Đời sống

Những 'cấm kỵ' khi ăn hàu biển để tránh rước họa vào thân

Thịt hàu rất tốt cho sức khỏe, nhưng việc ăn hàu không đúng cách, đặc biệt là ăn hàu sống bị nhiễm khuẩn vô tình khiến bạn rước bệnh vào thân.

Thịt hàu sống là một món ăn khoái khẩu của các quý ông, nó được ví là "thực phẩm của tình yêu". Không những vậy, với những thành phần dinh dưỡng giàu vitamin và hợp chất hữu cơ như: kẽm, protein, sắt, đồng, selenium, vitamin D, vitamin B1, B2, B3, B12, vitamin C, phốt pho, kali, các axít béo omega-3, các chất kháng ôxy hóa, cholesterol tốt, nước… hàu còn tốt cho cả cả người lớn, trẻ em và phụ nữ.

Không có cơ sở khoa học cho thấy hàu nấu chín nghèo dinh dưỡng hơn ăn sống.

Theo y học cổ truyền, thịt hàu tính mát, không độc, tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, ăn vào trị được chứng mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt, phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh, phụ nữ sau sinh thiếu sữa, thiếu máu ăn hàu rất tốt, nam giới có chứng di mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn.

Thịt hàu sống được nhiều quý ông lựa chọn vì trong hàu chứa nhiều kẽm, là chất quan trọng cho quá trình sản xuất tinh trùng, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho nam giới. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng, không có cơ sở khoa học cho thấy hàu nấu chín nghèo dinh dưỡng hơn ăn sống.

Trước đó, PGS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hàu cũng như nhiều hải sản khác rất giàu kẽm tốt cho mọi người. Nhiều người thường chọn ăn hàu sống vì cho rằng bổ dưỡng hơn chín, tuy nhiên phó giáo sư Lâm khuyến cáo chỉ nên ăn hàu sống khi chắc chúng an toàn. Theo bà Lâm thì: "Không có cơ sở khoa học nào cho thấy ăn hàu, hải sản nấu chín nghèo dinh dưỡng hơn ăn sống".

Tuy nhiên, theo Cục quản lý dược và thực phẩm khuyến cáo, hàu đứng ở vị trí khá cao trong bảng xếp hạng những món ăn mang lại nhiều rủi ro nhất nếu ăn không đúng cách.

Những "cấm kỵ" cần tránh khi ăn hàu biển

Thực tế, trong hàu chứa rất nhiều mầm bệnh vì chúng sinh sống ở bờ biển, ở các ghềnh đá ven bờ biển hay các cửa sông, sống bám vào một giá thể như bám vào đá thành tảng, các rạn đá, móng cầu, ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển... nên khó tránh khỏi tình trạng bị ô nhiễm.

Nếu ăn hàu sống nhiễm khuẩn, cơ thể dễ nhiễm khuẩn Norovirus gây ra viêm ruột, viêm dạ dày. Bên cạnh đó, khuẩn Vibrio có trong hàu có thể gây ra bệnh tả với những triệu chứng như sốt cao, sốc nhiễm trùng, phồng rộp da, thậm chí tử vong do nhiễm trùng máu.

Vì vậy, cần tránh và hạn chế ăn hàu sống/tái, tốt nhất nên nấu chín đến khi hàu mở vỏ ra, nếu không mở thì nên bỏ đi sau khi nấu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Trong trường hợp muốn ăn hàu sống, để an toàn cho sức khỏe, nên mua hàu biển về, loại bỏ hết hàu chết, hàu ươn (vì loài nhiễm thể rất dễ bị nhiễm độc), và ngâm trong nước mặn, hoặc nước muối để hàu thải hết chất bẩn, rồi hãy ăn.

Khi ăn hàu sống, để không bị đau bụng nên dùng gia vị là mù tạp, vừa tăng khẩu vị cho món ăn, vừa giảm độ tanh và nguy cơ đau bụng. Tuy nhiên do mù tạt kích thích niêm mạc dạ dày nên những người bị đau dạ dày, viêm ruột không nên ăn.

Ngoài ra, do hàu có vị tanh, tính mát, có thể gây lạnh bụng, tiêu chảy nên những người có tỳ vị yếu, khó tiêu hóa hay đang bị tiêu chảy thì không nên ăn.

Lưu ý: Nếu bạn bị dị ứng hải sản thì tốt nhất là nên tránh xa hàu.

Theo M.H/Gia đình & Xã hội
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo