Hiện tại đang là mùa kiến ba khoang phát triển rất nhiều, đặc biệt là các khu vực ẩm ướt. Kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng huỳnh khoang nên chúng thường xuất hiện trong nhà và là nỗi lo lớn đối với người dân thành phố.
Cách đuổi kiến ba khoang ở nhà tầng hoặc chung cư
Theo các chuyên gia, kiến ba khoang là loại côn trùng thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, sau những trận mưa lớn. Do đặc tính bị thu hút bới những nơi có ánh sáng nên các căn hộ hay nơi cư dân sinh sống chính là những địa điểm mà chúng có khả năng đến. Vì vậy, để loại bỏ loại côn trùng gây hại này bạn đừng quên bỏ túi những biện pháp phòng tránh đơn giản sau:
Khu vực sinh sống phải được thường xuyên phun thuốc diệt côn trùng bởi đây là biện pháp hàng đầu không chỉ giúp loại bỏ kiến ba khoang mà còn điệt được các loại côn trùng gây hại khác như muỗi, gián,...
Do đặc tính của loài côn trùng này, các chuyên gia khuyên rằng, bạn không nên mở cửa hoặc bật đèn quá sáng vào ban đêm hay không nên bật đèn neon, không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn,... để tránh sự thu hút của kiến cũng như các loại côn trùng khác. Ở các vùng chung cư cần có sự bố trí đèn hợp lý, nhà xa những bóng đèn đường lớn, trong nhà dùng đèn ánh vàng, ánh sáng nhẹ.
Khi đi ngủ bạn nên mắc màn để hạn chế sự tiếp xúc với kiến ba khoang. Ngoài ra, để ngăn ngừa và hạn chế sự có mặt của các loài côn trùng, căn nhà của bạn lúc nào cũng cần vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát.
Ngoài ra, bạn có thể dùng bẫy kiến ba khoang bằng cách dùng ánh sáng mạnh thu hút chúng đến một vị trí cố định nào đó, phía dưới đặt chậu nước hoặc dùng băng dính bắt kiến.
Xử lý tại nhà khi bị kiến ba khoang đốt
Kiến ba khoang chứa độc tố có khả năng gây nên những vết ngứa, bỏng rát và rất dễ nhiễm trùng. Tổn thương do kiến ba khoang tạo ra thường có dạng ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, lở loét - dấu hiệu đặc thù chỉ có trong viêm da tiếp xúc do côn trùng. Vì vậy, khi bị kiến ba khoang đốt cần xử lý như sau:
Khi bị tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc có thể xuất hiện ban đỏ, ngứa. Ngay lập tức hãy dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc bám trên da. Sau đó dùng hồ nước bôi lên vùng da tổn thương nhằm mục đích làm mát da, tránh phồng rộp.
Khi da đã bị nổi mụn, phòng rộp như vết bỏng, tiếp tục dùng hồ nước bôi để làm sạch, dịu da. Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch xanh methylen bôi lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng.
Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch, hãy sử dụng các loại thuốc dạng mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp vết thương mau lành. Nếu bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.