở các dòng sông, nước sâu bà phải dùng đến bộ câu đặc biệt, chuyên dụng

Đến bây giờ bà vẫn chưa thể quên được cảnh tượng đôi nam nữ bị chết đuối vì gia đình không cho cưới nhau, khi vớt lên họ vẫn ôm chặt nhau khiến nhiều người rơi nước mắt. Hay như vụ lật bè chuối cách đây nhiều năm trước, khi hàng trăm người bị chìm xuống sông. “Hôm đó, riêng tôi vớt được hàng chục người. Cứ đưa người này lên là lại nhảy xuống vớt xác người khác”, bà Bình nhớ lại.

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 9

Mỗi lần vớt được xác người, bà Bình lại làm mâm cơm cúng thủy thần để tạ lỗi, chứ chưa bao giờ có ý định “bỏ mặc” nạn nhân giữa dòng sông lạnh lẽo.

Đau xót nhất là những trường hợp, khi vớt xác lên, cơ thể bị phân hủy mạnh, các bộ phận không còn nguyên vẹn, người nhà chỉ có thể nhận dạng qua màu quần, áo còn sót lại.

 

“Cách đây nhiều năm, một người phụ nữ giận nhau với chồng, nhảy cầu tự tử. Nhiều ngày trôi qua mà xác không nổi, theo kinh nghiệm, tôi phải về tận Nam Định để “đón lõng”. Tuy nhiên, lần đó, thi thể bị phân hủy mạnh, nhiều bộ phận đã tan, trôi theo dòng nước, dù cố gắng lắm tôi cũng chỉ vớt được một phần thi thể còn sót lại”, bà Bình nói.

Lần đó, khi mang thi thể lên bờ, mùi tử thi bốc lên nồng nặc, rất khó chịu, người nhà nạn nhân cũng không dám đến gần. Bà Bình nán ở lại, tắm rửa sạch sẽ, rồi quấn vải trắng cho người phụ nữ xấu số.

"Mỗi lần như thế, mùi xác chết ám vào người, đặc biệt là vào tóc vài ngày không hết. Tôi thường phải tắm rửa nhiều lần bằng nước thơm để bay hết mùi", bà Bình ám ảnh nói.

Dân thuyền chài kiêng kị cứu người chết đuối, kể cả xác trôi đến gần cũng đẩy ra, bởi họ quan niệm phải đền mạng khi cướp miếng cơm của Hà bá. Riêng bà Bình lại khác, mỗi lần vớt được xác người, bà lại làm mâm cơm cúng thủy thần để tạ lỗi, chứ chưa bao giờ có ý định “bỏ mặc” nạn nhân giữa dòng sông lạnh lẽo.

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 10

Giọng bà Bình trầm ngâm khi kể về những ký ức ám ảnh với những nạn nhân xấu số bỏ mạng trên dòng sông Hồng

 

Làm nghề đặc biệt vì cái duyên với "người chết"

Không những vớt xác người xấu số, bà Bình còn nhiều lần ra tay, cứu người đuối nước hay có ý định tử tự. Khoảng những năm 2000, trong một lần chèo thuyền đánh cá trên sông Hồng, bà Bình nhìn thấy thấp thoáng hai người chới với trên dòng sông. Mặc dù lúc đó thời tiết mùa đông, nhiệt độ lạnh “cắt da, cắt thịt” nhưng người phụ nữ này không suy nghĩ, vội buông mái chèo, ngụp lặn giữa dòng nước xiết để cứu người.

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 11

Hàng ngày, ngoài công việc chài lưới, đánh cá ven sông Hồng, bà Bình còn đưa đón hai người cháu nội đi học tiểu học gần nhà

“Rất may do có mặt kịp thời nên tôi đã tóm được hai mẹ con đang trong tình trạng thoi thóp. Chỉ cần chậm chân chút thôi là nạn nhân mất mạng như chơi vì dòng nước quá lạnh và chảy xiết”, bà Bình nói. Lần ấy, khi cứu được lên bờ, người phụ nữ nước mắt ngắn dài, chắp tay, cúi đầu cảm ơn bà Bình.

“Lúc bình tâm lại, cô ấy kể gia đình trục trặc, do giận chồng nên túng quẫn nhảy cầu tử tự. Tuy nhiên, khi nhảy xuống dòng nước, nghe tiếng khóc của con trai, người phụ nữ này bừng tỉnh, sợ hãi mới chới với, gọi người kêu cứu”, bà Bình nhớ lại.

 

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 12

Mâm cơm giản đơn của ba bà cháu bà Bình

Hơn nửa đời người gắn bó với công việc đặc biệt này, bà Bình cho biết, bà làm vì cái “tâm” chứ không ai kiếm tiền trên thân xác người chết. Với bà làm việc tốt cũng đồng nghĩa với việc đang “tích đức, tạo phúc” cho con cái và chính bản thân mình.

“Nhiều vụ xác biến dạng, gia đình chỉ còn nhận ra qua quần áo, đồ trang sức. Trường hợp đó, nếu mình tham lam, có lấy tiền, vàng giấu đi cũng chẳng ai biết, nhưng không ai làm việc có tội đó với người chết cả. Với những trường hợp khó khăn, tôi chỉ lấy tiền xăng, thậm chí còn bỏ tiền túi giúp họ mua áo quan và lo liệu tang lễ cho người thân”, bà Bình nói.

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 13

Chú chó được bà Bình cứu thoát chết khi đang vùng vẫy trên sông Hồng cách đây 2 năm

Bà Bình trầm ngâm cho biết, nhiều lần bà cũng muốn bỏ nghề vớt xác để chuyên tâm chài lưới, đánh bắt cá kiếm sống nhưng lần nào cũng vậy, hễ cứ có ai gọi, nhờ giúp đỡ là bà lại không đành lòng, tất tả ngược xuôi rà lưới, tìm người.

 

Ký ức ám ảnh của người đàn bà hơn 40 năm vớt hàng trăm xác chết trên sông Hồng - 14

Bà Bình cho biết, bà hy vọng sẽ có lúc "thất nghiệp" điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn những phận người xấu số bỏ mạng dưới dòng sông lạnh lẽo.

Bà bảo, nếu ông trời thương, cho sức khỏe thì sẽ còn gắn bó với công việc đặc biệt này thêm nhiều năm nữa. Khi được hỏi về mong muốn, người đàn bà U60 trầm ngâm cho hay, bà hy vọng sẽ có lúc "thất nghiệp", điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn những phận người xấu số bỏ mạng dưới dòng sông lạnh lẽo.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm