Đời sống

Những miền ngoại thành rợp sắc hoa

Thời điểm này, đến những vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, không chỉ thấy sự hiện diện những ngôi nhà mới, các con đường rộng rãi thênh thang mà còn có những nẻo hoa. Hoa khoe sắc trên các con đường, hoa làm đẹp cả bên bờ ruộng, hoa lấn cỏ dại, lấn bãi rác…

Tự ngâm rượu hoa atiso đỏ trị bách bệnh tại nhà / Hoa thiên lý - "thần dược" trị bệnh trĩ

Những “tuyến đường nở hoa” đã và đang là biểu hiện sinh động nhất về diện mạo nông thôn mới vùng ngoại thành ngày càng văn minh, xanh - sạch - đẹp.

Hoa lấn cỏ dại, lấn bãi rác

Đến xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), ấn tượng đầu tiên với tôi là những con đường rợp sắc hoa trải dài khắp các thôn xóm. Nhiều người bảo, Ba Vì đang vào những ngày đẹp nhất trong năm bởi dã quỳ nở vàng rực. Và có “mục sở thị” mới biết, những lời dẫn dụ trên chẳng sai. Ở nơi đây hoa được người dân chăm chút, nâng niu... họ yêu mến, trân trọng và gọi những đường hoa bằng cái tên “đường hạnh phúc”.

Theo những người dân Tản Lĩnh, đã thành nếp, sáng Chủ nhật hằng tuần, hội viên phụ nữ và nhân dân xã đều cùng nhau tham gia tổng vệ sinh, phát quang bờ bụi, quét rác trước cửa nhà và đường làng, ngõ xóm. Nhờ hoạt động cộng đồng này, đường làng, ngõ xóm trở nên sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên.

nhung mien ngoai thanh rop sac hoa

Những con đường hoa khoe sắc đã và đang làm cảnh quan đô thị trở nên tươi đẹp và văn minh hơn. Ảnh: Luyện Đinh

Đáng nói, xuất phát điểm về hạ tầng của Tản Lĩnh lại không hề cao. Tản Lĩnh là một trong 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, nên trong xây dựng nông thôn mới còn gặp không ít khó khăn. Theo tìm hiểu, xã trải rộng với 14 thôn, có tới 67km đường liên thôn, liên xóm nhưng đến nay mới chỉ có 28km được bê tông hóa. Nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn, để tạo diện mạo mới cho địa phương, nhất là ở các tiêu chí sử dụng ít ngân sách, cần sự chung tay của cộng đồng, Tản Lĩnh đã lấy nòng cốt là Hội Phụ nữ xã, Hội Cựu chiến binh… để phát động. Phong trào xây dựng những con đường hoa ở các thôn trong xã được hình thành như vậy.

Tương tự, với xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đời sống người dân nơi đây cũng đang thay đổi từng ngày. An Phú không chỉ đang từng bước thoát nghèo, mà đời sống tinh thần của người dân cũng dần được cải thiện. Dễ thấy nhất là sự khoe sắc của những đường hoa. Hoa làm cho cuộc sống ở An Phú ngày một xanh và tươi mới hơn.

Hoa trên các nẻo đường làng khiến cho cả vùng ngan ngát hương thơm. Càng hữu ích hơn, không chỉ khoe sắc, hoa sen dưới đầm còn giúp An Phú phát triển du lịch. Dễ thấy nhất là dịp hè vừa qua, vùng đất này đã thu hút hàng nghìn bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh. Nhắc chuyện này, ông Bùi Văn Ảnh, lão nông đã sống hơn 80 năm ở vùng đất này thật thà bảo: Cuộc sống nay đã khác nhiều. Bà con trước đây vốn chỉ biết làm ruộng thì nay đã biết làm du lịch, kết hợp dịch vụ. Với diện tích đồng trũng, rộng hơn 2.000 ha, mấy năm nay người trong xóm ngoài làng đã tận dụng đồng để trồng sen, cho thu nhập cao hơn trồng lúa, đồng thời tổ chức làm du lịch.

Vốn chịu định kiến về sự nhếch nhác và ô nhiễm môi trường, khu vực ven sông Tô Lịch, đoạn thuộc địa phận huyện Thanh Trì thời điểm này khác hẳn. Dải đất này khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi sự xuất hiện của hệ thống thảm hoa chạy dài khoe sắc rực rỡ. Theo tìm hiểu, cách đây ít tháng, con đường Phan Trọng Tuệ ven sông Tô Lịch thuộc địa phận xã Thanh Liệt còn um tùm cây dại và lưu cữu rác thải. Nhếch nhác nên khu vực này mặc nhiên bị một bộ phận người dân xem là nơi bỏ rác.

Mọi sự giờ khác hẳn. Sự chăm chút của các đoàn thể và người dân quanh khu vực giờ đã khiến đoạn đường không còn chịu sự xâm lấn của cỏ dại và rác thải, thay vào đó là những thảm hoa xanh mướt. Hơn hết, thái độ của người dân dành cho khu vực này cũng đã tích cực hơn. Bãi rác lẩn khuất mùi xú uế ít người dám gần nay cụ già, trẻ nhỏ tìm đến đây để tập thể dục, đi dạo, chụp ảnh lưu niệm. Nhắc chuyện đường hoa, ông Phạm Văn Nam, xã Thanh Liệt rỉ rả bảo: Từ khi có đường hoa, hình ảnh khu vực trở nên chỉn chu, sạch đẹp hơn, khiến ai ai cũng phấn khởi. Ai cũng ý thức được rằng, giữ đẹp cảnh quan chung, xây dựng nếp sống văn minh.

 

“Bí quyết” giữ gìn môi trường

Theo tìm hiểu, người dân ở các thôn, xóm thuộc vùng ngoại thành như: Phú Xuyên, Thường Tín, hay Quốc Oai, Thanh Trì, Đan Phượng… luôn có phương châm “Thêm một bông hoa, bớt một túi rác”. Nhờ vậy, người dân những vùng này thường duy trì nề nếp dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào những ngày cố định trong tháng, nơi công cộng (thường vào ngày chủ nhật giữa tháng và cuối tháng) gắn với việc nhặt cỏ, chăm bón hoa.

Hoạt động tập thể lành mạnh, tô điểm cho nếp đẹp văn minh đã được các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân ủng bộ bởi xét cho cùng nó không chỉ tạo môi trường sống trong lành mà còn khiến tình làng nghĩa xóm thêm đoàn kết. Nhiều cán bộ xã năng nổ còn cho rằng, xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc nâng cấp hạ tầng cơ sở mà còn nâng cao ý thức tự giác trong từng người dân, mỗi gia đình, thôn xóm.

Theo tìm hiểu của riêng người viết, khi mới triển khai, mô hình đường hoa, ở nhiều nơi cũng gặp khó khăn. Chủ yếu là do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao, một bộ phận bận làm kinh tế nên không có thời gian để trồng và chăm sóc hoa... Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng, việc trồng hoa bên đường không thực tế, dễ bị hư hỏng nên họ không ủng hộ.

Mặt khác, đường làng, ngõ xóm ở nông thôn hiện nhỏ hẹp, nhiều chỗ không còn đất trống để trồng hoa, cây cảnh, cây bóng mát nên khó trồng đồng bộ. Đề cập vấn đề này, nhiều cán bộ xã phường cũng cho rằng, vận động xây dựng mô hình đoạn đường nở hoa đã khó, song việc duy trì, quản lý để đoạn đường ngày một đẹp hơn, nhân rộng nhiều tuyến đường hoa khác càng khó khăn hơn. Dĩ nhiên, để khắc phục những hạn chế khó khăn trên “lời giải” chính là sự chung sức, đồng lòng. Xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì là một ví dụ.

 

Trong dịp trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Khánh - Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ chia sẻ: Xã bắt đầu thực hiện chủ trương từ năm 2014 bằng việc tuyên truyền, vận động người dân và các đoàn thể cùng tham gia. Tuy nhiên, do đặc thù xã Yên Mỹ 100% nằm trong hành lang thoát lũ nên không có cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn, việc xã hội hóa từ các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để có nguồn kinh phí, xã đã huy động một số gia đình có điều kiện, doanh nghiệp phát triển bên ngoài… Đặc biệt là dưới sự vào cuộc của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên, đa số người dân đều nhiệt tình ủng hộ. “Người người, nhà nhà có gì góp nấy. Trước hết, chúng tôi triển khai ở thôn 2 và thôn 3, sau đó nhân rộng ra địa bàn toàn xã” - Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho biết.

Theo đó, chỉ sau một thời gian triển khai, diện mạo xã Yên Mỹ thay đổi hẳn. Những con đường hoa tươi sắc nối liền các thôn, xóm dần được hình thành, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, là điểm nhấn đẹp của huyện Thanh Trì. Đáng chú ý, để duy trì cảnh quan, UBND xã đã giao cho mỗi đoàn thể phụ trách một tuyến đường để chăm sóc, quản lý. Chẳng hạn, hội Liên hiệp phụ nữ quản lý tuyến đường trục chính, Đoàn Thanh niên quản lý tuyến đường trước trụ sở UBND xã, Hội Cựu chiến binh quản lý các tuyến đường trong thôn… Qua việc huy động được sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân, nhận thức và công tác chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương ngày một nâng cao.

Việc làm đẹp đường liên thôn, xã, đường làng… bằng hoa đã trở thành phong trào sâu rộng, thiết thực, góp phần làm cho môi trường nông thôn Hà Nội nói riêng và thành phố nói chung ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp và văn minh, hiện đại. Đi trên những con đường hoa ngoại thành, tôi nhớ tới lời của một lão nông ở Ba Vì rằng, đời sống người dân dù còn vất vả, nhưng những bông hoa cười rực rỡ sắc màu sẽ góp phần làm vơi bớt sự mệt nhọc.

Theo laodongthudo.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm