Đời sống

Lối sống thích đơn độc ở giới trẻ

Những rối loạn tâm lý tuổi mới lớn, nỗi sợ hãi trước sự bình luận, dèm pha từ xã hội thật và “xã hội ảo” đang dần dần đẩy người trẻ vào một thế giới riêng của mình. Sự đơn độc với những sở thích hàng ngày đang trở thành một lối sống “hot” trong giới trẻ.

Bao đêm khóc thầm nhưng nghĩ đến con lại yếu lòng / 'Đại kỵ' khi ăn cam quýt, biết mà tránh kẻo ân hận mấy cũng muộn

Nếu trước đây, các bạn trẻ thường hay lập nhóm đi “phượt”, ăn uống, cà phê, đi đâu, làm gì cũng phải cần có bạn càng đông càng vui thì giờ đây tất cả đều ngược lại. Trên các trang mạng xã hội, không hiếm thấy những dòng trạng thái cà phê một mình, du lịch một mình, ăn lẩu một mình… Tất cả đều cho thấy, họ vẫn ổn và hài lòng với cuộc sống đơn độc. Tuy nhiên, không phải ai trong số đó cũng thật sự yêu thích cuộc sống một mình, nhưng họ không thể đối diện với những trở ngại về tâm lý nên khó lòng hòa nhập với cuộc sống xung quanh.

Đơn cử là ở thế giới FA (người độc thân) thường mặc cảm mỗi khi đến dịp Tết sum vầy, điều chắc chắn là trong các buổi họp mặt gia đình, họ sẽ bị hỏi đến chuyện bao giờ cưới vợ, lấy chồng. Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm nhưng họ vẫn chưa tìm được đối tượng phù hợp và mỗi năm đều phải đối diện với áp lực từ người thân, bạn bè. Tương tự, một số người trẻ không chịu được những lời bình luận khiếm nhã từ người thân như câu nói vô tình “Dạo này sao trông mập vậy?”, “Dạo này sao trông đen đúa, nổi nhiều mụn vậy?” Những câu nói tưởng chừng như hỏi thăm, quan tâm nhau nhưng thiếu tế nhị đã gây tâm lý mặc cảm ở giới trẻ, càng khiến họ ngại tiếp xúc, hạn chế tham gia những buổi tiệc tùng, hoạt động tập thể để mình không trở thành đề tài bàn tán của đám đông.

Du lịch một mình trở thành “mốt” trong giới trẻ

Thêm vào đó là những vấn nạn xã hội hiện nay gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong người trẻ, khiến họ yêu thích cuộc sống một mình hơn. Bạn V (facebooker Th.V) chia sẻ: “Riết rồi đọc tin tức nhiều đâm ra lo sợ, ngại giao du với bạn bè mới vì không biết tính khí người đó như thế nào, đi ăn chia tiền không đồng đều cũng đâm nhau, đi hàng quán lỡ nhìn qua bàn bên kia thì được xem là nhìn đểu, cặp bồ nhưng thấy không hợp nhau đòi chia tay thì bị đối phương hăm dọa đòi chém, giết…”.

Theo kết quả khảo sát mới của Đại học Swinburne và VicHealth (Úc), rất nhiều thanh niên từ 18-25 tuổi đang cô đơn ở mức độ có vấn đề. Cụ thể, 1/4 người trẻ từ 12-25 tuổi thấy cô đơn 3 ngày trở lên/tuần, 35% (hơn 1/3) thanh niên từ 18-25 tuổi cảm thấy cô đơn 3 lần trở lên/tuần. Nhóm khảo sát cũng phát hiện ra rằng, mức độ cô đơn cao làm tăng 12% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và 10% lo âu xã hội ở người trưởng thành trẻ tuổi. Cô đơn có hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người. Trong khoảng thời gian 6 tháng, những người cô đơn có nhiều khả năng trải qua tỷ lệ trầm cảm, lo âu xã hội và hoang tưởng cao hơn. Lo âu xã hội cũng có thể dẫn đến sự cô đơn nhiều hơn sau đó.

Giải pháp giúp người trẻ thích sống đơn độc không đơn giản là thúc đẩy người trẻ tham gia đội, nhóm hoặc cố gắng kết bạn nhiều hơn. Người cô đơn cũng có nhiều khả năng bị căng thẳng khi tương tác xã hội, ít hợp tác, thể hiện nhiều cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể tiêu cực do nỗ lực bảo vệ bản thân khỏi sự từ chối. Những vấn đề tâm lý nội tại bên trong người thích sống cô đơn không thể được chia sẻ, giải quyết, lâu dần hình thành nên cách sống đơn độc và lây lan, trở thành xu hướng cho nhiều bạn trẻ có cùng nỗi cô đơn, sợ hãi. Do vậy, việc cung cấp cho những người trẻ tuổi các công cụ để phát triển và duy trì các mối quan hệ xã hội có ý nghĩa là vô cùng cần thiết. Cùng với đó là sự quan tâm, chia sẻ chân tình, tế nhị từ bạn bè, gia đình sẽ phần nào giúp người trẻ có được những mối quan hệ thoải mái hơn, để có thêm sự lựa chọn thích sống đơn độc hay tăng cường kết giao để đời sống tinh thần trở nên phong phú hơn.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm