Đời sống

Những nàng dâu ăn cơm đứng

Lào Cai có nhiều dân tộc thiểu số, phân bố rải rác ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhưng dân tộc Hà Nhì đen chỉ sinh sống ở huyện Bát Xát, với dân số khoảng 13.000 người.

Mẹ chồng mang đến cho nàng dâu một câu chuyện cổ tích / 6 loại nước uống giúp kiểm soát huyết áp cao cực hiệu quả

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào Hà Nhì ngày càng no ấm. Mặc dù vậy, trên những đỉnh núi cao, cuộc sống của phụ nữ Hà Nhì bao đời nay vẫn còn quá nhọc nhằn, vất vả do bị trói buộc bởi nhiều hủ tục. Làm thế nào để “cởi trói” cho phụ nữ Hà Nhì khỏi những tập tục lạc hậu, để họ được bình đẳng, có cuộc sống tốt đẹp, văn minh, tiến bộ hơn đang là vấn đề cần quan tâm.

Nhiều người đặt chân đến bản Hà Nhì trên vùng cao Bát Xát đã phải thốt lên rằng, sao giữa xã hội hiện đại này, phụ nữ Hà Nhì vẫn khổ và vất vả như thế? Họ không chỉ là lao động chính trong gia đình, mà còn phải oằn lưng gánh bao hủ tục nặng nề từ xưa để lại.

Phụ nữ là lao động chính

Mới 4 giờ chiều, nhưng thôn Chỏn Thèn, xã Y Tý đã chìm trong biển sương mù dày đặc; trên những con đường mòn về thôn, chúng tôi vẫn gặp từng tốp phụ nữ Hà Nhì lầm lụi đi trong sương mù. Ở đây ai cũng nhận ra những “giàng mi già” (phụ nữ) Hà Nhì, bởi chỉ họ mới có cách “cõng” gùi củi bằng trán với một chiếc dây vải. Vì thường xuyên bị gùi củi nặng, cao gấp đôi thân người đè trên lưng, nên người nào cũng khom khom, cặm cụi khi bước đi.

Đặt gùi củi nặng trĩu xuống đất, “a nhí” (em gái) Hà Nhì Ly Mờ Be nén hơi thở nặng nhọc, lau những giọt mồ hôi ướt vầng trán đỏ, ngậm ngùi kể về công việc cõng củi trên đỉnh mờ sương này. Từ xưa đến nay, người Hà Nhì coi lấy củi là công việc của phụ nữ. Ngay từ khi còn nhỏ, Mờ Be đã theo mẹ, theo chị lên núi lấy củi. Họ luồn rừng sâu tìm củi, chặt những cây to đã khô, rồi dùng búa và nêm để bổ ra thành từng thanh củi cho vào gùi cõng về nhà. Nói thì đơn giản vậy, nhưng đây là công việc vô cùng nặng nhọc, mất rất nhiều công sức. Mùa đông giá rét, những “giàng mi già” Hà Nhì phải dậy từ 4 giờ sáng để lên rừng, vượt qua quãng đường núi cao, vực sâu để lấy củi và có thể trở về khi trời xẩm tối với gùi củi trĩu nặng trên lưng.

Phụ nữ Hà Nhì ở xã Nậm Pung đi bộ hơn 10 km xuống chợ Mường Hum.

Phụ nữ Hà Nhì ở xã Nậm Pung đi bộ hơn 10 km xuống chợ Mường Hum.

Trò chuyện với những phụ nữ Hà Nhì, tôi biết thêm về công việc thường ngày của họ. Ngoài công việc vất vả trên nương, dưới ruộng, phụ nữ Hà Nhì còn phải cáng đáng hết những công việc gia đình như nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc con cái, chăn nuôi lợn, gà...Đàn ông Hà Nhì thường chỉ quan tâm đến việc dựng nhà, cày bừa trên nương. Vào thăm bản Hà Nhì, ngày ngày chỉ thấy đàn ông ở nhà trông nhà, địu con, rảnh rỗi họ lại rủ nhau “dư bà đu” (uống rượu)…Quanh năm vất vả lo cho gia đình, nên dường như “giàng mi già” Hà Nhì nào cũng già trước tuổi, thân hình nhỏ bé, gầy gò, nước da sạm đen vì mưa, nắng; đôi bàn tay chai sần, trầy xước, bám đầy nhựa cây; hai gót chân nứt nẻ như ruộng khô mùa hạn; ánh mắt lúc nào cũng buồn buồn, ít khi thấy họ nở nụ cười rạng rỡ trên môi.

Làm dâu phải ăn cơm đứng

Thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường nằm trên đỉnh núi Tơ Phồ Xa cao chót vót bốn mùa mây phủ, là nơi có 54 hộ dân tộc Hà Nhì sinh sống. Bữa cơm trưa trong gian nhà tường trình nằm chơi vơi giữa biển sương của ông Phu Che Lúy, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Lao Chải chỉ có tôi là khách. Ông Lúy và tôi được ngồi ở mâm trên, còn vợ ông Lúy và cô con dâu là Phà Ta Nhò ăn cơm ở mâm dưới. Trong bữa cơm, tôi để ý thấy chị Nhò bận con nhỏ nhưng khi thì ngồi xổm, khi lại đứng ăn cơm rất bất tiện, nên có ý bảo chị ngồi xuống ghế ăn cơm cho dễ.

Ông Lúy thấy thế cười bảo: Từ xưa đến nay, theo luật tục của người Hà Nhì, con dâu không được phép ăn cùng mâm với bố chồng, anh chồng hay đàn ông trong gia đình có vai vế cao hơn. Trong bữa ăn, con dâu cũng không được ngồi ghế ăn cơm, mà phải ngồi xổm hoặc đứng ăn, trừ khi mang cơm đi ăn ở chỗ khác, không nhìn thấy bố chồng, anh chồng.

- Vậy khi chỉ có bố mẹ chồng và con dâu ở nhà, thì vẫn phải làm 2 mâm cơm sao? Tôi hỏi.

 

- Vẫn phải làm cho bố chồng một mâm, còn mẹ chồng với con dâu ăn một mâm riêng.

Từ nhỏ, tôi đã được nghe câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nói về nỗi vất vả của người làm nghề nuôi tằm. Những tưởng “ăn cơm đứng” chỉ là một cách nói, không ngờ đó lại là lệ tục ở những bản Hà Nhì. Trong câu chuyện, tôi còn biết thêm rằng, từ quy định này mà con dâu người Hà Nhì không được ngồi cùng xe máy với bố chồng. Thôn Lao Chải cách trung tâm xã Trịnh Tường hơn 20 km, đường giao thông đi lại rất khó khăn. Phụ nữ Hà Nhì ở Lao Chải ít người biết đi xe máy, nếu chồng không đưa đi chợ, thì họ tự phải thức dậy từ 3 giờ sáng, xuôi dốc hơn 20 km xuống chợ Trịnh Tường để mua bán, dù chỉ là túi muối, cân thịt, mấy lạng cá khô…rồi lại cuốc bộ ngược dốc chừng ấy cây số về nhà khi trời nhá nhem tối. Nếu bị đau ốm đúng lúc chồng đi vắng, không nhờ ai đưa tới Trạm Y tế khám bệnh được, họ đành phải nằm ở nhà chống chịu với cơn đau…Ngược lại, bố chồng, anh chồng nếu có ốm liệt giường, con dâu dù biết lái xe máy, muốn chở đến bệnh viện cũng không dám chở…

Buồn tủi và cô độc vì hủ tục

Những cô gái Hà Nhì trót mang thai khi không có chồng hoặc lỡ “ăn cơm trước kẻng”, về nhà chồng sinh con không đủ 9 tháng 10 ngày thì còn khổ gấp nhiều lần vì các hủ tục. Ông Chu Che Lúy kể: Năm 2013, trong thôn có người phụ nữ là Sờ Sá S lấy chồng ở xã A Lù, sống với nhau được một thời gian thì vợ chồng mâu thuẫn, S bỏ nhà chồng về Lao Chải. Về thôn, Sờ Sá S mới biết mình có thai, nhưng vì không chứng minh được cái thai đó là của chồng cũ, nên theo luật tục, S bị làng phạt vạ và phải ra bìa rừng ngoài phạm vi của thôn làm lán để sinh con; 1 tháng rưỡi sau mới được về nhà. Cách đây không lâu, chị Chu Gờ M nhỡ có thai trước khi cưới chồng, về nhà chồng đẻ con thiếu tháng nên cũng bị làng phạt vạ, phải chuẩn bị 10,6 lít rượu, 16 kg thịt lợn, 6 kg gạo…làm mâm cơm ở ngoài địa phận của thôn để mời dân làng đến ăn. Sau bữa ăn, thức ăn thừa đều bị vứt bỏ hết, không ai dám mang vào thôn. Người Hà Nhì quan niệm, phụ nữ mà “sà già ừ i” (chửa hoang, chửa trước khi lấy chồng) là đem về cho thôn những điều đen đủi, không may mắn…

Nhớ lại trong chuyến đi đến xã Nậm Pung, chúng tôi cũng được nghe ông Vù A Sa, người Hà Nhì, Trưởng thôn Kin Chu Phìn 2 kể nhiều câu chuyện đau lòng về những phụ nữ Hà Nhì bị làng phạt vạ. Không chỉ ở Lao Chải, Kin Chu Phìn mà hầu khắp các thôn, bản có tộc người Hà Nhì sinh sống trên vùng cao Bát Xát, hủ tục này vẫn tồn tại. Có điều, mấy năm qua, trường hợp phụ nữ Hà Nhì phải sinh con ngoài rừng ít hơn. Những cô gái Hà Nhì không may “sà già ừ i” đều bí mật tìm cách đi phá thai vì không muốn phải sinh con ngoài rừng, bị dân làng chê trách. Do mang nặng những hủ tục và nhận thức hạn chế, cho đến nay, tỷ lệ phụ nữ Hà Nhì đến sinh con tại các Trạm Y tế xã rất thấp, đa số họ vẫn sinh con ở nhà. Tỷ lệ các cặp vợ chồng người Hà Nhì sinh con thứ ba trở lên cũng đáng báo động.

 

Theo Tuấn Ngọc/Tô Dung/Báo Lào Cai
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm