Đời sống

Làm thế nào để phòng tránh ngộ độc rượu?

Sau nhiều trường hợp uống rượu phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong, câu hỏi đặt ra là uống rượu đến ngưỡng nào có thể gây ngộ độc?

Ăn măng đúng cách để không bị ngộ độc / Sai lầm cần tránh tuyệt đối khi giảm cân bằng bí đao kẻo ngộ độc, mất mạng

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Liên tiếp các sự việc uống rượu phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong khiến dư luận xôn xao. Câu hỏi đặt ra là uống rượu đến ngưỡng nào sẽ gây ngộ độc nặng, và làm cách nào để phòng tránh được tình trạng nguy hiểm này?
Dân Trí dẫn nguồn tin từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Mih cho biết, ngộ độc rượu có thể xảy ra cấp tính khi uống rượu quá nhiều trong thời gian ngắn, hoặc là tình trạng mạn tính khi uống trong thời gian dài.
Có 2 hai loại ngộ độc rượu chính thường gặp là ngộ độc rượu Etylic (Ethanol) và ngộ độc rượu Metylic (methanol).
Đặc biệt với methanol, chỉ cần uống 5-15 ml có thể ngộ độc nặng, 15 ml trở lên gây mù lòa, 30 ml dễ dẫn đến tử vong. Độc tính của methanol có tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới thần kinh mắt… Để xử trí loại ngộ độc này, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hồi sức cấp cứu và điều trị.
Với ngộ độc ethanol dạng say rượu, bệnh nhân cần nằm nghỉ nơi yên tĩnh, có thể cho uống 10-20 giọt Amoniac hay 1-5 g Amonium acetat trong một cốc nước muối. Nếu bệnh nhân mất ý thức, có biểu hiện ngừng thở hoặc hôn mê, co giật cũng cần đưa ngay đến bệnh viện.
Cách xử lý ngộ độc rượu
Khi bị ngộ độc rượu, người bệnh có nguy cơ cao bị: Mất ý thức, mất trí nhớ, hạ đường huyết, co giật, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, nôn, mửa liên tục dẫn đến mất nước, co giật, tổn thương não vĩnh viễn, tử vong,… Do đó, người bị ngộ độc rượu cần được cấp cứu ngay lập tức:
Cố gắng giữ nạn nhân ở tư thế ngồi thẳng. Nếu nạn nhân muốn nằm, cần kê gối sao cho phần đầu và vai cao hơn thân mình. Nếu nạn nhân bị ứ đọng đờm dãi, thở khò khè, bất tỉnh, cho nằm nghiêng để khi nôn không bị sặc. Nếu người bệnh không nôn, có thể tìm cách gây nôn hết rượu để loại bỏ cồn ra khỏi dạ dày.
Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước (đặc biệt sau khi nôn) và làm loãng nồng độ rượu. Điều này giúp quá trình đào thải rượu diễn ra nhanh chóng. Có thể cho người bệnh uống nước gừng tươi, nước chè xanh, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi,… để giải độc rượu (nếu bị nhẹ).
Người bị ngộ độc rượu có nguy cơ hạ thân nhiệt cần giữ ấm bằng cách đắp chăn, mặc áo ấm,…
Nói chuyện với nạn nhân, trấn an và giải thích nguy hiểm đang gặp để nạn nhân hợp tác, không bị kích động. Vì người say rượu, ngộ độc rượu thường mất bình tĩnh, dễ bị kích động.
Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Luôn quan sát kỹ người bệnh, nếu người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm dãi nhiều, lay gọi không tỉnh, thở nhanh và thở sâu, thậm chí co giật,… Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, nhìn đôi, giảm hoặc mất thị lực, vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái,… vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ hoặc xe cấp cứu vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Phòng chống cách nào?
Để phòng chống ngộ độc rượu, cơ quan chức năng yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.
Không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn như: rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.
Đối với người dân, Phòng Quản lý ngộ độc, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM khuyến cáo, phụ nữ mang thai nếu uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, thậm chí gây ngộ độc cho thai nhi.
Ngoài ra, có 5 trường hợp không được uống rượu.
Thứ nhất, không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
Thứ hai, không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
Thứ ba, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Thứ tư, không uống rượu khi không biết là rượu gì, nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng thế nào. Không uống khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
Thứ năm, trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày, tương đương 30 ml rượu mạnh (40-43 độ), 100 ml rượu vang (13,5 độ), 330 ml bia hơi (5 độ), 2/3 chai 500 ml hoặc lon bia 330ml (5 độ).
Các triệu chứng của ngộ độc rượu cần cấp cứu ngay:
- Da tái xanh, sờ thấy lạnh (đặc biệt da ở vùng quanh môi, móng tay).
- Lú lẫn, phản ứng chậm, đi đứng loạng choạng hoặc không đi đứng được.
- Hạ thân nhiệt.
- Mạch, nhịp tim, nhịp thở không đều (khoảng cách giữa các nhịp thở từ 10 giây trở lên).-
- Co giật, nôn mửa, nghẹt thở.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm