Đời sống

Nhập viện cấp cứu sau những trận cười sảng khoái

Vào viện khám khi thường xuyên cảm thấy chân tay tê bì, yếu, tăng cảm giác mỏi khi vận động và dễ rơi đồ vật khi cầm, chị Q không ngờ mình chịu hậu quả sau những trận cười sảng khoái từ một thú chơi thu hút giới trẻ hiện nay.

Trước lệnh cấm cho mục đích giải trí, bóng cười đã gây nguy hại thế nào cho giới trẻ? / 7 thanh niên tử vong ở đêm âm nhạc: Bóng cười tàn phá cơ thể như nào?

Tổn thương dây thần kinh sau chơi bóng cười

Sau hơn 1 năm chơi bóng cười, bệnh nhân nữ B.H.Q, 27 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) đã vào viện khám khi thường xuyên cảm thấy chân tay tê bì, yếu, tăng cảm giác mỏi khi vận động và dễ rơi đồ vật khi cầm. Theo lời kể của bệnh nhân, ban đầu chị chỉ tiếp xúc với bóng cười, xem đó là trò vui tiêu khiển. Mỗi lần chơi xong thấy giảm căng thẳng, mang lại những trận cười sảng khoái, vui vẻ và hưng phấn nên chị dùng thường xuyên hơn. Tần suất dùng tăng dần với 5 quả/ đêm, 3 - 4 đêm/tuần.

"Ban đầu tôi thấy tay hơi tê cũng chỉ nghĩ là các cơ co, tập thể dục sẽ hết. Sau khi hút bóng, các cơ rút lại làm cho bàn tay căng cứng, không thể cầm nắm bất cứ cái gì, tôi đã rất lo" – bệnh nhân Q cho hay. Sau khi thăm khám, thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng như điện tim, MRI sọ não… bệnh nhân được chẩn đoán viêm đa dây thần kinh ngoại biên có tiền sử hút bóng cười.

Nhập viện cấp cứu sau những trận cười sảng khoái - Ảnh 2.

BS Tuấn đang tư vấn cho bệnh nhân.

Trước đó, bệnh nhân nam N.N.H, nam, 33 tuổi (Bắc Kạn) cũng nhập viện với triệu chứng tương tự. Anh từng dùng ketamin, thuốc lắc, sử dụng không liên tục trong nhiều năm và có sử dụng bóng cười 6 tháng liền. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng cần thiết cho thấy, bệnh nhân bị viêm đa dây thần kinh ngoại biên trên nền tiền sử hút bóng cười.

Tiếp nhận điều trị các trường hợp bệnh nhân trên, BS.CKI Nguyễn Đình Tuấn - Chuyên khoa Thần kinh (BVĐK MEDLATEC) cho biết, đây là trường hợp điển hình của ngộ độc khí NO2 dẫn tới tổn thương thần kinh. Biểu hiện ban đầu bệnh nhân gặp phải là tê bì tứ chi. Trường hợp phát hiện muộn, tổn thương thần kinh xuất hiện sau 6 tháng sẽ không còn khả năng hồi phục. May mắn bệnh nhân Q triệu chứng mới xuất hiện khoảng 3 tháng nên vẫn còn khả năng phục hồi khi tuân thủ điều trị.

Gây nghiện, ảo giác

Theo BS CKI Nguyễn Đình Tuấn, bóng cười là những quả bóng bay được bơm loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide). Khi hít khí này vào sẽ tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái cho người sử dụng nên nhiều người rất thích.

Khí N2O trước kia trong y tế cũng dùng vì tác dụng giảm đau, giảm lo âu nhưng nếu dùng quá liều lại tác hại đến thần kinh và tim mạch. Hút khí này vào trong cơ thể gây tổn thương thần kinh ngoại biên và gây ảnh hưởng chu trình chuyển hóa vitamin B12.

 

Nhập viện cấp cứu sau những trận cười sảng khoái - Ảnh 3.

Lạm dụng hít bóng cười có thể gây nghiện. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, nếu lạm dụng N2O có thể dẫn tới rối loạn thần kinh như co giật, mất kiểm soát, trầm cảm, rối loạn cảm giác, liệt vận động, rối loạn giấc ngủ, tổn thương thần kinh trung ương,… Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp thì người dùng cũng sẽ bị giảm nhận thức, tầm nhìn và thính giác. Khí N2O có thể gây ảo giác, có dấu hiệu tượng tự như ma túy tổng hợp và cũng gây nghiện.

Qua những ca bệnh trên, các chuyên gia khuyến cáo, thú vui bóng cười có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe. Đã không ít trường hợp sau những trận cười sảng khoái phải nhập viện. Bởi vậy, người dân, nhất là giới trẻ không nên sử dụng bóng cười. Điều quan trọng để có cuộc sống khỏe mạnh, mọi người cần có một lối sống lành mạnh bằng tập thể dục thể thao, ăn uống và sinh hoạt điều độ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm