Đời sống

Những thực phẩm ngấm ngầm 'giết chết' người dùng

Các loại thực phẩm "siêu chế biến" là các món ăn được chuẩn bị sẵn, đóng gói dễ dàng, bày bán nhiều trong các siêu thị, các món đồ nướng đóng gói, những bát súp ở dạng khô, kem, ngũ cốc có đường và các loại đồ uống có ga... Đây đều là những thực phẩm có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bí quyết dùng tủ lạnh siêu tiết kiệm, tha hồ để thực phẩm vẫn không sợ "đốt tiền" / 9 loại thực phẩm từng được sử dụng cho mục đích y tế

Tạp chí y khoa BMJ vừa công bố 2 nghiên cứu về mối liên hệ của thực phẩm "siêu chế biến" với các bệnh tim mạch và đoản thọ. Tuy mối quan hệ nguyên nhân-hậu quả trực tiếp vẫn chưa được làm rõ, nhưng cả hai nghiên cứu đều nhấn mạnh rằng, các nghiên cứu trước đây từng liên hệ việc tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn với nguy cơ mắc bệnh béo phì, cao huyết áp, cholesterol tăng cao và thậm chí một số loại ung thư.

"Thực phẩm siêu chế biến chiếm hơn 50% tổng lượng năng lượng trong bữa ăn của người dân các quốc gia thu nhập cao như Mỹ, Canada và Anh" - bà Maira Bes-Rastrollo, tác giả của một trong hai nghiên cứu và là giáo sư ngành dược phẩm, y tế công thuộc ĐH Navarra, cho hay - "Trong trường hợp của Tây Ban Nha, tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến đã tăng gần gấp 3 lần trong giai đoạn 1990-2010".

Tăng nguy cơ chết sớm

Trong dự án Universidad de Navarra (SUN), các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ khoảng 20.000 người tình nguyện tham gia ở độ tuổi từ 20 đến 91. Cứ 2 năm một lần, họ sẽ phải trả lời một bảng câu hỏi mà các nhà nghiên cứu đưa ra.

Xúc xích - một trong những loại thực phẩm thuộc nhóm

Xúc xích - một trong những loại thực phẩm thuộc nhóm "siêu chế biến" (Ảnh: CNN)

Sử dụng một bản câu hỏi liên quan tới tần suất tiêu thụ 136 loại thực phẩm khác nhau, các nhà nghiên cứu thực hiện đánh giá khẩu phần ăn của mỗi người tham gia bắt đầu từ năm 1999 và sau đó đánh giá lại theo định kỳ, kết thúc vào năm 2014. Các bản nghiên cứu định kỳ sẽ đánh giá về mức độ thường xuyên mà các tình nguyện viên sử dụng thực phẩm thuộc 4 danh mục trong hệ thống phân loại NOVA.

Cụ thể, danh mục thực phẩm "chưa được chế biến hoặc chế biến rất ít" bao gồm hoa quả, rau củ, cây họ đậu, sữa, trứng, thịt, thịt gia cầm, cá và hải sản, sữa chua, các loại hạt (gạo trắng và mỳ ống) và nước ép rau củ quả. Muối, đường, mật ong, dầu ô-liu, bơ và mỡ lợn được liệt vào danh sách "các nguyên liệu được chế biến"; trong khi "các thực phẩm qua chế biến" bao gồm pho mát, bánh mì, bia, rượu, thịt đùi và thịt muối. Danh mục cuối cùng là "thực phẩm siêu chế biến" gồm bánh flan, xúc xích cay Tây Ban Nha, xúc xích, sốt mayonnaise, khoai tây chiên sẵn, pizza, bánh quy, chocolate và kẹo, các loại đồ uống có đường và rượu whiskey, rượu gin và rượu rum.

Nói chung thì các sản phẩm trong danh mục "siêu chế biến" đều chứa rất nhiều chất béo chất lượng thấp, đường và muối, trong khi có mật độ vitamin và chất xơ rất thấp. Tuy nhiên những sản phẩm này "lại mang lại lợi nhuận cao về mặt kinh tế (do sử dụng nguyên liệu giá thấp), rất ngon và tiện lợi" - bà Bes-Rastrollo cho hay; "chúng lại được đóng gói rất bắt mắt và được tiếp thị điên cuồng". Tồi tệ hơn cả là các loại sản phẩm này đang thay thế các loại thực phẩm "không qua chế biến hoặc ít chế biến" cũng như các loại bữa ăn được chuẩn bị sẵn còn tươi trong khẩu phần của chúng ta.

Bà Bes-Rastrollo cùng các đồng nghiệp của mình cũng thu thập thông tin về lối sống, các nhân tố nhân khẩu học, các hoạt động thể chất, cân nặng và sức khỏe của những tình nguyện viên tham gia dự án.

Phân tích các thông tin trên, đội ngũ của bà phát hiện ra rằng, tiêu thụ nhiều hơn các thực phẩm "siêu chế biến" - hơn 4 lần mỗi ngày - sẽ làm tỷ lệ chết sớm cao hơn tới 62% so với những người có tần xuất sử dụng ít hơn. Và mỗi lần sử dụng thêm một bữa ăn được chế biến sẵn kiểu này có thể làm tăng rủi ro đó thêm 18%.

 

Bà Bes-Rastrollo nói rằng kết quả nghiên cứu mà nhóm bà công bố "cũng tương đồng với các kết quả nghiên cứu trước đây" dựa trên cộng đồng người dân sống ở Pháp và Mỹ. Nếu kết hợp kết quả của tất cả các nghiên cứu này, chúng có thể hỗ trợ tốt cho việc thiết lập mối quan hệ nguyên nhân-hậu quả rõ ràng giữa các loại thực phẩm "siêu chế biến" và các vấn đề sức khỏe của người dùng.

Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Ở Pháp, dự án NutriNet-Sante - tập trung vào vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe - chính là bên cung cấp dữ liệu cho bản nghiên cứu mới về ảnh hưởng của các loại thực phẩm công nghiệp.

Lựa chọn thực phẩm thông minh là điều mà các nhà khoa học khuyến cáo (Ảnh: AP)

Lựa chọn thực phẩm thông minh là điều mà các nhà khoa học khuyến cáo (Ảnh: AP)

Hơn 105.000 người (ở độ tuổi trung bình 43 lúc nghiên cứu bắt đầu và 79% trong đó là phụ nữ) đã tham gia. Các tình nguyện viên này đã hoàn thành 5 bản câu hỏi liên quan tới sức khỏe, lối sống và khẩu phần ăn trong giai đoạn đầu của cuộc nghiên cứu. Họ cũng phải công khai khẩu phần ăn mỗi ngày của họ mỗi 6 tháng 1 lần. Và để phân tích, các nhà nghiên cứu ban đầu phân loại các thực phẩm, đồ uống mà tình nguyện viên tiêu thụ vào 4 nhóm thực phẩm của NOVA, sau đó đưa ra mức độ tiêu thụ trung bình của mỗi cá nhân.

 

Tính trung bình, 17,6% khẩu phần của đàn ông là thực phẩm "siêu chế biến", và con số này ở phụ nữ là 17,3%. Tiếp đó, các nhà nghiên cứu so sánh các nhóm tình nguyện viên dựa trên lượng thực phẩm "siêu chế biến" mà họ ăn.

Và kết quả mà họ nhận được là, một người cứ tăng lượng sử dụng thực phẩm "siêu chế biến" thêm 10%, thì tỷ lệ mắc các bệnh của người này sẽ tăng như sau: Bệnh tim mạch nói chung (tăng 12%), bệnh tim mạch vành (tăng 13%) và tai biến mạch máu não (11%). Một bản phân tích thứ hai cho thấy sự liên hệ giữa các loại thực phẩm chưa qua chế biến hoặc ít chế biến và rủi ro ở mức thấp mắc các căn bệnh trên.

Và lời khuyên được đưa ra là: Để cải thiện sức khỏe, con người cần hạn chế sử dụng thực phẩm "siêu chế biến", tăng lượng thực phẩm chưa qua chế biến hoặc ít được chế biến trong khẩu phần ăn của mình.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm