Mẹ chồng tuyên bố 'đến lúc mẹ nghỉ ngơi'
Phụ nữ có thể giả vờ không biết nhiều thứ nhưng có 2 thứ nhất định phải biết / Clip: Hướng dẫn cách làm hộp quà đơn giản, đẹp mắt
Đàn bà con gái lấy chồng là chọn chồng, chứ mấy ai chọn “bà gia”, bởi lấy chồng là sống đời sống kiếp với chồng; mẹ chồng dù ở chung hay riêng, dù dễ tính hay khó tính, cũng chẳng phải là người quyết định hạnh phúc của mình. Nghĩ thế, nên ngày đầu về nhà anh thăm chơi, chị đã bỏ qua những lời cảnh báo của hàng xóm, rằng "mẹ thằng K. khó tính lắm đó, nhắm chịu nổi không?".
Chị không thấy mẹ chồng khó tính, nhưng chị bị ám ảnh với sự ích kỷ và lười biếng của mẹ chồng.
Ngày đám cưới chị, khi khách khứa về hết, chị chưa kịp nghỉ ngơi, mẹ chồng đã gọi vào bảo trả hết vàng cưới lại cho mẹ, vì số vàng đó mẹ mượn. Chị đứng hình mấy giây, nhưng vẫn ngoan ngoãn tháo vòng vàng ra trả mẹ. Chị kể lại với chồng, chồng bảo “Thôi bỏ đi, có khi mẹ mượn thật, để anh sắm lại cho em bộ vàng cưới khác”.
Chị nghĩ, chuyện chồng sắm cho vợ là chuyện của chồng, chuyện mẹ sắm vàng cưới dâu là chuyện khác. Thà mẹ đi cưới một chỉ vàng cũng chẳng sao, sao lại phải “làm màu” như thế?
Chồng hay ca ngợi mẹ anh chịu thương chịu khó, tần tảo nuôi đàn con nên người. Vậy mà từ ngày về làm dâu, chị chưa từng được ăn một bữa cơm mẹ nấu, thậm chí mẹ chồng chưa từng cắm giùm nồi cơm. Quan niệm của mẹ chồng chị là, cưới dâu về thì dâu phải phục vụ, dâu đi làm về trễ cỡ nào, bà cũng vẫn ngồi chờ cơm tối.
Có lần chị toan dắt xe đi làm, thì người bán rau đi ngang cửa, chị liền mua hai bó rau muống nhờ mẹ chồng mang vào nhà nhặt giúp. Bà không những không nhặt, mà còn để hai bó rau héo úa trước hiên nhà. Đi làm về, thấy hai bó rau không bị xê dịch, chị chỉ biết thở dài.
Mẹ chồng nay mới 65 tuổi, sức khỏe còn rất tốt, ngày ngày vẫn đi tập thể dục ngoài công viên với nhóm bạn. Bà từng làm ruộng, ở quê còn chăm đàn heo mấy chục con, về thành phố ở với con trai, bà cũng đảm nhiệm cơm nước, chăm sóc nhà cửa. Nhưng từ ngày có dâu, mẹ thẳng thừng: “Mẹ vất vả quá nhiều rồi, giờ có dâu là tới lúc mẹ nghỉ ngơi”.
Ngày chị sinh con đầu lòng, mẹ ruột đưa chị về quê theo tục lệ “con so nhà mạ”. Nhà mẹ chồng cách nhà mẹ ruột 500 km. Mẹ chồng ra thăm cháu đích tôn, thăm dâu, thăm sui gia mà bà chỉ ngồi chơi rồi... phán phải thế này, thế kia.
Mẹ ruột chị nhiều hơn bà cả chục tuổi, sức yếu và có bệnh tiểu đường vẫn vừa vận bịu chăm con gái mới sinh, vừa hơ háp, tắm táp, chăm sóc cháu ngoại. Những ngày nhà có khách, bà còn phải đôn đáo lo cơm nước cho chị sui.
Quần áo mẹ chồng thay ra, mẹ ruột chị cũng phải giặt. Mẹ chồng không phụ nấu bữa cơm nào, chén cũng không buồn rửa. Chuyện mẹ chồng không tắm cháu nội, không thay tã, có thể thông cảm, vì bà khá vụng về, nhưng cũng phải biết tự giặt quần áo cho mình mới phải, ai lại đi làm phiền bà sui?
Và còn vô số chuyện về mẹ chồng lười biếng và hành xử kiểu... bề trên với mẹ ruột, chị ấm ức mà không sao nói ra được.
Mẹ chồng lôi chuyện ngày xưa bà làm dâu vất vả, để so bì với chị. (Ảnh minh họa) |
Bao lâu nay, chị cố gắng suy nghĩ tích cực, cố làm mọi cách để có tình cảm với mẹ chồng, thương người đã sinh ra chồng, nhưng khó quá. Liệu có thể thương được không, khi thấy rõ mẹ chồng không thương mình, hở một chút là so bì chuyện xưa làm dâu vất vả ra sao và liên tục buộc chị phải theo cái thuyết "có dâu rồi, đến lúc mẹ nghỉ ngơi" của bà.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giải mã giấc mơ thấy người đã khuất xuất hiện trở lại
Từ cuối tháng 11: Sao tài lộc rực sáng, 4 con giáp bứt phá và hưởng lộc lớn
Tử vi ngày 22/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn sự nghiệp thăng tiến, thu hoạch lợi nhuận khủng từ kinh doanh
Từ ngày 22/11 đến cuối năm: Ba con giáp đón sóng may mắn, tài lộc hanh thông, sự nghiệp thăng tiến