Đời sống

Ngày lấy chồng là cái ngày ám ảnh nhất trong cuộc đời mà không bao giờ muốn nhớ lại

Những ngày tháng đó em thật không muốn nghĩ lại 1 giây phút nào vì nó quá ám ảnh và sợ hãi.

Những điều con gái nên làm trước khi lấy chồng để không hối tiếc / Con gái mãi không chịu lấy chồng, tôi lén đến thăm và chết điếng khi chứng kiến cảnh tượng bên trong căn hộ chung cư con ở

Em chào chương trình VOV Cửa sổ tình yêu.

Em tên là H. U, năm nay em 24 tuổi và em đã kết hôn được gần 1 năm. Chồng em hơn em 7 tuổi, chúng em kết hôn sau gần 2 năm tìm hiểu. Trong quá trình yêu anh, em luôn bị sự phản đối của gia đình, nhất là bố em vì anh ở xa và điều kiện nhà anh không có, anh cũng chưa có gì trong tay. Điểm nữa là tính cách của anh có phần gia trưởng, ích kỷ và ghen khi yêu. Anh cũng rất quan tâm em và giúp em những lúc em gặp khó khăn trong học tập, cuộc sống.

Trải qua nhiều khó khăn tưởng như không đến được với nhau, cuối cùng, chúng em đã kết thúc bằng một đám cưới (chúng em có yêu nhau). Tuy nhiên, trước ngày cưới 1 tháng có xảy ra chút vấn đề, đó là việc lễ ăn hỏi do hai gia đình chưa thống nhất được ngày và thủ tục hai nơi khác nhau vì em ở Hưng Yên, chồng em ở Bắc Giang. Dưới em hay có thủ tục nhà trai khi đưa lễ phải có cả lễ đen vì quê em đâu cũng như vậy; nhưng nhà chồng em không đồng ý.

Bố mẹ em cũng phải giải thích rất nhiều rằng đó là thủ tục ở họ nhà gái và sau đó thì bố mẹ cũng cho 2 vợ chồng chứ bố mẹ không lấy. Tâm trạng của em lúc đấy vô cùng khó chịu vì bố mẹ em cũng nói sao nhà này lại như thế, họ không coi trọng nhà mình. Thật sự lúc đó em cũng tủi thân lắm, cảm giác như bố mẹ nuôi mình ăn học bao nhiêu năm giờ như cho không nhà người ta, cảm giác chính em không được chồng tương lai tôn trọng vì em cũng đã giải thích rất nhiều cho anh hiểu tập quán ở quê em.

Trước ngày ăn hỏi, em chỉ muốn vì chuyện này mà kết thúc tất cả, sẽ không có đám cưới nào nữa. Em không chấp nhận sự không tôn trọng đấy từ phía chồng mình và gia đình chồng. Bố mẹ em còn nhờ các bác có uy tín trong nhà đứng ra phân tích, giảng giải cho phía bên nhà chồng hiểu là đó chỉ là tập tục chứ không đặt nặng vấn đề tiền bạc. Cuối cùng, phía nhà trai hiểu và mẹ em cũng an ủi em rằng, thôi nó đã kiên trì theo đuổi bao lâu thì đừng nên làm như thế.

Tối hôm đó, mẹ em gọi chồng em xuống nói chuyện 1 lần cuối và hỏi ý kiến em xem em nghĩ như thế nào. Thực sự, trước lúc đó em luôn nghĩ bằng mọi giá em phải kết thúc cuộc hôn nhân này, vì chỉ qua chuyện này em đủ hiểu họ không coi giá trị của em, của gia đình em như thế nào và em biết chắc chắn 1 điều rằng lấy anh em sẽ rất khổ (chồng em là con út và em về sẽ sống chung với bố mẹ chồng). Em nói rõ hơn là từ khi yêu nhau, người luôn vun vén và tham gia nhiều nhất vào chuyện tình yêu của chúng em là mẹ của em.

Anh trước làm cùng công ty với mẹ em và đã có một thời gian về nhà em trọ nên coi như đã thân quen. Điều em không ngờ nhất là không hiểu sao lúc mẹ em hỏi em nghĩ như thế nào em đã chấp nhận đồng ý lấy anh, dù trước đó em luôn nghĩ phải dừng lại bằng mọi giá. Đám cưới diễn ra trong sự chúc phúc và bất ngờ của họ hàng, bạn bè; nhưng trong lòng em luôn cảm thấy không vui, luôn muốn chạy trốn khỏi thực tại, mặc dù ngoài mặt em luôn tươi cười. Và em nhận thấy chồng em cũng không thật sự hào hứng cho đám cưới này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước ngày cưới, công việc của em có chút trục trặc nên tâm trạng của em không được tốt. Em luôn lo sợ vì công việc mà sẽ ảnh hưởng đến đám cưới, lúc đó em cố gắng vượt qua tất cả để đám cưới diễn ra suôn sẻ. Ngày đầu về làm dâu, em rất bỡ ngỡ và không biết gì, em vừa học xong thì anh đã giục cưới. Trong quá trình yêu nhau, em cũng ít tiếp xúc với gia đình nhà chồng. Gần 2 năm yêu nhau, em mới chỉ về chơi 2 lần. Cảm nhận những lần về chơi đó là bố anh có vẻ dễ tính và quý em; còn mẹ anh thì khó tính và như không thích em cho lắm. Khi về làm dâu thì em mới hiểu cảm nhận ban đầu của em không đúng.

Bố anh thực sự rất nghiêm khắc và là người gia trưởng, quyết định mọi việc trong gia đình, không một ai dám làm ông phật ý; còn mẹ chồng em bà cũng khó tính thật. Ngày đầu về làm dâu, mẹ chồng em rất khắt khe với con dâu, dù chỉ một việc nhỏ em làm không đúng bà cũng nói em rất nặng lời, nên em rất sợ bà. Chồng em không quan tâm em nhiều, không chỉ bảo em phải làm như thế nào dù em mới về nhà chồng. Thậm chí, khi đón dâu, đang trên đường đi anh cũng quát em khi em có việc làm hay hành động không vừa ý anh. Ngay lúc đó anh nói anh thất vọng về em.

Cứ như vậy, cuộc sống khi mới về làm dâu luôn là sự kép nép, sợ hãi mẹ chồng và kèm theo sự bỏ mặc, thờ ơ của chồng khiến em vô cùng tủi thân. Em cũng tâm sự rất nhiều với mẹ đẻ về cảm nhận của em vì em chẳng tâm sự được với ai khác ngoài mẹ đẻ. Lúc đó, em luôn suy nghĩ là em muốn dừng lại vì em quá thất vọng về hôn nhân của mình, đã có lúc em thất vọng tới mức em đã tháo nhẫn ra trả lại cho chồng em. Mỗi lần thấy vợ chán nản, thất vọng như vậy chồng em lại dỗ dành em và em lại bỏ qua để tiếp tục.

Cứ như thế, hôn nhân của em và chồng luôn là sự giận dỗi, cãi vã nhau cùng với sự vô tâm, thờ ơ của chồng. Sau này, khi mẹ chồng em và em đã hiểu nhau hơn thì bà đã thoải mái với em hơn và cũng tâm lý hơn. Để có được điều này, em cũng đã phải cố gắng xây dựng rất nhiều; nhưng vợ chồng em luôn sống với nhau trong sự cãi vã, chì chiết nhau. Đã rất nhiều lần em đòi ly hôn để giải thoát cho bản thân. Những lúc em đòi ly hôn, chồng em tỏ ra rất buồn chán. Có lần, anh đã bỏ đi chơi tới 12h đêm mới về và còn vài lần khác nữa. Những lúc như vậy, anh chỉ nói anh đi với anh em cho vui chứ anh không làm gì sai với em cả. Hôn nhân của em thực sự rơi vào bế tắc khi công việc của em liên tục gặp trục trặc.

 

Đi làm em đã vô cùng mệt mỏi và áp lực, về nhà lại là phía chồng, thậm chí cả bố mẹ chồng. Những lúc đi làm mệt mỏi về nhà, em không muốn làm gì cả, vậy là bố chồng luôn mang em ra nói là em không biết làm việc gì trong nhà và dùng những lời lẽ khó nghe để nói em. Thậm chí, bố chồng còn ủng hộ chuyện vợ chồng em ly hôn và đến tận lúc đó em mới biết thật ra ông đã phản đối việc chồng em lấy em ngay từ đầu, vậy mà em luôn nghĩ ông quý mến em. Trước đó, chồng em có đòi ly hôn với em; nhưng em không đồng ý. Những ngày tháng đó, em thật không muốn nghĩ lại 1 giây phút nào vì nó quá ám ảnh và sợ hãi. Quá áp lực, mệt mỏi về tất cả, em đã xin nghỉ việc và về quê một thời gian để ổn định tâm lý và hoàn thành nốt chương trình học Đại học.

Em quyết tâm khi em đi em sẽ không quay trở lại gia đình nhà chồng nữa và em sẽ nhất định ly hôn chồng. Sau khi học xong, em muốn tìm một công việc ở chỗ khác làm để không phải sống chung với bố mẹ chồng nữa. Từ khi lấy chồng, em làm miệt mài với suy nghĩ kiếm thật nhiều tiền để ra ở riêng và em không muốn ăn bám chồng. Cuối cùng, em cũng không làm được như mình mong muốn. Học xong em lại về trên nhà chồng và đi tìm việc, trở về vẫn là những cảm giác giống ngày đầu em về làm dâu khiến em rất chán nản, mệt mỏi và ức chế chỉ muốn dừng cuộc hôn nhân này lại. Em phải làm sao bây giờ.

Mong chương trình cho em lời khuyên.

Em gái thân mến!

 

Tình yêu sẽ có lúc trầm, lúc bổng như một bản nhạc, sẽ có lúc tình cảm đó đẩy lên cao trào và người ta mong muốn đến hôn nhân với nhau. Nhưng để có được sự đồng ý của cả hai gia đình, cũng như để ổn thỏa chuyện cưới xin không phải là dễ dàng. Vì thế mà không ít những cặp đôi yêu nhau đấy; nhưng khi quyết định đi đến hôn nhân lại gặp không ít trắc trở, không ít người đã lựa chọn buông bỏ tình yêu của mình. Vậy, kiên trì tiến đến hôn nhân rồi có phải sẽ hạnh phúc không? Câu trả lời là chưa hẳn. Hôn nhân khác tình yêu, nó không còn nhiều mảng màu sáng, màu hồng như khi đang yêu nữa. Mà khi lấy nhau về là khi phải hòa hợp với biết bao nhiêu thứ: văn hóa, vùng miền, nỗi lo kinh tế “cơm, áo, gạo, tiền”, hòa nhập với bao người “lạ thành quen” như bố mẹ, ông bà, chị em, hàng xóm… Và khi đó tình yêu bắt đầu nhạt phai tự khi nào không hay.

Em có chia sẻ với chương trình, em và chồng mình lấy nhau ban đầu vì tình yêu và sau đó đi đến hôn nhân nhưng lại gặp chút trở ngại. Ngay từ những ngày đầu, em đã không mong muốn khi gia đình nhà trai không hiểu tập tục quê em về lễ xin dâu. Có thể, thủ tục ở mỗi nơi mỗi khác nhau tạo nên sự mâu thuẫn và không hiểu nổi nhau của gia đình hai bên. Với gia đình em, việc có “lễ đen” là thể hiện sự tôn trọng con dâu và gia đình thông gia; Còn nếu với bên gia đình chồng em và quê quán của anh ấy không có những thủ tục như vậy thì có thể lo lắng rằng bị làm khó hay bị cố gắng để lấy tiền chẳng hạn. Chính vì sự không nhất quán ngay từ đầu về phong tục làm cho cả hai gia đình có những ấn tượng không tốt về nhau và ảnh hưởng cả thái độ của gia đình chồng với em bây giờ. Có thể phần nào em cũng nhận thấy điều đó đúng không?

Nhưng đó đã là chuyện đã rồi, không thay đổi được điều gì. Hiện tại, khi cả hai em chung sống với gia đình chồng và em cảm thấy không thể tiếp tục được nữa thì cũng là điều dễ hiểu mà thôi. Khi gặp bao điều khó khăn như thế thì có thể nhiều người ở trong hoàn cảnh của em cũng sẽ suy nghĩ về việc dừng lại, chạy trốn cuộc hôn nhân này.

Nếu em đã dứt khoát muốn dừng thì hãy cho cả hai vợ chồng một cuộc nói chuyện thực sự nghiêm túc về vấn đề này. Em có thể chia sẻ những suy nghĩ về tất cả những khúc mắc của em với chồng để anh ấy hiểu kết quả của ngày hôm nay là do tất cả những mâu thuẫn, những tổn thương mà em phải chịu chứ không vì lý do ngoại lệ nào cả. Thêm vào đó, em cũng có thể lắng nghe những mong muốn, suy nghĩ của đối phương. Sau khi nói chuyện rõ ràng với nhau, hiểu nhau rồi mà emthấy hai vợ chồng có thể cải thiện được thì phụ thuộc vào mong muốn của em mà xem xét có cho nhau thêm cơ hội hay không.

Còn nếu em muốn dứt khoát thì hãy chia sẻ với gia đình mình, để bố mẹ, người thân hiểu thêm về những khó khăn nơi em. Dù là thế nào thì bố mẹ, gia đình em cũng luôn mong muốn em hạnh phúc. Nếu quyết định đó làm em bớt đau khổ, cảm thấy hạnh phúc hơn và em sẽ không cảm thấy hối tiếc về điều gì về sau là em đã đi đúng hướng rồi em gái ạ.

 

Chúc em mọi điều tốt đẹp!


Theo PV/Cửa Sổ Tình Yêu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm